Chúng ta

FPT học những gì từ người sáng lập Infosys

Chủ nhật, 2/8/2015 | 08:28 GMT+7

Hôm nay có việc khiến tôi nhớ đến một câu nói của bác Murthy, chợt nảy ra ý nghĩ tập hợp lại các câu nói kinh điển của ông. Lên mạng tìm kiếm, thấy cũng có dăm ba nơi đã làm, nhưng chỉ một số câu trùng ý mình, thế nên vẫn phải viết một bài.

Ông Murthy là người sáng lập và xây dựng nên công ty Infosys của Ấn Độ. Trong các công ty phần mềm lớn nhất của Ấn Độ, FPT Software đặc biệt ngưỡng mộ Infosys vì hai lẽ: Thứ nhất, công ty được xây dựng bởi một nhóm người từ tay trắng khá giống FPT. Thứ hai, Infosys mong muốn đóng góp cho đất nước và sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng những “bí quyết” của mình. Bản thân bác Murthy là một người rất giản dị, vốn có thiên hướng cộng sản (confused leftist) nhưng rồi đã trở thành một “nhà tư bản trắc ẩn” (compassionate capitalist) vì nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản quan tâm trước tiên đến việc tạo ra của cải. Ở FPT Software, ông Murthy hay được gọi vui là “cụ tổ”.

Bài này bao gồm 10 câu nói của ông về khởi nghiệp và vận hành công ty. Các câu nói được trích từ cuốn “A better India, a better world” - tập hợp các bài nói của ông Murthy ở các trường đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn… trên thế giới.

1. Tài sản của chúng ta rời khỏi công ty mỗi chiều. Chúng ta cần chắc chắn là họ sẽ quay lại vào sáng hôm sau.

Câu này từng được in và dán ở phòng Nhân sự FPT Software. Một cách hình tượng, nó thể hiện triết lý của các công ty dựa chủ yếu vào vốn con người (human capital) như các công ty dịch vụ phần mềm. Tôi quan sát thấy, sau khi ông Murthy nói câu này, một thời gian tổ chức SHRM (Society for HRM) cũng sử dụng như slogan của mình, không rõ độc lập hay lấy từ Infosys.

2. Công ty là học xá, hoạt động là chương trình, và lãnh đạo phải giảng dạy.

Đây cũng từng là kim chỉ nam cho FPT Leadership Institute (FLI). Theo nghiên cứu, mỗi nhân viên học 70% từ công việc, 20% từ đồng nghiệp và 10% từ các khóa học. Sử dụng ngay kinh nghiệm hằng ngày để học, biến các vấn đề thành case study “sống” để cùng tìm lời giải và thử luôn, hiệu quả hơn nhiều so với phân tích case của Tây - Tàu.

3. Nghi ngờ thì hãy nói ra.

FPT cũng được cho là có văn hóa này, khi nhân viên có thể phản bác lãnh đạo hoặc đồng nghiệp về bất kỳ vấn đề gì. Quyền quyết định là của lãnh đạo, nhưng ý kiến trái chiều được tôn trọng và lắng nghe. Cần nỗ lực của lãnh đạo để tạo ra văn hóa này, vì không phải lúc nào nhân viên cũng an toàn khi chia sẻ sự nghi ngờ về sự sáng suốt của sếp. Những người này thường không thuộc nhóm được ưa nhất, nhưng đôi khi lại có giá trị nhất vì giúp tránh được tư duy bầy đàn (group-think).

4. Hãy chỉ cho tôi một doanh nghiệp thành công, và tôi sẽ chỉ cho bạn một tập thể hạnh phúc, tràn trề hy vọng, tự tin, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng, từ chủ tịch đến lao công.

Tất nhiên là rất giống FPT hay các đơn vị thành viên, khi làm ăn phát đạt.

5. Mỗi công ty cần theo dõi hai chỉ số tài chính tối quan trọng, ngoài các chỉ số phi tài chính khác: thứ nhất, doanh thu trên nhân viên, thứ hai, lợi nhuận sau thuế trên nhân viên. Chỉ số thứ hai ảnh hưởng trực tiếp đến lãi trên cổ phiếu, tăng sự tự tin của nhân viên, và giúp bạn trả lương tốt hơn. Ở Infosys, hai chỉ số đó dùng để đo thành quả của mỗi đơn vị.

Ở FPT, chỉ số thứ hai đôi khi bị bỏ qua.

6. Nếu bạn không có lợi nhuận tốt nhất thị trường của mình, bạn không phải là giỏi nhất.

7. Văn hóa doanh nghiệp là thứ quyết định mọi người sẽ hành xử ra sao khi không bị theo dõi.

8. Mỗi lần dạy tân binh, tôi nói với họ là tôi chỉ bảo đảm cho họ được ba thứ ở Infosys. Thứ nhất, phẩm giá và lòng tự trọng của họ sẽ được duy trì và nâng lên trong mỗi việc làm. Thứ hai, công ty sẽ không khiến họ phải xấu hổ trước người thân và bè bạn. Thứ ba, họ có cơ hội học nhiều gấp ba lần so với ở chỗ khác.

Ý tưởng này rất giống FPT Software, nhất là khoản ‘học được nhiều’.

9. Đóng góp lớn nhất của Infosys cho Ấn độ là gì? Là tăng được sự tự tin của các nhà khởi nghiệp trẻ ở đất nước này.

10. Kết quả công việc dẫn đến sự ghi nhận, sự ghi nhận đem đến sự kính trọng, sự kính trọng đem đến quyền lực.

Và quyền lực đem đến sự giàu có.

>> Đừng bao giờ quên mình là ai

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()