Chúng ta

Công nghệ thao túng đầu óc con người như thế nào?

Thứ ba, 31/5/2016 | 15:42 GMT+7

Tristan Harris, chuyên gia thiết kế và tâm lý học sản phẩm của Google, đã dành 3 năm liên tục nghiên cứu về việc làm thế nào để có thể bảo vệ tâm trí của hàng tỷ người dùng khỏi việc bị tấn công (hijack).

Khi sử dụng công nghệ, chúng ta thường chỉ chú ý đến mặt tích cực của công nghệ, những thứ giúp ích cho cuộc sống. Nhưng chúng ta thường quên đi mặt ngược lại, khi công nghệ cũng tập trung khai thác vào điểm yếu của mỗi người. 

Harris nhận ra điều này từ khi còn là một ảo thuật gia. Các ảo thuật gia thường tập trung vào những điểm mù và lỗ hổng trong nhận thức của con người, rồi sau đó ảnh hưởng đến họ mà người đó hoàn toàn không nhận ra.

Dưới đây là cách mà các nhà thiết kế sản phẩm sử dụng để giành lấy sự chú ý của người dùng:

menu-8024-1464680571.jpg

Hijack 1: Nếu bạn kiểm soát Menu, bạn kiểm soát được các lựa chọn.

Hàng triệu người trong chúng ta đều nghĩ mình có quyền “tự do” lựa chọn, nhưng chúng ta không nhận ra rằng sự lựa chọn đó đã bị thao túng bởi loạt menu mà nhà cung cấp đưa ra. Khi đưa ra một danh sách những sự lựa chọn, Harris hiếm khi thấy người dùng đặt câu hỏi: 

“Cái gì không có trong menu?”.

“Tại sao tôi lại nhận được những lựa chọn này mà không phải người khác?”.

“Mục đích của người đưa ra menu là gì?”.

“Các sự lựa chọn này giúp tôi tập trung vào nhu cầu ban đầu, hay thực chất chỉ làm tôi phân tâm?”.

Ví dụ, bạn ra ngoài ăn tối với bạn bè và muốn tìm một nơi để tiếp tục câu chuyện. Bạn mở Yelp, một ứng dụng tìm địa điểm, và tìm danh sách các quán bar gần đó. Cả nhóm bạn bắt đầu ngồi chăm chú nhìn vào điện thoại và so sánh các quán bar với nhau, đồ uống nơi nào ngon hơn hay giá cả chỗ nào hợp lý hơn. Tuy nhiên, bạn không nhận ra rằng câu hỏi ban đầu của bạn “Nên đi đâu để tiếp tục nói chuyện” đã vô tình trở thành “quán bar nào có chất lượng và đồ uống tốt hơn”. Liệu menu mà Yelp đưa ra có phù hợp với nhu cầu ban đầu của nhóm bạn hay không? Khi mà vì mải nhìn điện thoại, bạn đã bỏ qua một công viên gần đó có ban nhạc chơi rất tuyệt vời hay hàng đối diện phục vụ bánh crepe và cà phê cực ngon. Những sự lựa chọn này không hề xuất hiện trong menu của Yelp.

Người dùng không hề nhận ra câu hỏi ban đầu đã đi lệch hướng.

Chính vì thế, bằng việc định hình các menu, công nghệ đang dần thao túng sự lựa chọn và thay thế chúng bằng những cái mới. Nhưng càng chú ý đến những lựa chọn đó thì bạn sẽ càng nhận ra chúng không còn phù hợp với nhu cầu ban đầu.

bars-menu-9256-1464680571.jpg

Hijack 2: Chúng ta luôn có một slot machine ở trong túi.

Một người trung bình kiểm tra điện thoại 150 lần mỗi ngày. Tại sao chúng ta lại làm thế? Đó có phải sự lựa chọn có ý thức?

Khi chúng ta lấy điện thoại ra khỏi túi, chúng ta đang xem liệu mình có nhận được thông báo nào hay không?

Khi chúng ta refresh (làm mới) hòm thư, chúng ta xem liệu có email mới nào không?

Chúng ta vào Instagram, chúng ta xem một bức ảnh mới xuất hiện.

Khi chúng ta ấn vào một hashtag, chúng ta xem ở đó có những gì…

Cứ như thế, chiếc điện thoại đã biến thành slot machine (máy đánh bạc) cho chúng ta chơi và gây nghiện cho mỗi người dùng.

hijack-2-2032-1464680571.jpg

Hijack 3: Tâm lý sợ bỏ lỡ một điều quan trọng.

Nếu tôi thuyết phục được bạn rằng tôi là một kênh thông tin đem đến những cơ hội tiềm năng thì bạn sẽ không muốn xóa tôi ra khỏi danh sách, hay unsubscribe (hủy đăng ký/hủy theo dõi) tôi, bởi bạn sợ sẽ bỏ lỡ một điều gì đó quan trọng. Nhưng bạn không hề biết rằng nỗi sợ hãi là vô biên và bạn luôn luôn bỏ lỡ một điều gì đấy ngay khi bạn ngừng sử dụng. 

Vì thế, hãy thử một ngày unsubscribe mọi thứ và bỏ ra ngoài những mối bận tâm, bạn sẽ thoát ra được những ảo tưởng. Chúng ta không bỏ lỡ những gì không nhìn thấy. 

hijack-4-7392-1464680571.jpg

Hijack 4: Sự chấp nhận trên mạng xã hội.

Trước đây, được đồng nghiệp đánh giá cao là động lực cho sự cố gắng của mỗi người. Nhưng giờ đây điều đó lại nằm trong tay của các công ty công nghệ. Ví dụ, bạn được bạn của mình, Marc, tag vào một bức ảnh. Bạn sẽ nghĩ đó là một sự lựa chọn có ý thức, tuy nhiên trên thực tế Facebook, Instagram hay Snapchat đều có chức năng tự động nhận mặt người được tag, hiển thị thông qua một cú click xác nhận: “Tag Harris vào bức ảnh này?”. Vì thế, khi Marc tag tôi là anh ấy đang đáp ứng một lời đề nghị từ Facebook, chứ không phải một sự lựa chọn độc lập.

hijack-5-1540-1464680571.jpg

Hijack 5: Tương tác xã hội.

Bạn giúp tôi một việc - Tôi nợ bạn cho lần tiếp theo.

Bạn nói: “Cảm ơn” - Tôi nói “Không vấn đề gì”.

Bạn gửi tôi một email - Sẽ thật bất lịch sự nếu tôi không gửi lại.

Bạn “follow” tôi - Tôi không thể không “follow” lại. (Nhất là với những người trẻ tuổi).

Chúng ta luôn có nhu cầu phải đáp lại hành động của người khác. Facebook và LinkedIn là hai “kẻ phạm tội” rõ ràng nhất. Khi bạn nhận được lời mời từ ai đó, bạn sẽ nghĩ ràng họ đưa ra sự lựa chọn “có ý thức”, những trên thực tế họ chỉ đang “vô thức” đáp lại lời gợi ý của Facebook hay LinkedIn. Các công ty công nghệ hưởng lợi từ thời gian chúng ta bỏ ra để làm những công việc đó.

Sau khi được xác nhận, LinkedIn lại đưa ra 4 người khác cho bạn xác nhận lại.

>> FPT là công ty công nghệ duy nhất lọt top 50 Forbes Việt Nam

Hải Thu (theo Medium)

Ý kiến

()