Chúng ta

Góc Hà Nội

Thứ ba, 7/10/2014 | 18:02 GMT+7

Hà Nội xấu - Hà Nội đẹp trong những nốt trầm. Và Hà Nội vẫn còn nhiều góc như thế...

 Hà Nội có những "góc" mà ở đó, tôi thấy tình người vẫn còn nhiều lắm chứ không vô tâm, vô tư như nhiều người nói.

Tôi nặng lòng với Hà Nội, với những con người lặng lẽ. Nhiều lần tự hỏi rằng sao họ cứ phải là Hà Nội làm gì cho khổ sở ra. Thế nhưng đúng là cuộc sống còn nhiều nỗi niềm để con người ta buộc phải lựa chọn những lối đi cho mình.

Ba lô thì đã đành nhưng đôi “tổ ong chiến” thì hơi buồn cười một tý cho việc đi dạy học. Đường xuống khu “nhà ở” mà học trò của mình ngay giữa lòng Hà Nội, phải đi qua chợ cá, qua bãi rác khổng lồ với những thứ mùi và nước thật kinh khủng. Lúc này lại thấy đôi dép tổ ong thật quý giá. Tôi tự nhủ, người ta vẫn ở đây được thì sao mà mình không xuống được.

Có những con người, có những hoàn cảnh khác nhau giữa lòng Hà Nội, nơi mà người ta không gọi là phố, gọi là khu mà gọi là "bãi" với những chiếc nhà tạm được chắp vá bằng tôn, băng-rôn người ta treo ngoài đường. Tất cả ngôi nhà được nằm trên những chiếc thùng phuy và xốp ở trên mặt nước, để khi nước lên thì nhà cũng lên chứ không bị ngập.

Muốn vào nhà học sinh phải đi qua những chiếc cầu tre chênh vênh, khi nào nước lớn quá thì dùng thuyền xốp. Có lần nước cao, thuyền tròng trành, mấy chị em ngồi trên nhìn nhau, cười không dám cười, mà khóc cũng không dám khóc, chỉ dám im lặng cho qua rồi mới thở phào.

Ở đó, người lớn thì đi bốc vác, nhặt rác vào ban đêm, trẻ nhỏ theo bố mẹ nhặt tôm, cá ở ngoài chợ đầu mối gầm cầu Long Biên. Ban ngày chúng đi học ở lớp tình thương. Ở quê chỉ có vài sào ruộng cấy lúa, chẳng đủ ăn nên dù sống ở những nơi tạm bợ như vậy họ vẫn đang cố gắng để tồn tại. Họ ăn bằng những gì hai bàn tay kiếm được, còn “ làm giàu” bằng việc trông chờ vào sự may mắn với những con số đề, cờ bạc. Những đứa trẻ cứ vậy theo gót bố mẹ từng ngày, từng tháng cho đến khi chúng lớn lên và không có định hướng nhiều cho cuộc sống sau này của mình, cho sự thay đổi.

Hà Nội theo bước chân tôi len vào ngõ ngách, đến những khu xóm trọ với những con người yếu ớt, thật nhỏ bé trước bệnh tật. Họ từ khắp nơi về Hà Nội thuê những căn phòng nhỏ để chữa trị bệnh. Họ tập trung lại thành chòm xóm để hỗ trợ nhau những lúc mệt, những lúc khó khăn. Hà Nội mới là trung tâm chữa bệnh nên họ không còn cách nào khác là khăn gói đến đây. Căn bệnh thận làm sức khỏe họ giảm sút, rất yếu nên chỉ có thể làm những công việc nhỏ, nam thì xe ôm, nữ thì bán nước.

Tết nhất, Hà Nội vắng tanh nhưng ở xóm vẫn chậm chạp từng hơi thở đang chiến đấu với thời gian để kéo dài cuộc sống. Cái cuộc sống mà tôi thầm nghĩ : “Họ đang sống hay chỉ là tồn tại?”

Hà Nội trong tôi với những con phố nhỏ, là những con đường rợp bóng cây, là những lần ngồi trà đá, bia hơi vỉa hè lắng nghe nhịp sống và những câu chuyện của nhiều người.

Hà Nội là những lần len lỏi dọc các nhà sách để tìm cho mình cuốn sách ưa thích hoặc phù hợp, là những lần giao mùa chuyển mình, chuyển màu làm cho con người ta xao xuyến và gợi về những kỷ niệm.

Hà Nội xấu - Hà Nội đẹp trong những nốt trầm. Và Hà Nội vẫn còn nhiều góc như thế...

Vũ Thảo

Ý kiến

()