Chúng ta

Hackathon được diễn ra như thế nào

Thứ ba, 23/5/2017 | 16:44 GMT+7

Để thành công tại cuộc thi Hackathon, ngoài lập trình tốt, các lập trình viên còn cần phải có khả năng làm việc dưới áp lực cao và một tập hợp thành viên có sự gắn kết trong công việc. 

Hackathon (còn được gọi là một ngày hack, hackfest hoặc codefest) là một sự kiện lập trình nhanh, trong đó các lập trình viên máy tính kết hợp với những thành viên là nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án… tập trung tối đa vào việc phát triển và tạo ra một phần mềm mới. Thi thoảng, cũng có một số dự án về phát triển phần cứng.  

Hackathon được ghép bởi hai từ "hack""marathon". Hack chỉ việc giải quyết vấn đề sử dụng phương pháp tối ưu nhất, hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn và Marathon chỉ sự ganh đua giành thứ tự.

Nhiều người cho rằng tên gọi Hackathon được nêu ra lần đầu tại Hội thảo JavaOne 1999 khi ban tổ chức bất ngờ đề xuất cuộc thi lập trình tại chỗ, ứng dụng nền tảng Java. Sau những buổi ngồi nghe diễn giảng về cơ chế liên lạc mới của Java, nhiều người lập trình háo hức với chủ đề của cuộc thi: "Truyền dữ liệu giữa các máy Palm cầm tay qua cổng hồng ngoại".

2-2863-1495526835.png

Khung cảnh một cuộc thi Hackathon do TechCrunch tổ chức. 

Tham gia cuộc thi, các đội sẽ mang đến dự án phần mềm của chính mình. Dự án này có thể là một phần mềm máy tính, ứng dụng điện thoại hay là một website. Những người tham gia có thể chuẩn bị ý tưởng, hoặc chuẩn bị bản vẽ thiết kế từ trước, nhưng toàn bộ khâu lập trình phải được thực hiện trong thời gian diễn ra của cuộc thi. Giám khảo cuộc thi là đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nghề, bên cạnh việc đánh giá sản phẩm cuối cùng còn đóng vai trò như cố vấn viên giúp đội tham gia định hướng và phát triển sản phẩm. Khi thời gian kết thúc, các đội sẽ thuyết trình và demo sản phẩm trước ban giám khảo và những đội thi khác, sản phẩm sáng tạo, có tính thực tiễn cao sẽ trở thành người thắng cuộc.

Tại Hackathon, khả năng làm việc nhóm dưới áp lực cao chính là nhân tố quyết định cho thành công của các đội thi. Sự giới hạn thời gian là điểm đặc trưng của cuộc thi lập trình này. Mỗi sự kiện Hackathon thường chỉ diễn ra trong thời gian từ một đến ba ngày, đôi khi kéo dài đến một tuần.

Một cuộc thi Hackathon thường có 3 vòng chính: Vòng ý tưởng, code tập trung, và thuyết trình sản phẩm. Tại vòng ý tưởng, các đội thi gửi ý tưởng sản phẩm cho ban tổ chức. Sau khi đánh giá về sự sáng tạo, khả năng áp phát triển, áp dụng vào thực tiễn…, những đội đáp ứng yêu cầu sẽ được chọn để đi tiếp vào vòng 2.

Tại vòng 2, các đội sẽ tập hợp tại một địa điểm, tiến hành code tập trung, và biến ý tưởng của đội mình thành sản phẩm cụ thể. Thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ ngơi sẽ được ban tổ chức chuẩn bị đầy đủ. Sau khi thời gian kết thúc, các đội lần lượt thuyết trình và demo sản phẩm trước ban giám khảo và những người tham dự.

Đây vừa là sân chơi bổ ích cho dân công nghệ, đồng thời cũng là nơi chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo mới. Đôi khi Hackathon cũng được tổ chức tại các trường học như một môn học đặc biệt. Đa số cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho các thí sinh rèn luyện khả năng, thi đấu cùng nhau nhưng mục tiêu chính vẫn là để cho ra những phần mềm có thể sử dụng được trong mọi lĩnh vực của xã hội. 

1-9168-1495526835.jpg

Facebook là một trong những công ty thành công với các cuộc thi Hackathon. 

