Chúng ta

Đã đến lúc cần chính sách phù hợp cho toàn cầu hóa

Thứ năm, 30/1/2014 | 10:00 GMT+7

Con đường toàn cầu hóa của FPT chắc chắn sẽ không chỉ là thảm đỏ trải hoa hồng. Biết bao cạm bẫy chông gai đang chờ phía trước nên chúng ta sẽ luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Từ cổng khách sạn bước ra đường để đi ăn tối ở thủ đô Vientiane, tôi ngỡ ngàng khi thấy một chiếc Lamborghini màu vàng biển số Lào chạy vụt qua. Ngoài đường, các cửa hiệu trưng đèn sáng choang, khách ra vào tấp nập và ngay sát khách sạn là một vũ trường lớn càng khiến tôi thêm ngạc nhiên về sự thay đổi của thành phố này.

Còn nhớ năm 2009, Visoud, một đối tác Lào kiều tại Pháp, rủ tôi cùng đi “bàn các cơ hội làm ăn với chính phủ Lào”. Bản thân Visoud cũng có công ty tin học tại Paris nhưng năng lực không đủ để làm những dự án lớn nên anh đã nghĩ ngay đến việc hợp tác cùng FPT.

Không chút ngần ngừ, tôi nhận lời ngay và rủ anh Nguyễn Quang Hòa (hiện là Phó TGĐ phụ trách sản xuất của FPT Software) cùng đi Vientiane. Được biết FPT IS đã có mặt ở Lào từ rất sớm để triển khai các giải pháp core banking nên chúng tôi đã chủ động liên hệ với Trưởng đại diện của họ để rủ tham gia.

Ấn tượng của chúng tôi lúc đó về thủ đô nước bạn là một thành phố yên bình nằm bên bờ sông Mekong và người dân thì vô cùng thân thiện. Điều thú vị là gia đình Visoud lại gốc Việt, là dân Quảng Bình. Năm 1972, trong chiến tranh ác liệt, ông nội Visoud đã đưa cả nhà vượt biên sang Lào. Ngoại trừ Visoud là con út sinh ra ở Lào rồi ngay từ năm đầu đại học đã sang Pháp sinh sống, các thành viên còn lại của gia đình đều nói rất sõi tiếng Việt. Ông anh cả có hẳn một nhà hàng Nhật vào hạng nhất nhì thủ đô, chuyên nhập cá hồi tự nhiên từ Na uy về phục vụ khách hàng cao cấp, trong khi đó bà chị hai mở một công ty tư vấn các dự án xây dựng cho Chính phủ.

Chính người chị của Visoud đã có cơ hội làm hệ thống quản lý thu phí các phương tiện xe ôtô qua lại giữa hai nước Lào và Thái Lan theo mô hình PPP (Public Private Partnership) và đề nghị FPT cùng tham gia đầu tư. Trao đổi qua lại rất nhiều, thậm chí chúng tôi còn được diện kiến cả Bộ trưởng Giao thông của bạn vào thời điểm đó và tất cả đều đánh giá đây là một cơ hội rất tốt. Thật đáng tiếc là lúc đó, FPT IS vẫn chưa sẵn sàng để tham gia cuộc chơi với những dự án kiểu như vậy nên cơ hội mở rộng kinh doanh ở Lào đã bị bỏ qua.

Lần này, tôi quay trở lại Lào với tư cách là thành viên của Đại học FPT. Trách nhiệm tuy khác nhưng có lẽ giấc mơ toàn cầu hóa vẫn còn cháy bỏng nên tôi thực sự vui mừng khi thấy đại học đã có những bước đi đầu tiên trên con đường mở cửa ra thế giới. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan nên qua trao đổi với một số thầy, cô giáo của trường, tôi cảm nhận được tâm lý nghi ngại khi nói đến chuyện phải sang Lào sinh sống và làm việc.

Qua hai câu chuyện của cá nhân, tôi nghĩ rằng con đường toàn cầu hóa của FPT chắc chắn sẽ không chỉ là thảm đỏ trải hoa hồng. Biết bao cạm bẫy chông gai đang chờ phía trước nên chúng ta sẽ luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Ngoài ra, chính sách phù hợp cũng là một điểm vô cùng quan trọng. Tôi còn nhớ khoảng năm 2008, khi anh Đỗ Cao Bảo phất ngọn cờ toàn cầu hóa cho FPT IS, đã không ngần ngại tuyên bố: “Một đồng doanh số từ dịch vụ tương đương với năm đồng bán phần cứng, nhưng một đồng từ toàn cầu hóa sẽ tương đương với mười đồng dịch vụ”. Chính sách quyết liệt như vậy đã khiến lớp lớp người FPT IS sẵn sàng xông ra ngoài làm việc. Có lẽ đã đến lúc cần những chính sách phù hợp kiểu như vậy ở mức tập đoàn để các ngành nghề dịch vụ khác nhau của FPT có thể đua nhau ra ngoài mở đất làm kinh tế mới.

Lê Hà Đức

 

 

Ý kiến

()