Chúng ta

Những công bố nổi bật năm 2017 từ các 'ông lớn' công nghệ

Thứ tư, 31/5/2017 | 18:43 GMT+7

Facebook, Microsoft hay Google hằng năm tổ chức các hội nghị công nghệ nhằm tạo môi trường giao lưu cho những người yêu công nghệ, trải nghiệm những sản phẩm mới nhất cũng như đưa ra các công bố về công nghệ của chính hãng. Cùng điểm lại các công bố mà những gã khổng lồ công nghệ này sẽ mang tới cho người dùng.  

Facebook

Facebook F8 là hội nghị thường niên dành cho những nhà phát triển được tổ chức tại San Francisco, Mỹ. Cái tên F8 được lấy cảm hứng từ cuộc thi lập trình nhanh truyền thống của Facebook kéo dài chỉ trong 8 giờ.

Hội nghị là nơi để các nhà phát triển và doanh nhân đang tìm kiếm cơ hội tìm hiểu về cách xây dựng các ứng dụng xã hội, cũng như tìm hiểu về sản phẩm và công nghệ mới mà Facebook hiện có. Facebook cũng thường sử dụng hội nghị này để đưa ra các thông báo quan trọng và đặt ra kế hoạch, phương hướng phát triển cho cả một năm tiếp theo.

1-8171-1496202576.jpg

CEO Facebook Mark Zuckerberg tại hội nghị F8.

Facebook tổ chức hội nghị F8 lần đầu tiên vào năm 2007 với nhiệm vụ tập hợp các nhà phát triển và doanh nhân cùng góp sức xây dựng lên một trang mạng xã hội khác. Hội nghị thường sẽ bắt đầu với bài phát biểu quan trọng của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. Tiếp sau đó, những người tham dự hội nghị sẽ có thể chọn bất kỳ buổi trao đổi nhỏ nào để tham gia.

Trong 10 năm (2007-2017), đã có 7 hội nghị F8 được tổ chức và những xu hướng được công bố trong các hội nghị đó tập trung chủ yếu vào việc phát triển và thêm các tính năng mới nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng cũng như tính kết nối cộng đồng - yếu tố Facebook luôn hướng tới.

Tại hội nghị F8 năm 2017, ông chủ Mark Zuckerberg cùng nhóm cộng sự đã có những chia sẻ về xu hướng của công nghệ thực tế ảo (VR) và công nghệ thực tế tăng cường (AR). Theo Mark, 2 công nghệ này sẽ giúp mọi người kết nối một cách thú vị hơn và dễ dàng hơn. Những người ở xa không có điều kiện gặp nhau trực tiếp hoàn toàn có thể tương tác với nhau thông qua những công nghệ này.

Mark cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của camera trên các thiết bị thông minh, việc chia sẻ ảnh và video với bạn bè ngày càng trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, camera cũng sẽ trở thành cầu nối mang đến cho người dùng Facebook những trải nghiệm thú vị.

Microsoft

Microsoft Build (thường được cách điệu thành //build/) là một sự kiện hội nghị thường niên được tổ chức bởi Microsoft, dành cho các nhà phát triển phần mềm và web sử dụng Windows, Windows Phone, Microsoft Azure và các công nghệ khác của Microsoft. Lần đầu được tổ chức vào năm 2011, nó kế tiếp các sự kiện nhà phát triển trước đó của Microsoft, Professional Developers Conference (một sự kiện không thường xuyên về việc phát triển phần mềm cho hệ điều hành Windows) và MIX (nhắm tới việc phát triển web trọng tâm vào các công nghệ của Microsoft như Silverlight và ASP.net).

Sự kiện này thường được tổ chức tại một trung tâm hội nghị lớn hoặc những không gian được xây dựng riêng cho các buổi hội thảo nằm ngay trong khuôn viên của Microsoft. Bài phát biểu mở đầu sẽ được gửi tới giới truyền thông và các nhà phát triển cũng như các CEO của Microsoft.

2-6583-1496202576.jpg

Microsoft là công ty chuyên về nền tảng. 

Hội nghị là nơi để giới thiệu những cột mốc công nghệ chung tới những người tham gia. Sẽ có những buổi trao đổi về đột phá ý tưởng được tiến hành bởi các kỹ sư, các nhà quản lý chương trình, thường là nhân viên của Microsoft trình bày về những sáng kiến đặc biệt của mình. Những bài phát biểu vào ngày thứ hai của chuỗi sự kiện sẽ đào sâu và các chủ đề về công nghệ. Mỗi năm, hội nghị này đón hàng nghìn nhà phát triển tới tham dự. 

