Chúng ta

Người về từ Sao Hỏa

Thứ năm, 10/12/2009 | 17:00 GMT+7

Đang lang thang bay lượn trong vũ trụ, đếm mây gió cát bụi trên sao Hỏa, anh bất ngờ tự nguyện về nước theo lời hiệu triệu vì "khát vọng đổi thay" của Đại học FPT.

Năm 1996, chán ngấy những mớ kiến thức cũ kỹ, toàn lý thuyết suông và lạc hậu trên giảng đường đại học ở Việt Nam, anh Trần Thế Trung quyết định bỏ ngang, ra nước ngoài tầm sư học đạo. Có khá nhiều trường đại học danh tiếng tầm cỡ thế giới nhưng nước Úc được anh đặt niềm tin mở mang học vấn. Sẵn có những kiến thức nền từ lúc còn là học sinh chuyên của Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ (nay là ĐH Quốc Gia HN), anh đã chọn ngành toán lý tại Đại học Quốc gia Úc.

Năm thứ hai ở xứ sở Kăng-gu-ru, trong một lần tham gia trại hè, anh Trung được tiếp cận đài thiên văn quốc gia. Bằng những kiến thức tự đọc và thu lượm được về vật lý thiên văn trước đó, anh nhận làm dự án đo đạc lượng carbon trong khí quyển của một ngôi sao cách trái đất 10 tỷ năm ánh sáng.

"Có thể coi đó là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của tôi. Trên cơ sở những kết quả đo đạc có sẵn từ kính thiên văn, tôi đã tiến hành phân tích toàn diện sự hình thành, phát triển của ngôi sao đó. Dự án rất thú vị, lần đầu tiên những kiến thức về vật lý thiên văn của tôi có dịp được thực nghiệm để phân tích một ngôi sao có thật. Dự án đã hoàn thành bằng báo cáo mô tả chi tiết về các hoạt động của đối tượng", anh Trung kể lại.

Sau lần đó, anh Trung hoàn toàn bị chuyên ngành vật lý thiên văn chinh phục, liên tục đi tham quan, tham gia nghiên cứu ở nhiều đài thiên văn nổi tiếng khắp nước Úc. Thật bất ngờ, từ chuyện "thêm nếm" để đủ gia vị cho "món chính" vật lý, vật lý thiên văn dần ngấm vào máu anh, biến anh thành người của vũ trụ.

Hoàn thành cử nhân tại Úc, anh Trung khăn gói sang Pháp tiếp tục tìm cách thỏa mãn cơn khát kiến thức về không gian ngoài trái đất. Luận án thạc sĩ, rồi tiến sĩ của anh giải quyết một vấn đề cụ thể hơn: đi sâu vào phân tích khí quyển sao Hỏa.

"Sao Hỏa là hành tinh thứ 3 trong hệ mặt trời có khả năng tồn tại sự sống do từng có nước. Con người đã lên kế hoạch để sớm đặt chân đến Sao Hỏa sau khi đã chinh phục Mặt Trăng. Đã có rất nhiều nghiên cứu, nỗ lực của con người hướng về Sao Hỏa. Thậm chí, các cơ quan nghiên cứu về không gian đã đưa vệ tinh, máy móc đến thăm dò hành tinh này. Đề tài của tôi là tiến hành phân tích khí quyển sao Hỏa".

"Tôi làm trong một nhóm gồm 4-5 người thuộc các ngành khác nhau như kỹ sư quang học, kỹ sư không gian, cơ khí chế tạo cùng phối hợp thực hiện. Nhiệm vụ cụ thể của tôi là mô phỏng hoạt động của chiếc máy đo đạc - vật được cả nhóm chế tạo, trên máy tính và đưa ra các tiên đoán, kết quả từ mô hình đó", anh Trung kể lại.

Chiếc máy đo đạc sau khi chế tạo, được kết nối với máy tính và tiến hành phân tích trong điều kiện của các mô hình mô phỏng. Sau đó, máy sẽ được đưa ra đo thực tế. Ngay khi hoàn thành các tính toán lý thuyết, hoạt động tốt trong mô phỏng, cả nhóm đã đưa máy ra sa mạc châu Phi, nơi có điều kiện tương đối giống nhất với khí quyển sao Hỏa, để đo thực nghiệm. Kết quả rất khả quan.

"Tiếc là cái máy không tiếp tục được đưa lên sao Hỏa vì tại thời điểm đó cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu gặp khó khăn về tài chính nên đã dừng lại việc bắn tên lửa đưa thiết bị này lên sao Hỏa", anh Trung tỏ ra tiếc rẻ.

Như "gãi đúng chỗ ngứa", càng kể về Sao Hỏa, anh Trung càng say sưa. Dường như gần 5 năm nghiên cứu hành tinh này chẳng thấm tháp gì so với lòng khao khát khám phá vũ trụ của anh. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc luận án tiến sĩ tại Đại học Paris 6 (Pháp), anh Trung tiếp tục nâng cao kiến thức của mình bằng một dự án khác cũng về Sao Hỏa.

"Làm nghiên cứu sau Tiến sĩ tôi tiếp tục ‘đâm đầu' vào sao Hỏa. Tôi tham gia một nhóm nghiên cứu dự báo về khí tượng sao Hỏa, với 2 nhiệm vụ. Một là mô phỏng hoạt động máy pin mặt trời dựa trên mô hình có sẵn theo đơn hàng của cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu. Cụ thể, họ đặt hàng mô phỏng tín hiệu pin mặt trời trong nhiều điều kiện. Hai là tôi chỉnh sửa mô hình dự báo khí tượng sao Hỏa thêm phần bụi và mây", anh Trung hào hứng.

