Chúng ta

4 chàng sinh viên Điện tự tin đối đầu những người khổng lồ CNTT

Thứ hai, 14/5/2018 | 10:46 GMT+7

Trong khi phần lớn các đội đều là sinh viên CNTT, cả 4 thành viên BK-PIF lại đến từ khoa Điện - Điện tử. Tuy nhiên, 4 chàng trai này đã từng bước một vượt qua các thử thách để tiến tới vòng chung kết được chờ đợi của Cuộc đua số mùa thứ 2.

Đều là thành viên của câu lạc bộ sinh viên Nghiên cứu khoa học khoa Điện - Điện tử, như bao đồng môn khác, bộ tứ BK-PIF rất thích nghiên cứu và đam mê mày mò những cái mới trong các phân ban như: Điện tử, Hệ thống thông tin liên lạc; Tự động hóa và điều khiển; Hệ thống điện và Năng lượng. “Cùng sinh hoạt, chung đam mê nên chúng tôi gặp nhau và lập một team để thử sức ở Cuộc đua số”, thành viên Đặng Thanh Tùng chia sẻ. “Tên của đội chính là kết hợp chữ viết tắt của trường (Bách khoa - BK) và câu lạc bộ (Pay It Forward - PIF)”.

DSC-3222-JPG-5253-1526263603.jpg

BK-PIF bất ngờ về Nhất vòng loại cấp trường, vượt qua các đội đến từ chuyên ngành CNTT của ĐH Bách khoa TP HCM.

Từ khi đăng ký rồi tham gia các chương trình khởi động của Cuộc đua số tổ chức cho các trường phía Nam, 4 chàng trai khoa Điện - Điện tử dành rất nhiều giờ để "hòa mình" vào công nghệ xe tự lái. Ngoài thế mạnh là điện tử, các tân binh còn gấp rút bổ túc kiến thức phần mềm, thuật toán, xử lý ảnh, máy học... Công nghệ xe tự lái mới mẻ có sức hút mê hồn.

“Cuộc đua số là cuộc thi mang tính học thuật cao trong một lĩnh vực khá mới mẻ nên đây là cơ hội lớn để nhóm có thể học hỏi và phát triển”, thành viên Âu Dương Thanh hào hứng.

Hiểu kiến thức nền tảng công nghệ mới đã không dễ nhưng khi bắt tay thực hiện vào một cuộc thi mang tính thực tế cao lại càng khó hơn. Tất cả thành viên trong nhóm chưa bao giờ tham gia các cuộc thi lớn nào ngoài những môn học và kỳ sinh hoạt khoa học ở trường. “Trở ngại lớn nhất là tiếp cận công nghệ mới vì cái gì mới cũng đều khó”, Đội trưởng Phan Minh Trí chia sẻ.

Âu Dương Thanh bật mí, việc tiếp cận các thuật toán về xử lý làn đường và Meachine Learning (máy học) để ứng dụng vào xe là giai đoạn khó khăn nhất. “BK-PIF phải nghiên cứu một vài thuật toán có thể ứng dụng và phù hợp với khả năng của nhóm. Sau đó, mỗi thành viên sẽ kiểm tra, thử nghiệm một thuật toán để tìm ra phương án tối ưu và hiệu quả”.

DSC-6389-JPG-2423-1526263603.jpg

Ảnh đội BK-PIF chạy đua với thời gian set-up lại hệ thống trước khi trận Bán kết diễn ra.

"Bản thân mỗi bạn đều có cái tôi riêng của mình, nhưng tất cả các thành viên luôn vì những cái chung của nhóm nên mỗi cá nhân luôn tự điều chỉnh và đưa ra quyết định tốt nhất cho nhóm", Đội trưởng Phan Minh Trí (ngoài cùng bên phải) chia sẻ.

Là những tân binh trong cuộc thi yêu cầu cao về CNTT, nhưng trong trận vòng loại trường ĐH Bách khoa TP HCM được tổ chức tại khoa Khoa học máy tính, BK-PIF của các chàng trai Điện - Điện tử đã thi đấu xuất sắc và là một trong hai đội vượt qua các đồng môn chủ nhà để giành vé đại diện trường vào Bán kết Cuộc đua số phía Nam.

Khi 6 đội phía Nam và 2 đội Đà Nẵng gặp nhau tại Bán kết, BK-PIF gặp ‘vật cản’ là môi trường test và ngôn ngữ của vòng này được thay đổi so với khi tập luyện. "Chúng tôi chạy đua với thời gian để set-up lại hệ thống", Phan Minh Trí, Đội trưởng BK-PIF cho hay. Dù chưa hoàn thành vòng đua, nhưng đại diện ĐH Bách khoa TP HCM cùng Sophia của ĐH CNTT TP HCM là hai đội phía Nam lọt danh sách vào Chung kết Cuộc đua số toàn quốc do thành tích xuất sắc hơn 4 đối thủ.

Để tự tin trong vòng Chung kết, cả nhóm đã làm việc ngày đêm trong vòng hai tháng, bên cạnh việc đảm bảo quá trình học chỉn chu. Trước vòng cuối cùng sắp diễn ra, như bao “sĩ tử” khác, các thành viên BK-PIF thổ lộ, họ rất háo hức nhưng cũng không kém phần hồi hộp. Rút kinh nghiệm xương máu vòng trước, nhóm đã hoàn thiện sản phẩm mượt mà hơn.