Từ trước tới nay, dù có mở rộng hay phát triển thêm bất cứ mảng kinh doanh nào, Microsoft vẫn luôn được mọi người biết đến là một công ty chuyên về nền tảng. MS-DOS đưa máy tính đến từng người, mở ra kỷ nguyên bành trướng của IT, tạo ra một thế giới có nhiều hơn... 5 chiếc máy tính. Windows biến trải nghiệm hi-tech trở thành đơn giản nhưng cũng không giới hạn vào phần cứng tự sản xuất như Apple.

Vì vậy, hầu hết mọi xu hướng, công bố đưa ra từ Microsoft đều nhằm nâng cao chất lượng nền tảng để giúp người dùng có thể có những trải nghiệm tuyệt vời nhất trên những "công trình" xây dựng và phát triển nên.  

Hội nghị Build 2017 cũng không phải ngoại lệ, vẫn là những cống bố về phát triển nền tảng nhưng năm nay, các khái niệm "đám mây" và "trí tuệ nhân tạo" đã hiện diện mạnh mẽ hơn. 

“Trong thế giới của sức mạnh điện toán không giới hạn và sự phát triển tột bậc của dữ liệu, chúng ta cần tập trung vào việc trao quyền cho mọi lập trình viên khả năng xây dựng ứng dụng cho kỷ nguyên mới của trí tuệ đám mây và trí tuệ biên”, ông Satya Nadella, CEO Microsoft, nhấn mạnh.

Microsoft đã công bố các dữ liệu mới Azure và các dịch vụ đám mây sẽ giúp các chuyên gia nhanh chóng hiện đại hóa những ứng dụng hiện hành, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, AI) mới. Các dịch vụ Azure này sẽ cho phép bất kỳ một chuyên gia lập trình nào dễ dàng xây dựng những ứng dụng thông minh, với năng lực thấu hiểu và giao tiếp người dùng tự nhiên, và trình diễn những dịch vụ AI, môi trường biên Internet cho vạn vật (IoT) và dữ liệu mới của tương lai với những dịch vụ đám mây thông minh (intelligent cloud) và các trí tuệ biên (intelligent edge).

Google I/O 

Google I/O được bắt đầu vào năm 2008. Từ "I" và "O" viết tắt của Input/Output, hoặc có thể là "Innovation in the Open". Thể loại của sự kiện này tương tự như Google Developer Day.

Google I/O là hội nghị thường niên dành cho các lập trình viên được tổ chức bởi Google tại San Francisco, California. Google I/O mang đến những bài thuyết trình chuyên sâu về công nghệ mà trọng tâm là phát triển web, nền tảng di động, và những ứng dụng thương mại được xây dựng bằng các công nghệ web mở từ Google. Các sản phẩm cụ thể được đề cập là Android, Chrome, Chrome OS, Google APIs, Google Web Toolkit, App Engine...

Kính Google Glass, điện thoại khổng lồ hay những tuyên bố lớn về phần cứng đã không còn là điểm nhấn của hội nghị hàng năm lớn nhất của Google nữa. Thay vào đó, công ty đưa ra những thông tin về hãng đang làm gì, muốn làm gì cho các nhà phát triển tại I/O.

3-9056-1496202576.jpg

CEO Sundar Pichai cho biết tương lai của Google phụ thuộc vào trí thông minh nhân tạo (AI), đặc biệt là các công cụ "Học máy".

Tại sự kiện Google I/O 2017, CEO Sundar Pichai và các nhà lãnh đạo cao cấp của Google đã vẽ ra những chiến lược tương lai của hãng dành cho Android, Google Assistant, Google Home, thực tế ảo và nhiều thứ khác. Pichai cho biết tương lai của Google phụ thuộc vào trí thông minh nhân tạo (AI), đặc biệt là các công cụ "Học máy".

Học máy (Machine learning) là nền tảng cho trí tuệ nhân tạo. Bằng cách cải thiện nó, trải nghiệm người dùng trên tất cả các thiết bị với AI sẽ được nâng cao. Bixby, Sense Companion, Alexa, Siri và Google Assistant là tất cả trợ lý ảo mà bạn đang thấy trên smartphone sẽ trở nên thông minh hơn khi chúng ta sử dụng chúng càng nhiều. Vậy vì sao chúng sẽ thông minh hơn? Tất cả đều do Machine learning tạo ra. Ví dụ, Google Dịch sẽ học cách dịch tốt hơn, tin tức sai sự thật sẽ được phát hiện dễ dàng hơn, quảng cáo sẽ hiệu quả hơn, thông tin sẽ được cá nhân hoá tốt hơn... Đó là nền tảng không chỉ giúp Google tìm hiểu được về những gì bạn thích mà họ còn phát triển để nó thông minh hơn, học hỏi thêm nhiều thứ mới hơn.