Trước câu hỏi "những nghiên cứu về vật thể cách xa chúng ta hàng chục hàng trăm triệu km2 có ý nghĩa gì với cuộc sống mà anh lại đam mê đến cuồng si như vậy?", anh giản dị trả lời "Không phải cứ ở rất xa là viển vông. Giống như bạn sống trên trái đất bạn phải hiểu biết càng nhiều càng tốt về nó vậy".

"Thực tế, Sao Hỏa đang là đích nhắm tới của ngành nghiên cứu hàng không vũ trụ thế giới. Có thể hiểu đơn giản là hiện nay biên giới cuộc sống con người đã vượt ra ngoài trái đất. Việc vài chục năm nữa con người đặt chân lên Sao Hỏa, khai thác tài nguyên, sống trên đó hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, chẳng có gì khó hiểu khi từ cách đây cả mấy chục năm con người đã đẩy mạnh việc nghiên cứu về hành tinh gần với trái đất nhất trong hệ mặt trời này".

"Sao Hỏa có nhiều đặc điểm giống trái đất. Và đưa ra các nghiên cứu mô hình trên sao Hỏa còn nhằm mục đích hiểu hơn về trái đất khi áp dụng vào cuộc sống. Ví dụ, như dự báo thời tiết, dự báo sự thay đổi khí hậu, các tầng khí quyển ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người".

"Thêm nữa, nhiều khi làm trước hết là để thỏa mãn nhu cầu khám phá, ham muốn hiểu biết của cá nhân. Nghiên cứu ban đầu chưa tính đến hết được các ứng dụng đâu. Như hồi mới nghiên cứu ra tia lazer, có ai biết nó sẽ có nhiều ứng dụng đến thế trong cuộc sống bây giờ", Anh Trung giải thích.

Cùng với đam mê về vật lý thiên văn, anh Trung cũng đã tham gia một số dự án nghiên cứu khoa học của Viện Vật lý Việt Nam. Cụ thể, trong thời gian chờ chuyển tiếp học thạc sĩ ở Pháp, anh Trung đã cộng tác với Viện làm mô hình mô phỏng cấu trúc của hố lượng tử, mô phỏng mức năng lượng của các hạt electron trong hố lượng tử - một trong những cấu trúc có ứng dụng nhiều trong khoa học vật liệu từ.

Đam mê nghiên cứu như thế nhưng bất ngờ tháng 11/2006, anh Trần Thế Trung dứt bỏ mọi công việc về Việt Nam để gia nhập Đại học FPT (FU).

"Năm 2006, tôi đọc được trên mạng các thông tin thành lập FU và cảm thấy rất khoái. Điều này phù hợp với nhiều ấp ủ, dự định từ lâu của tôi. Có thể nói, một trong những lý do tôi ra nước ngoài học là vì chán ngấy chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam. Khi lang thang ở nước ngoài, tôi học được nhiều thứ mới mẻ nên rất muốn đưa về áp dụng ở Việt Nam. FU có vẻ hội đủ những điều kiện cho những áp dụng đó".

"Chuyện chưa được nghiên cứu không thành vấn đề. Rõ ràng là không nghiên cứu sẽ rất khó chịu. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ tạm thời thôi, vì một trường đại học sớm muộn sẽ phải có phòng nghiên cứu. Tôi dự đoán khoảng 5-10 năm mới có các trung tâm nghiên cứu như thế, nhưng sự thật là nó đã ra đời sớm hơn dự kiến", anh chia sẻ.

Mới đây, nhóm thành lập đã bắt đầu xúc tiến và nhiều khả năng Viện Nghiên cứu FPT sẽ ra đời vào đầu năm 2010. Theo anh Trung, Viện Nghiên cứu FPT có đặc trưng rất hay: đề bài sẽ do khách hàng đặt ra, hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng. FPT sẽ là khách hàng lớn nhất. Viện Nghiên cứu sẽ gắn trực tiếp với nhu cầu xã hội, nhu cầu của FPT.

"Không nghiên cứu thì cũng ngứa ngáy lắm! Cách đây hơn tháng, tôi vừa hỗ trợ nhóm F-Space (Phòng Nghiên cứu không gian FPT) làm mô hình khoa học đo đạc công suất hiệu ứng pin mặt trời đấy", anh Trung hồ hởi khoe.

Anh Trần Thế Trung tốt nghiệp đại học ngành Toán Lý tại Đại học quốc gia Úc và Thạc sĩ về vật lý thiên văn tại Đại học Paris 6 (Pháp).

Anh bảo vệ luận án tiến sĩ "Đo độ dầy quang học của khí quyển và áp dụng cho khí quyển Sao Hỏa, Trái đất" - một đề tài ứng dụng vật lý tính toán trong vật lý thiên văn - tại Đại học Paris 6 vào tháng 12/2005. Sau đó anh Trung ở lại Pháp gần một năm tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ với đề tài "Khí quyển sao Hỏa".

Anh Trung về nước và gia nhập FU năm 2007. Anh hiện là Trưởng Ban đào tạo, FU HN.

Đinh Thuyền

Ý kiến

()