Chúng ta

Thủ tướng: 'Việt Nam cần sớm bước lên đoàn tàu 4.0'

Thứ sáu, 13/7/2018 | 17:07 GMT+7

Để không lỡ "đoàn tàu 4.0", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngoài hành lang pháp lý và chính sách đầu tư tốt, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Là người mở đầu và cũng là cuối cùng phát biểu trong phiên đối thoại Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam - sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao 4.0 sáng ngày 13/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không dưới ba lần khẳng định "Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Việt Nam cần huy động các nguồn lực để nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách. Để làm được điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến bốn vấn đề chính, từ sự thay đổi về nhận thức, những bước tiến về hành động, phát triển khoa học công nghệ, cho tới xử lý những mặt trái từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

panelthutuong500-4662-15314719-5766-2410

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao về 4.0, tổ chức sáng nay (13/7). Ảnh: Minh Sơn

"Qua diễn đàn chúng ta nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sâu sắc hơn, rõ ràng hơn về bước đi và cách làm. Đó là sự thay đổi phương thức sản xuất, giải pháp công nghệ, thay vì áp dụng công nghệ theo cách truyền thống", Thủ tướng nói

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, sự thay đổi của nhận thức phải được nối tiếp bằng những hành động cụ thể, đây cũng là yêu cầu thứ hai được nêu ra. Đó là xây dựng những hành lang pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển của 4.0, nâng cao kỹ năng người lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hay những chính sách thu hút đầu tư tại các địa phương.

Yêu cầu thứ ba được Thủ tướng đưa ra là phát triển công nghệ, đặc biệt là việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Theo ông, Việt Nam cũng phải thay đổi triệt để về hệ thống sáng tạo quốc gia, trong đó phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân thay vì mô hình cũ.

Hệ thống sáng tạo quốc gia phải lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, cạnh tranh chiến lược, tích hợp các công nghệ mới vào sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thực hiện tốt chính sách bảo hộ và phát triển thị trường.

Thủ tướng cũng lưu ý về việc xử lý các mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0, để "không ai bị bỏ lại phía sau" theo tinh thần của diễn đàn. Đó là những vấn đề về sự thay đổi của môi trường việc làm, thất nghiệp hay biến đổi xã hội.

"Tư duy mới, cách làm mới là vô cùng quan trọng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, những bộ phận người dân còn khó khăn. Từ những hoạt động như nuôi tôm, nông nghiệp, cho tới đánh bắt ngoài khơi cũng cần có thay đổi tư duy. Thành công hay không chính là từ nhận thức và hành động của chúng ta", Thủ tướng kết luận.

3-1531455989-660x0-7401-1531476256.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình hướng dẫn Thủ tướng trải nghiệm gian hàng công nghệ của FPT tại triển lãm công nghệ 4.0 sáng nay (ngày 13/7).

Nối tiếp phần chia sẻ của Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 có cả thời cơ và thách thức. Trong khi thời cơ bình đẳng với mọi quốc gia thì các nước nhỏ sẽ dễ bị tụt lại do thách thức lớn hơn.

"Mọi người dù còn tranh luận thế nào là cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng điều này vẫn đang diễn ra. Điều quan trọng là hành động của chúng ta", Phó thủ tướng đánh giá.

Cùng quan điểm, Phó thủ tướng cũng nhận định Việt Nam phải đổi mới bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia. "Hệ thống này trước gồm các chủ thể như Chính phủ, viện nghiên cứu và các trường đại học, còn các doanh nghiệp chưa rõ vai trò. Trong hệ thống mới thì doanh nghiệp phải là trung tâm, còn viện nghiên cứu, đại học sẽ đóng vai trò hỗ trợ", Phó thủ tướng nói. Ông cũng cho rằng, trước đây Việt Nam đặt mục tiêu trang bị tri thức, thì thời đại hiện nay phải xóa mù về công nghệ.

Phó thủ tướng cũng lưu ý về khía cạnh xã hội trong cuộc cạnh mạng công nghiệp lần thứ tư, với đặc tính quan trọng là kết nối. 

"Không chỉ kết nối thiết bị với thiết bị, mà đặc tính kết nối của thời kỳ 4.0 còn là thiết bị với con người, con người với con người. Nếu áp dụng kết nối thông minh, chúng ta sẽ huy dộng được sự đồng thuận của toàn xã hội. Từng người sẽ không bị bỏ lại phía sau và Việt Nam cũng không lỡ tàu 4.0", Phó thủ tướng kết luận.

>> Thủ tướng trải nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo của FPT

Theo VnExpress

Ý kiến

()