Bên cạnh đó, trong suốt phiên khai mạc I/O, Pichai tuyên bố cho ra đời thế hệ chip tùy biến (Tensor Processing Unit - TPU) tiếp theo của Google, một chip đặc biệt được thiết kế riêng cho Machine learning, chạy trên nền tảng TensorFlow của công ty.

Chip TPU mới này khiến các nền tảng của Google hoạt động nhanh và hiệu quả, hơn hẳn các phần cứng và nền tảng máy học của đối thủ. Với việc TPU và TensorFlow được tùy biến cùng nhau, Google đang chuyển đổi nền tảng điện toán đám mây của hãng thành hệ điều hành Android cho AI. Đây chính là một chiến lược lớn cho tương lai của Google. Nếu công ty có thể sở hữu phần cứng và phần mềm mà các nhà nghiên cứu AI tiên tiến sử dụng, hãng sẽ có thể đi đầu trong lĩnh vực này và có trong tay những tiến bộ mới nhất.

FPT

Chuỗi sự kiện công nghệ của FPT - f.transform() - diễn ra từ ngày 3 đến 6/6 tại Hà Nội là cơ hội để cộng đồng công nghệ Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển và ứng dụng công nghệ mới nhất từ các tập đoàn lớn trên thế giới và Việt Nam; trải nghiệm và trực tiếp phát triển sản phẩm dựa trên các dữ liệu, kết quả nghiên cứu đã được FPT mở ra bên ngoài.

Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, chuỗi sự kiện công nghệ năm nay của FPT cũng tập trung chủ yếu vào nền tảng Trí tuệ nhân tạo. 

4-8795-1496202577.png

Tập đoàn FPT cũng không nằm ngoài xu hướng công nghệ của thê giới. 

Mở đầu chuỗi sự kiện này là cuộc thi Vietnam AI Hackathon, cuộc thi lập trình theo nhóm về trí tuệ nhân tạo lớn nhất Việt Nam dành cho sinh viên, lập trình viên, kỹ sư và người yêu công nghệ trên cả nước. Chính thức khởi động từ ngày 11/5, đến nay, Vietnam AI Hackathon đã thu hút được nhiều ý tưởng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống. Dựa trên các tiêu chí như khả năng ứng dụng thực tiễn, sáng tạo, đột phá, Ban tổ chức sẽ chọn ra 15 ý tưởng xuất sắc để tham gia vòng chung kết.

Tại sự kiện Ngày Công nghệ FPT - TechDay 2017, FPT sẽ hé lộ những nghiên cứu và kết quả mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của mình. Bên cạnh đó, khách tham dự sẽ được trực tiếp được lựa chọn và trải nghiệm các công nghệ trí tuệ nhân tạo của FPT (như chatbot, xe tự hành…) và nhiều công ty khác như MOG (Phần mềm tự động marketing trên Facebook), Elsa (ứng dụng học tiếng Anh), ALT (Phần mềm tự động nhận diện khuôn mặt)...

Tech Day 2017 quy tụ những tên tuổi hàng đầu thế giới và Việt Nam về phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo như AT&T, DuPont, Amazon Web Services, FPT… Xu hướng AI và câu chuyện về việc ứng dụng công nghệ mới này vào thực tiễn sẽ được chính lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn chia sẻ với cộng đồng công nghệ Việt Nam. Ngoài ra, những người tham dự sẽ được nghe diễn giả và các khách mời thảo luận về việc Việt Nam đón làn sóng trí tuệ nhân tạo như thế nào.

Tên của chuỗi sự kiện công nghệ của FPT được đặt là f.transform() - một câu lệnh phổ biến trong ngôn ngữ lập trình. Trong đó, lớp đầu tiên là f - viết tắt của FPT, transform là hàm với ý nghĩa chuyển đổi số hoá. Theo đó, việc chuyển đổi này không chỉ diễn ra trong nội tại FPT mà FPT còn thực hiện chuyển đổi cho khách hàng, đối tác, cộng đồng công nghệ nói chung cùng số hoá và thay đổi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày Công nghệ FPT - FPT Tech Day là sự kiện thường niên được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5/2013, với sự tham gia của hơn 300 chuyên gia công nghệ, sinh viên, lãnh đạo và nhà đầu tư. Đây là dịp để FPT chia sẻ, thông báo về những nghiên cứu, kết quả mới nhất trong lĩnh vực công nghệ của tập đoàn và là cơ hội để người tham dự có thể trải nghiệm những công nghệ đó. Khi tới sự kiện, những người tham dự cũng sẽ được nghe chia sẻ về các xu hướng công nghệ mới nhất qua từng năm từ chính những diễn giả khách mời là các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực này.

Đức Anh

Ý kiến

()