Chúng ta

Đừng biến mình thành khuyết tật

Thứ hai, 13/4/2015 | 18:22 GMT+7

Nếu bạn lành lặn mà luôn ủ dột đổ cho hoàn cảnh, hay bạn chẳng may gánh nợ kiếp trước - kiếp này phải trả - chỉ chầu chực mong đợi sự thương xót từ người xung quanh, thì bạn khuyết tật thật rồi đấy.

Cách đây không lâu tôi xem bộ phim của Nhật Bản kể về một cô gái bị câm và điếc. Ngôn ngữ duy nhất cô ấy sử dụng là đôi bàn tay. Từ bé cô đã bị bắt nạt, nhưng trên hết gia đình luôn bên cạnh và ủng hộ. Ở Nhật, những người khuyết tật luôn được nhà nước bố trí công việc. Gần như công ty, phòng ban nào cũng có người khuyết tật làm việc. Dường như tất cả công ty đều biết sử dụng ngôn ngữ bằng tay.

Thời gian đầu, cô gái đó đi làm cảm thấy rất áp lực và muốn bỏ việc. Khi đó, người cha đã lên và nói rằng ông cảm thấy xấu hổ vì khi cô ngoài 20 không cống hiến cho xã hội chứ không phải là vì cô bị khuyết tật.

Đến lúc cô gái yêu một anh đồng nghiệp làm cùng công ty, vì mặc cảm, cô luôn cố tránh anh. Tôi nhớ câu anh đồng nghiệp đã nói "Chẳng phải em chỉ bị câm và điếc thôi sao. Khuyết tật ai chẳng có. Người thì bị chân cong, người ngón tay có vấn đề... Chẳng ai để ý đến em bị khuyết tật cả, chính em tự nghĩ rằng mình đặc biệt thôi". 

Trong phim có rất nhiều chi tiết khiến tôi cảm động. Khi cô gái mang bầu, vì bác sĩ bảo trẻ con nghe nhạc giao hưởng từ trong bụng mẹ rất tốt, nên cô quyết định mua đĩa nhạc giao hưởng. Nhưng vì không nghe thấy âm thanh, cũng không biết mức mở tiếng to nhỏ trong bộ dàn, nên cô đành mở nhạc to hết cỡ và áp bụng mình vào mong con nghe được. Đến nỗi hàng xóm đập cửa yêu cầu nhỏ tiếng, tuy nhiên, cô không nghe thấy. Rồi khi con ra đời, cô quay quay món đồ chơi phát ra tiếng động. Đứa bé thấy âm thanh vội lao ra chỗ mẹ, cô gái đã khóc vì con không bị điếc giống mình... Giống như bản năng của phụ nữ vậy, làm vợ, làm mẹ, và trái tim ai cũng biết ấm như nhau.

Cái hay hơn cả đó là tôi cảm nhận, ở Nhật Bản, người ta không có khái niệm "khuyết tật". Khuyết tật không phải là lỗi của xã hội, không phải lỗi của ai cả vì chắc chắn ai cũng muốn mình hoàn hảo. Chỉ trách ở tạo hóa mà thôi. Chính vì thế, xã hội không kỳ thị, họ chỉ tạo ra những điều đơn giản như chỗ đi riêng cho xe lăn, tuân thủ theo hiệu lệnh tín hiệu giao thông... những điều kiện tốt nhất để dành những người không may mắn bù cho sai sót của tạo hóa. Rất nhiều lớp học dạy ngôn ngữ bằng tay cho những người lành lặn, bởi họ hiểu ngôn ngữ là cách khiến con người gần nhau hơn. Ngay cả người khuyết tật cũng vậy, họ biết ơn những gì xã hội đã đem đến cho mình và dùng chính sức lao động để báo đáp. Thậm chí họ còn không bao giờ lôi mác "khuyết tật" ra để làm gánh nặng người khác, cũng không yêu cầu xã hội phải đối đãi với mình thật đặc biệt.

Còn một bộ phim nữa cũng chủ đề này của Nhật tên “No One Perfect”. Người thầy giáo bị cụt cả tay lẫn chân, nhưng anh luôn cố gắng làm sao hòa nhập được với học sinh. Trong đầu anh luôn nghĩ "mình có thể", dù cho học sinh ái ngại khi cho anh chơi đá bóng cùng, hay đi leo núi cùng cả lớp... Và khi hiểu rõ từng hoàn cảnh mỗi em học sinh, nhìn cả người thầy, đúng là không ai hoàn hảo cả. Cuộc sống là như thế.

Nhưng nếu bạn lành lặn mà luôn ủ dột đổ cho hoàn cảnh, hay bạn chẳng may gánh nợ kiếp trước - kiếp này phải trả - chỉ chầu chực mong đợi sự thương xót từ người xung quanh, thì bạn khuyết tật thật rồi đấy.

Đào Mai Anh

Ý kiến

()