Trong lịch sử phát triển, đã có rất nhiều công ty tài trợ cho Hackathon để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình cũng như để phát hiện những ý tưởng mới. Tháng 9/2011, Công ty Foursquare tổ chức Hackathon quy mô lớn, diễn ra đồng thời tại bốn thành phố New York, San Francisco, Tokyo và Paris. Phần thưởng cho những người thắng cuộc là một thắt lưng mạ vàng (như thể đai vô địch của môn quyền anh), một chuyến viếng thăm New York và... một bữa tối với người sáng lập Foursquare.

Google và Facebook cũng thường tổ chức Hackathon nội bộ để kích thích tư duy sáng tạo của nhân viên. Google tài trợ cho những Hackathon tập trung vào hệ điều hành Android hoặc khai thác API của Google Plus. PayPal tài trợ cho những Hackathon chuyên về giải pháp thanh toán qua mạng. Nokia, AT&T và cả Unilever nhận thấy Hackathon một phương thức đắc dụng để quảng bá sản phẩm và tuyển dụng tài năng nên cũng đã đầu tư rất nhiều vào đó. 

Sản phẩm tiêu biểu ra đời từ các cuộc thi Hackathon đã trở nên phổ biến ngày nay có thể kể đến là nút Like, phần Timeline (Dòng thời gian) và chức năng Chat trên Facebook. Một sản phẩm từ Hackathon khác cũng rất thành công là GroupMe. Ứng dụng chat này được tạo ra từ cuộc thi TechCrunch Disrupt 2010, sau đó nhận được hơn 10 triệu USD tiền đầu tư mạo hiểm. Chỉ một năm sau, Skype đã bỏ ra hơn 80 triệu USD để mua lại GroupMe.

Tại Việt Nam, cái tên Hackathon ngày càng trở nên quen thuộc với các lập trình viên. Đã có nhiều công ty, tập đoàn tổ chức nhiều cuộc thi tương tự nhằm tìm ra ý tưởng, sản phẩm giúp phát triển hiệu suất của chính công ty mình cũng như đóng góp và sự phát triển của xã hội. Tập đoàn FPT cũng không đứng ngoài cuộc chơi. 

3-4798-1495526835.png

Cuộc thi Hackathon 2017 do Tập đoàn FPT tổ chức có chủ đề về Trí tuệ nhân tạo. 

FPT Hackathon được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016 dành riêng cho các lập trình viên, đội ngũ cán bộ công nghệ, sinh viên tài năng, những người yêu thích công nghệ trong FPT. Vòng chung kết FPT Hackathon 2016 có sự góp mặt của 17 đội thi đến từ các đơn vị trong toàn tập đoàn, trong đó có 9 đội ở TP HCM và 8 đội ở Hà Nội. FPT Software có số đội dự thi nhiều nhất là 5 đội. Kết thúc 2 ngày lập trình vô cùng căng thẳng và hấp dẫn, đội FTS (FPT IS HCM) với ứng dụng chatbot - hỗ trợ thông tin giao thông cho người dùng đã cán đích ở vị trí đầu tiên. 

Tiếp nối thành công của FPT Hackathon 2016, năm nay, BTC đã quyết định mở rộng quy mô cuộc thi ra phạm vi toàn quốc, theo đó, bất kỳ ai có khả năng và mong muốn thử sức đều có thể đăng ký tham gia. Với chủ đề cuộc thi năm nay là Trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence), FPT sẽ mở rất nhiều API và dữ liệu giá trị làm nền tảng phát triển sản phẩm cho các thí sinh. Các đội thi có thể phát triển ý tưởng dựa trên nguồn dữ liệu của báo điện tử VnExpress, sàn thương mại điện tử Sendo.vn, chuỗi cửa hàng FPT Shop… và các API về bảo mật, thương mại điện tử, hạ tầng mạng, giao thông thông minh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý ảnh… 

Vietnam AI Hackathon 2017 sẽ diễn ra trong hai ngày từ 3-4/6, tại khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 700 triệu đồng, trong đó giải thưởng tiền mặt trên 100 triệu đồng. Riêng đội thắng cuộc sẽ nhận 50 triệu đồng tiền mặt, hiện vật và tài khoản hàng nghìn USD từ nhà tài trợ Amazon và 6 tháng FPT cùng đồng hành, hỗ trợ phát triển sản phẩm… Cuộc thi kỳ vọng tạo ra sân chơi cho cộng đồng công nghệ Việt Nam nhằm phát triển những ý tượng tạo nên ứng dụng, sản phẩm mang lại trải nghiệm thú vị cho người dùng dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Những đội thi đến từ khu vực ngoài Hà Nội sẽ được FPT đài thọ chi phí đi lại để tham gia chương trình. 

Đức Anh

Ý kiến

()