Chúng ta

Những thay đổi trong giáo dục tương lai nhờ chatbot

Thứ tư, 9/5/2018 | 18:38 GMT+7

Với chatbot và AI, hàng nghìn bài tự luận có thể được đánh giá tự động, các chương trình học cũng dần cá nhân hóa.

Từ hỗ trợ đặt hàng trực tuyến đến trợ lý ảo smartphone như Siri… chatbot (hệ thống giao tiếp tự động) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần phổ biến trong cuộc sống. Với giáo dục, chatbot và AI cũng bắt đầu tham gia và đáp ứng các yêu cầu của ngành này:

Chấm bài tự động

Chấm bài là công việc mất nhiều thời gian cho giáo viên. Trong các khóa học trực tuyến mở rộng, vấn đề này càng nan giải (hơn 1.000 sinh viên mỗi lớp)

Ứng dụng công nghệ AI đã cho ra đời một thuật toán học có thể đánh giá tự động hàng nghìn bài tiểu luận. Năm 2012, quỹ Hewlett tài trợ một cuộc thi giữa các hệ thống chấm điểm, hệ thống giành chiến thắng đã đạt kết quả chấm chính xác 81% so với người thật.

Đến nay, các nhà nghiên cứu tiếp tục đẩy mạnh và cải thiện hệ thống này. Một báo cáo tuyên bố đã đạt được tương đương 94,5% trên cùng một dữ liệu như trong cuộc thi năm 2012.

708751641-w500-8076-1525762786-6743-1525

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về việc chỉ dựa vào công nghệ để chấm điểm số, dự đoán chỉ trong một vài năm tới, các trường có thể thay thế ít nhất một hoặc hai cán bộ chấm thi bằng AI.

Hiệu ứng khoảng cách

Nhà phát minh Ba Lan - Piotr Wozniak đã đưa ra ứng dụng học tập dựa trên hiệu ứng khoảng cách. Ứng dụng này theo dõi những gì bạn học và khi nào bạn tìm hiểu nó. Bằng cách kết hợp AI, ứng dụng có thể biết khi nào bạn có nguy cơ quên thông tin nhất và sẽ nhắc bạn lặp lại thông tin đó.

Phương pháp này có thể là cách hiệu quả mà các trường học nên tham khảo. Cách này giúp đưa kiến thức vào bộ nhớ sinh viên lâu hơn so với việc tập trung ôn luyện trước kỳ thi rồi nhanh chóng quên trong một vài tuần sau đó.

Đánh giá khóa học và khảo sát sinh viên

Khảo sát về khóa học là nguồn thông tin quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục. Sử dụng chatbot để thu thập phản hồi là cách khai thác vừa hiệu quả, vừa đạt được chất lượng và số lượng.

Chatbot có thể thu thập ý kiến ​​qua một giao diện chat tương tự như một cuộc phỏng vấn thực sự. Cuộc trò chuyện có thể được điều chỉnh theo các câu trả lời và tính cách của sinh viên. Chatbot cũng có thể lọc trước các từ ngữ xấu khỏi bản khảo sát.

Ngoài việc giúp cho khảo sát hấp dẫn và thu dữ liệu sát thực hơn, AI còn mang lại nhiều lợi ích khác cho giáo viên - những người tìm cách nâng cao hiệu quả trong giảng dạy. Giáo viên tham gia vào các kho dữ liệu như hệ thống tự đánh giá, điểm số… giúp cung cấp nhiều thông tin hơn về hiệu suất giảng dạy. Việc so sánh dữ liệu với các giáo viên khác trên toàn thế giới cũng sẽ giúp hệ thống đề xuất các cải tiến trong cộng đồng giáo viên.

Trợ lý giáo viên ảo

Tại Viện Công nghệ Georgia, trợ lý ảo Jill Watson là người phản hồi các yêu cầu của sinh viên nhanh chóng và chính xác. Watson dựa vào nguồn dữ liệu là hơn 40.000 bài đăng trên diễn đàn để trả lời các câu hỏi.

Trả lời các câu hỏi phổ biến là một ứng dụng mà chatbot có thể làm được, đây cũng là một cách tiếp cận tương tác tốt so với sử dụng một trang hỗ trợ FAQ.

Sau khi công bố rộng rãi, Jill Watson hiện được triển khai tại các trường đại học trên toàn cầu. Một trong những bản mới nhất là tại Trường kinh doanh Na Uy ở Oslo.

Trợ lý sinh viên tại trường đại học

Tại Đại học Deakin ở Victoria, Australia, các nhà phát triển đang tập trung hoàn thành hệ thống trợ lý sinh viên đầu tiên sử dụng chatbot. Tương tự trợ lý ảo Jil Watson, AI này được xây dựng từ hệ thống siêu máy tính Watson của IBM.

Sau khi triển khai, hệ thống có thể trả lời mọi câu hỏi mà sinh viên cần biết về cuộc sống trong khuôn viên trường, như làm thế nào để tìm ra giảng đường, cách nộp đơn cho học kỳ tiếp theo, cách nộp bài tập, nơi để đỗ xe... Dữ liệu của trợ lý Deakin chính là những câu hỏi tương tự mỗi năm của các sinh viên mới.

William Confalonieri, người thúc đẩy dự án nhận định: "Công nghệ này đưa ra cách tiếp cận cá nhân hơn cho các dịch vụ trong khuôn viên trường. Hệ thống này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho các giảng viên, vì họ không còn phải giải thích những câu hỏi tương tự".

Chương trình học cá nhân hóa

Với chương trình học cá nhân hóa, nội dung học tập được cung cấp sẽ thích nghi với tốc độ nhận thức của từng cá nhân. Nó có thể đưa ra những kiến thức khó hơn nhằm tăng tốc học tập nếu sinh viên hiểu nhiều hơn, và tiếp tục tăng lên nữa (hoặc giảm xuống) tùy theo trình độ. Bằng cách này, cả người học nhanh và chậm đều có thể cải thiện trình độ mà không ảnh hưởng đến các sinh viên khác.

>> FPT trao học bổng 62 triệu đồng cho học sinh Đà Nẵng

Theo VnExpress

Ý kiến

()