Chúng ta

Chúng ta đang thực sự chắp cánh những ước mơ

Thứ ba, 30/1/2018 | 11:33 GMT+7

Đường tới huyện Tam Đường không khó đi, nhưng xa thật là xa. Xa tới nỗi tất cả tỏi vừa chuyển từ dưới xuôi lên đều đang nhú mầm xanh. Lũ chúng tôi đứa nào đứa nấy đều mệt dù chỉ phải ngồi trên ô tô, chưa phải động chân tay làm gì cả.

Trường nội trú THCS Khun Há hiện ra trước mắt chúng tôi bên một con dốc quanh co, thoạt nhìn thì thật khang trang làm chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau: “Nơi này chắc đâu có cần giúp đỡ gì nữa?”. Là trường cấp 2 với gần 500 học sinh nên khuôn viên của trường rộng thật rộng - gồm cả khu phòng học, khu ký túc xá và bếp ăn của học sinh. Đi từ cổng trường xuống tận bếp cùng một thầy giáo của trường, tôi mới được biết rằng dãy phòng học ngoài cổng là vừa mới được đầu tư xây dựng thôi, khu nhà ở phía sau của các em vẫn lụp xụp lắm.

11h trưa, các em được tan học. Lũ nhóc cấp 2 mà loắt choắt bé hơn cả học sinh tiểu học ở thành phố ấy ùa xuống bếp. Nhưng không như đàn ong vỡ tổ trong bài văn mẫu, các em trật tự và tự giác lấy đồ ăn về bàn rồi đứa nào về chỗ đứa nấy rất nhanh. Trong lúc chúng tôi đang cắt nem với chia nước chấm thì giật mình vì cả 38 mâm cùng đồng thanh “Chúng em mời các thầy cô, mời các bạn ăn cơm”. Cả đội tình nguyện toét miệng cười ngẩng lên nhìn nhau: “Đáng yêu quá. Có ai kịp quay phim lại không?”

Mâm cơm của các em vỏn vẹn có 3 nồi: cơm, canh bí đỏ và gà rang. Nghe bảo nay có thêm món nem đoàn mang đến nên các em thích lắm. Đa số các em lần đầu được ăn nem, mà cơm ở trường thịnh soạn hơn ở nhà nhiều lắm vì ở nhà chỉ có ăn rau thôi. Nhiều người trong chúng tôi đứng lặng đi khi chứng kiến mâm cơm đạm bạc ấy. Lắm đứa sống mũi cay xè quay sang nhìn nhau: “Bảo sao chúng nó gầy gò thế…”, rồi lại vỗ về “thế này là còn có cơm ăn rồi, nhiều nơi còn chỉ ăn cơm chan nước mì ấy chứ…”.

Bọn trẻ ở đây nhút nhát lắm. Giơ máy ảnh lên là chúng nó chạy biến khỏi tầm ngắm. Giơ máy quay lên là chúng nó chỉ ỏn ẻn cười. Mãi mới có một cô bé người Mông chịu nói chuyện với tôi. Và không những chịu cho tôi quay clip, bé ấy còn hát cho tôi nghe một bài hát tiếng Mông rất hay - một bài hát về niềm biết ơn Đức Chúa. Cô bé ấy hát rất hay, và khi em bảo ước mơ của em sau này sẽ làm nghệ sĩ, tôi đã tưởng tượng tới hình ảnh cô bé đáng yêu này cười thật tươi trên những sân khấu lớn và đem tiếng hát ngọt ngào của em đi khắp nơi…

Nhà của Hàng A Cồ có 9 anh chị em. Cậu bé là người con thứ 6, và là đứa con không may mắn nhất trong gia đình: em không có ngón tay, ngón chân. Thực sự chúng tôi đều trố mắt khi thấy Cồ vẫn nhanh nhẹn và ăn cơm tốt như chúng bạn, và thậm chí là vẫn cầm chổi quét dọn như các bạn lành lặn khác. Theo như câu chuyện giữa chúng tôi và thầy hiệu trưởng thì Cồ bị vậy là do hôn nhân cận huyết, không còn là người trong cùng dòng họ nhưng khác họ vẫn kết hôn được với nhau. Tuy vậy, Cồ là người viết chữ đẹp đứng thứ hai của trường Khun Há.

hangaco-sua-3269-1517286793.jpg

Hàng A Cồ (giữa), sinh ra đã không có bàn chân, bàn tay nhưng viết chữ đẹp đứng thứ 2 trường Khun Há.

