Chúng ta

4.0 hay 3.0

Thứ hai, 11/12/2017 | 18:28 GMT+7

Tôi đã phản đối 4.0 bởi 3.0 chưa được hiện thực hóa và bởi 4.0 có hơi hướng quá nghiêng về kinh tế.

Tôi là một trong những người cực kỳ phản đối khái niệm Cách mạng công nghiệp 4.0 kể từ khi khái niệm này xuất hiện trước thời điểm diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới 2016.

Vì sao? Cần phải nói sơ qua về thế nào là một Cuộc cách mạng công nghiệp? Trước hết, đó chính là nền tảng của các cuộc cách mạng kinh tế, được thiết lập khi có sự xuất hiện đồng thời một thứ công nghệ mới và một hệ thống năng lượng cũng hoàn toàn mới (theo định nghĩa của Jeremy Rifkin - người đưa ra khái niệm về Cách mạng công nghiệp 3.0).

Từ nền tảng đó, các mô hình kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức; các ngành công nghiệp mới, các hình thức chuỗi cung ứng mới, và các công nghệ phái sinh mới lần lượt xuất hiện.

Cách mạng công nghiệp 1.0 - Công nghệ máy hơi nước - Nguồn năng lượng chính: than đá.

Cách mạng công nghiệp 2.0 - Động cơ đốt trong - Nguồn năng lượng chính: xăng, dầu

Đối với Jeremy Rifkin, cách mạng công nghiệp 3.0 sẽ được thiết lập dựa trên ba mấu chốt: năng lượng tái tạo - công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo và mạng lưới chia sẻ năng lượng. Tham vọng của Jeremy là thúc đẩy tất cả các cá nhân - cộng đồng thế giới trở thành các nhà sản xuất năng lượng, tạo nên một sự thay đổi trong cách năng lượng được phân bổ. Nhu cầu về năng lượng của con người sẽ không còn bị phụ thuộc vào bất cứ tổ chức nào. Địa phương có thể tự sản xuất năng lượng và chia sẻ hoặc bán chúng đi khắp thế giới khi công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo đạt thành tựu. Mạng lưới năng lượng tái tạo đó sẽ phục vụ kinh tế thế giới ở mức cực kỳ địa phương.

Tôi đã phản đối 4.0 bởi 3.0 chưa được hiện thực hóa và bởi 4.0 có hơi hướng quá nghiêng về kinh tế, điều đó có khả năng làm trầm trọng các vấn đề về xã hội, môi trường, bất công xã hội,… vốn vẫn đang hiện hữu và khiến tầng lớp vốn đang loay hoay thích nghi trong xã hội công nghệ mới ngày càng trở nên dễ tổn thương hơn; trong khi triết lý của 3.0 lại mang tính nhân văn nhiều hơn.

Thế nhưng sự thành công của khái niệm 4.0 đã khẳng định cái cao cả thật sự không có chỗ đứng trong suy nghĩ của đại đa số người dân hoặc truyền thông đã làm quá tốt công việc của họ khi tạo ra một xu thế 4.0 lung linh, đầy mời gọi. 

Nhưng gần đây, những cuộc cách mạng nền tảng (Plateform revolution) điển hình như Uber hay Airbnb hay Momo (nếu như theo cách họ truyền thông) đã khiến tôi một lần nữa có cái nhìn tích cực hơn về 4.0. Bởi nếu không kể ra những bất cập của hai mô hình này, thì rõ ràng chúng đã tạo ra một hình thức kinh tế chia sẻ, một phần trong khái niệm của 3.0 và trở thành nguồn cảm hứng cho việc nền kinh tế chia sẻ trở nên gần gủi và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương khắp nơi trên thế giớivới nhiều hình thức ngày càng đa dạng.

Và gần đây nhất thông tin việc Tesla hoàn thành nơi lưu trữ năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới trong 100 ngày đã củng cố giả thuyết của tôi, rằng những lãnh đạo công nghệ trên thế giới dù cố ý hay vô tình cũng đã và đang hướng thế giới đến việc thiết lập cơ sở vật chất cơ bản cho chính cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, nhưng dưới một tên gọi cực kỳ lấp lánh và thu hút: 4.0.

Điều này khiến cho cả 3.0 và 4.0 ngày càng trở nên cực kỳ thú vị khi công nghệ vốn dĩ có thể là phái sinh của 3.0 lại đang được phát triển và dùng làm đòn bẩy cho công nghệ cốt lõi của 3.0. Hay nói cách khác 4.0 đang xây dựng nên một 3.0+.

Liệu tôi đang hoang tưởng hay đang bị dắt mũi đây? Có lẽ là cả hai.  

>> Bàn về việc 'đặt máy chủ ở Việt Nam'

Nguyễn Duy Linh

Ý kiến

()