DSC-6589-JPG-4003-1526263603.jpg

Theo thành viên Đặng Thanh Tùng, sau cuộc thi Bán kết, nhóm đã rút ra kinh nghiệm là luôn phải bình tĩnh trong mọi trường hợp.

Theo thành viên Trương Công Đức Uy, ngay sau Bán kết, nhóm đã xem xét tỉ mỉ những nguyên nhân khiến xe chạy chưa ổn định. Từ đó, các thành viên đều đóng góp công sức để khắc phục từng nhược điểm một. “Trong quá trình tập luyện, nhóm đã vô tình thiết lập tốc độ tối đa mà chưa qua ‘xử lý’ nên xe ‘bốc đầu’ và lao thẳng vào tường gây hư hỏng nhẹ cho bánh xe”, Uy bật mí. Dù tai nạn khiến xe ảnh hưởng nhưng cũng làm nhóm vui sướng bởi tốc độ được cải thiện đáng kể.

Dù không có thành viên là dân CNTT nhưng Âu Dương Thanh lại cho rằng xuất phát điểm từ sinh viên Điện - Điện tử là điểm mạnh của BK-PIF trong suốt chặng đường dài. “Mỗi cá nhân BK-PIF đều có kiến thức cơ bản về kết cấu xe cũng như các nguyên tắc điều khiển xe”, Thanh nhận định.

Theo Trương Công Đức Uy, Cuộc đua số là cuộc thi thiên về mảng lập trình phần mềm khá nhiều nên hầu như thế mạnh của nhóm chưa được phát huy nhiều. Cạnh đó, nhóm phải đối mặt với khá nhiều thuật toán cũng như các cách lập trình phần mềm phức tạp nên mỗi cá nhân đều tự giác tìm hiểu, học hỏi và chia sẻ kiến thức lẫn nhau trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thi. Nhóm phải bỏ ra khá nhiều thời gian, từ học công nghệ đến thực hiện phần mềm.

Đánh giá Cuộc đua số là một cuộc thi tuyệt vời, nơi mang lại cho thí sinh nhiều trải nghiệm thú vị, Uy bảo chưa bao giờ cậu và các bạn có nhiều cảm xúc đến thế.

DSC-7480-JPG-7590-1526263603.jpg

Từ trái qua: Phan Minh Trí, Trương Công Đức Uy, Đặng Thanh Tùng và Âu Dương Thanh sẵn sàng cho trận Chung kết Cuộc đua số. "Các đội bạn trong đêm Chung kết đều rất giỏi và có năng lực. Nên đây là động lực lớn để nhóm cố gắng", Đội trưởng Phan Minh Trí đặt quyết tâm.

Đồng quan điểm, thành viên Đặng Thanh Tùng cho rằng, Cuộc đua số không chỉ giúp sinh viên nâng cao trình độ công nghệ mà còn bổ sung các kỹ năng làm việc nhóm. “Đây là thứ mà sinh viên thường thiếu. Em tin rằng, những kiến thức và trải nghiệm có được từ cuộc thi sẽ giúp cho cơ hội được vào làm ở những công ty công nghệ hàng đầu được mở rộng hơn”, Tùng trải lòng.

Là cuộc thi lớn đầu tiên mà các sinh viên đến từ khoa Điện - Điện tử tham gia nên lẽ hiển nhiên họ không khỏi bỡ ngỡ và hồi hộp, từ lúc bắt đầu tham dự cho đến chặng đường cuối. Trưởng nhóm Phan Minh Trí tâm sự, ban đầu cả bốn chàng sinh viên chỉ muốn có cơ hội được tiếp cận công nghệ xe tự hành mới nhất để học hỏi và mở ra hướng mới cũng như tự đặt mình vào những thách thức mới trên hành trình nghiên cứu khoa học.

Dám bước vào cuộc thi hoàn toàn mới, dám chinh phục những thử thách và dám vượt qua những rào cản của tuổi trẻ để hành động thật sự. Nhóm BK-PIF của bốn sinh viên ngành Điện - Điện tử đang lập trình những giấc mơ đẹp bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.

>> FPT xin giấy phép thử nghiệm xe tự lái

Công nghệ cho xe tự hành là một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay, thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn trên thế giới như Google, Tesla, Uber… đã được lựa chọn làm chủ đề của Cuộc đua số, do FPT tổ chức, với sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tham dự Cuộc đua số, các thí sinh được cung cấp mô hình xe tự hành có tỷ lệ bằng 1/10 kích thước xe thật, các thuật toán cơ bản giúp xe chạy được trên địa hình đường cong, tránh được vật cản… để các đội tập luyện. Ngoài ra, các thí sinh cũng được các chuyên gia về công nghệ xử lý ảnh, robotic, tự động hóa của FPT đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.

Ngày 17/5 tại nhà thi đấu Quận Tây Hồ - Hà Nội, 8 đội thi đến từ 6 trường đại học trên nước (Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH FPT, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH CNTT – ĐHQG TP HCM) sẽ bước vào thi đấu trận chung kết Cuộc đua số 2017-2018.

Nguyên Văn

Ý kiến

()