Các thầy cô ở trường đa phần là người dưới xuôi lên đây, người Thái Bình, người Hòa Bình, người thì từ ngay Hà Nội. Họ bỏ quê lên miền núi xa xôi này để theo đuổi cái nghiệp trồng người. Nghe các thầy cô kể chuyện đời, chuyện gia đình mà tôi không còn từ nào khác ngoài từ “khâm phục” dành cho họ. Nhiều thầy cô cũng bị gia đình phản đối, bắt bỏ nghề để về xuôi. Ấy thế mà có người gắn bó hơn chục năm trời với trường, với những đứa trẻ này, tới nỗi giờ họ bảo họ yêu cuộc sống ở đây hơn dưới xuôi, không về đâu. Trong khi lũ chúng tôi được đút chân ngăn bàn, nắng không tới mặt mưa chẳng tới đầu thì những con người trẻ tuổi ấy vừa dạy học, vừa tự trồng rau cho học sinh, rồi thỉnh thoảng đi cả chục cây số đường núi đường rừng đến từng nhà vận động các em đi học…

Thầy cô nói ở trên này mới có 2 đoàn thiện nguyện vào thăm. Mới đây đoàn là hội hoa Đà Lạt mới vào hỗ trợ cho các em ít sách giáo khoa và quần áo cũ. Nay có đoàn FPT IS vào hỗ trợ thật là quý. Tôi cười và nói với các thầy cô: “Vật chất chúng em mang lên chỉ là phần nhỏ, quan trọng hơn là động lực cho các em học sinh”. Chúng tôi những người từ những vùng quê khác nhau, chung một công ty và cùng có lòng mong muốn giúp đỡ các em, cùng nhau lên đây gửi gắm chút tấm lòng miền xuôi. Mong các em học sinh trên này cố gắng đến trường học lấy cái chữ xây dựng quê hương để không phụ công sức, tấm lòng của thầy cô. Biết đâu đó lại có một vài em lại làm nhân viên FPT tương lai.

Để rồi, chúng tôi ngập tràn hạnh phúc khi chương trình đơn sơ của chúng tôi mang lại cho cả thầy và trò một buổi chiều ngập tràn tiếng cười và niềm vui. Nhìn ngắm những nụ cười thật vô tư của cả thầy cả trò trường Khun Há, tôi chợt nhận ra rằng vật chất mà chúng tôi mang tới chỉ là một phần giá trị của chuyến đi này.

Chia tay Khun Há để đến với Phìn Ngan - nơi chúng tôi đã đến hai lần vào năm 2015 và 2016. Đường vào Phìn Ngan nhỏ và không dễ đi chút nào. Cả hội ngất ngây vì say xe và choáng váng khi thấy những lòng suối rất to xẻ núi ngang dọc. Đây là mùa cạn, nước thấp, nhưng những dấu vết hai bên lòng suối đủ cho chúng tôi biết mùa nước lên thì lũ xối xả và dâng cao đến đâu. Cũng vì lẽ đó nên năm 2016, món quà chúng tôi mang cho trường là những chiếc áo phao.

Tôi may mắn đã tham gia chuyến đi Phìn Ngan năm 2015, nên lần này, khi ghé thăm lại Phìn Ngan, tôi vừa háo hức lại vừa bồi hồi mong ngóng. Lối vào trường vẫn thế, những bức tranh mà thầy dạy mỹ thuật vẽ vẫn được treo trên tường, dàn mướp trĩu quả của trường vẫn đây, nhưng trường đã có thêm một vườn rau tươi tốt. Cây ngọc lan mà chúng tôi trồng năm xưa đã nở được hai mùa hoa và giờ đang tươi xanh mướt mát.

Trong chuyến đi lần trước, tôi rất ấn tượng với một số bé, nên bữa nay cứ dáo dác tìm xem có còn thấy những khuôn mặt thân thương ấy không. Rồi chúng tôi vỡ òa một niềm tự hào nho nhỏ khi thấy nhiều em bé vẫn đang mặc trên mình chiếc áo khoác ba màu mà chúng tôi đã tặng các em 2 năm trước. Có lẽ, những chiếc áo của chúng tôi cũng đã theo các em nhỏ khác lên cấp 2.

Cậu bạn đi cùng tôi bảo: Có đi mới biết mình hạnh phúc, và mới thấy rằng cho đi là một niềm hạnh phúc vô bờ. Thế nên, chốt lại một câu thôi “Hạnh phúc cuộc đời là những chuyến đi”.

Trong chương trình giao lưu tại Khun Há, có một cậu học trò bé loắt choắt đã hát tặng chúng tôi một bài hát rất hay, mà tời giờ, giai điệu và lời ca vẫn đang da diết vang lên trong tôi:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…

Phải rồi, tôi tin rằng, chúng tôi, à không, chúng ta,đang thực sự chắp cánh cho những ước mơ.

Hoàng Ngọc Ánh

Ý kiến

()