Chúng ta

Chống quan liêu trì trệ là chống gì?

Thứ sáu, 14/10/2016 | 11:39 GMT+7

Quá hiển nhiên, thế mà cũng phải hỏi. Nhưng nghĩ thêm một chút, bỗng thấy không biết nên bắt đầu hành động từ đâu, cụ thể chống cái gì? Những thứ từ góc nhìn của ta là “quan liêu, trì trệ”, thì từ góc nhìn khác lại là “đúng nguyên tắc, hạn chế rủi ro”. Cãi nhau một hồi, đâu lại hoàn đấy.

Thật ra, quan liêu (bureaucracy) là một cơ chế cần thiết để vận hành một tổ chức lớn. Theo Weber, nó giúp “duy trì trật tự, tăng hiệu suất (efficiency), và loại bỏ chủ nghĩa thiên vị (favouritism)”. Nhược điểm lớn nhất của nó là do cuộc sống vận động, các trật tự được thiết lập nhanh chóng trở nên lỗi thời khiến cho mọi người cảm thấy bị vướng víu, cản trở. Cho nên, "quan liêu" mới đi cùng "trì trệ".

Vậy "quan liêu trì trệ" thì có gì xấu cho một tổ chức? Vì nó không phải là động cơ tăng tốc của tổ chức, nên vấn đề mà nó gây ra không thuộc loại khiến tổ chức nổ tung hay bay xuống hố. Ngược lại, nó gần giống cái phanh hãm để bảo đảm an toàn. Do đó, vấn đề mà nó tạo ra thuộc loại gây LÃNG PHÍ nguồn lực: mất thời gian, phí cơ hội, mòn mỏi nhân tài.

Bản chất con người không chấp nhận lãng phí. Đi trên đường thấy một vòi nước đang chảy vô ích, bạn sẽ có phản xạ tự nhiên là dừng bước và cố đóng nó lại. Nếu bị phát hiện, lãng phí sẽ được chấm dứt. Khó khăn là nhiều lãng phí trong tổ chức không dễ nhìn thấy, phải mất công "hiển thị nó ra" để thuyết phục các bên liên quan.

Thử lấy ví dụ về lãng phí khó thấy. Khi tôi bé, trong nhà có nhiều thứ được cất kỹ để cả năm dùng một lần, và đó là tiết kiệm. Cho đến gần đây, tôi vẫn giữ thói quen ấy, rồi một hôm chợt nhận ra nhà chật cứng, không gian có ích bị phí phạm: những thứ cất để dùng thì đến lúc cần dùng lại quên phéng, còn những thứ dùng hằng ngày thì phải để lung tung không có chỗ chứa. Tính ra, giữ một món đồ để thỉnh thoảng dùng lại đắt hơn so với dùng xong bỏ, khi nào cần thì mua. Tiết kiệm ngày xưa trở thành lãng phí hôm nay.

Ở công ty nọ, có hợp đồng kinh tế soạn ẩu gây thiệt hại. Ngay lập tức, bộ phận pháp chế được thành lập và được yêu cầu xem xét tất cả các loại hợp đồng. Sau một thời gian, những hợp đồng “vô tội” (hợp đồng nội bộ chẳng hạn) cũng bị “chặn lại hỏi han” mà không rõ thêm được giá trị gì. Bên bị ảnh hưởng kêu là "quan liêu, trì trệ". Bên pháp chế thì giải thích là "hạn chế rủi ro". Nếu bỏ công tìm hiểu, sự lãng phí (có thể chỉ trong một số nhóm trường hợp) sẽ trở nên trực quan khiến ai cũng thấy, và quy tắc sẽ được điều chỉnh để giảm lãng phí. Còn nếu không tìm hiểu, mọi chuyện sẽ chỉ dừng ở tranh cãi, vì bản thân bộ máy quan liêu, tuy luôn kêu bận, lại có xu hướng bảo vệ hiện trạng (status quo) công việc của mình.

Như vậy, chống quan liêu trì trệ thực chất là chống lãng phí, và cách tốt nhất để chống lãng phí là hiển thị (visualize) nó ra, để mọi người đều thấy. Tổ chức cần có một cơ chế hiển thị, và nó sẽ được kích hoạt khi ai đó nhìn thấy và chỉ ra sự lãng phí. Như một tác giả đúc kết: Bước một là nhìn thấy nó, bước hai là từ chối việc lần sau quay lại mà tảng lờ nó.

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()