Chúng ta

Cựu sinh viên FPT mất trắng nửa tỷ đồng mới nên người

Thứ năm, 15/10/2015 | 14:21 GMT+7

Dù tuổi đời còn khá trẻ, anh Phan Quang Điệp, cựu sinh viên khóa 2 của ĐH FPT, đã làm chủ Trung tâm đào tạo Unix với khoảng 30 CBNV.

IMG-2176-620-1242-1444100480.jpg

Trưởng thành từ ĐH FPT, anh Điệp muốn truyền lại kinh nghiệm cần "học như trâu và làm như điên" cho hậu bối. 

Năm 2007, vừa tốt nghiệp THPT, cậu học trò Điệp đứng trước rất nhiều ngã rẽ của cuộc đời. Lúc đó, bố mẹ Điệp rất trăn trở: "Mong muốn con ra trường có công việc thật tốt, áp dụng được kiến thức đã học trong trường đại học". Vì vậy, bố mẹ Điệp đã phải gồng mình lên lo toan học phí cho cậu con trai theo học tại ĐH FPT.

Với anh Điệp, thời gian học tại ĐH FPT giống như "khi được xem một bộ phim nhiều tập và tập nào cũng hay và gay cấn". Ngay từ ngày đầu, anh ấn tượng về ĐH FPT - một môi trường đào tạo năng động, hiện đại và thực tế. Sau khi tốt nghiệp, anh Điệp càng thêm khẳng định "lựa chọn ĐH FPT là quyết định đúng".

Xác định chỉ có con đường duy nhất là học để thành tài, Điệp đã lao vào học và tích lũy kiến thức. Anh Điệp theo học hai khoa là Kỹ thuật phần mềm và Quản trị kinh doanh. Anh còn tích cực học tới ba ngoại ngữ khi ngồi trên ghế giảng đường là tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung.

"Mang trách nhiệm với gia đình, sự kỳ vọng của bố mẹ, tôi tận dụng triệt để thời gian để học và đọc nhiều sách. Tôi cũng xác định đam mê kinh doanh của mình, dành thời gian biến nó thành hiện thực", Điệp bộc bạch.

Phan Quang Điệp

Năm sinh: 1989.

Quê quán: Hà Nội.

Sở trường: Giải thích những vấn đề phức tạp một cách đơn giản.

Sở thích: Đọc sách.

Châm ngôn sống: Cứ mỗi lúc phải lựa chọn giữa khó khăn và dễ dàng thì khó khăn luôn là lựa chọn đúng.

Những kiến thức học tại ĐH FPT được anh vận dụng triệt để vào ý tưởng khởi nghiệp của mình. Bên cạnh đó, thái độ, cách tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn được bồi đắp tại ĐH FPT là lợi thế của anh khi làm việc. Hiện, anh và nhân viên vẫn tiếp tục tham gia các khóa học về lãnh đạo và quản lý tại học Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB thuộc ĐH FPT) để hoàn thiện mình.

Đặc biệt, các lãnh đạo, thủ lĩnh tinh thần của FPT đã truyền bài học kinh nghiệm và lửa nhiệt huyết cho anh Điệp. Trong đó, dù có cơ hội được gặp gỡ trực tiếp nhưng vị giám đốc trẻ đã lĩnh hội được bài học, chia sẻ quý giá thông qua bài phát biểu của các anh được up trên Youtube.

Anh Điệp nhớ như in lời chia sẻ một mạc, đúc kết thành chân lý của Chủ tịch Trương Gia Bình: "Bạn làm ngành gì cũng được. Cốt là làm cho nó tốt". Còn anh Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch ĐH FPT, lại có lời khuyên dành cho các bạn trẻ: "Cứ phải đi đã thì mới biết được là nó thế nào". Nét văn hóa biến công ty thành tổ chức học tập của tập đoàn FPT cũng được anh mang ra áp dụng cho công ty của mình. 

Nhờ chăm chỉ học tập và đi làm thêm, chỉ đến năm thứ 3, Điệp đã trả hết nợ học phí. Đến cuối năm thứ 3 đại học (năm 2011), Điệp và bạn bè đã cùng mở công ty đầu tiên. "Khi bắt đầu khởi nghiệp, mọi thứ khó khăn, tôi dốc hết tiền đổ vào công ty và mất gần nửa tỉ", Điệp nhớ lại. 

Chính bài học thất bại này khiến Điệp thêm quyết tâm và kinh nghiệm để bắt đầu lại. Một ngày Điệp làm việc 12 giờ. Mỗi ngày, cậu chạy như con thoi giữa nhà trường và công ty. Dù mới ra trường, tài chính không còn là vấn đề với Điệp. 

Sau thất bại, bài học Điệp rút ra là: "Khởi nghiệp thì cũng không nên quá nóng vội. Làm nhanh chưa chắc đã đúng, làm đúng chắc chắn sẽ nhanh. Thế nên, muốn nhanh thì phải từ từ. Nghĩ lớn nhưng hãy bắt đầu làm từ những việc đơn giản". 

Đến đầu năm 2012, anh và các cộng sự cùng nhà giáo uy tín của đại học sư phạm và đại học quốc gia mở Trung tâm giáo dục Unix với mong muốn cháy bỏng "giúp cho các học sinh tìm được nguồn cảm hứng học Toán và rút ngắn thời gian học tập". Hiện, trung tâm đã có gần 30 nhân sự. Unix thường xuyên phối hợp với các trường tổ chức các chương trình "Đánh thức cảm hứng học Toán" cho học sinh. Trong 4 năm trở lại đây, trung tâm đã truyền cảm hứng học Toán cho gần 15.000 học sinh nâng cao kết quả học tập môn này, giúp các em thi đỗ vào những trường điểm tốt nhất tại thủ đô.

Lấy công nghệ là nền tảng là mục tiêu của anh Điệp khi xây dựng trung tâm giáo dục. Bên cạnh đó, việc luôn "thay máu" chương trình đào tạo xuất phát từ thực tế và nhu cầu của học sinh cũng giúp việc học trở nên thú vị hơn với các học viên của trung tâm.

Theo anh Điệp, để có được giá trị đó, anh quan tâm và tạo điều kiện để cho nhân viên của mình thỏa sức sáng tạo. "Mọi người trong tổ chức đều yêu thích những gì mà chúng tôi đang mang lại cho xã hội và ngày đêm luôn suy nghĩ về để tìm cách để phục vụ được xã hội tốt hơn. Điều đó giúp chúng tôi luôn tiến lên phía trước", vị giám đốc tuổi 25 cho biết.

Là người trẻ mới lập nghiệp, anh Điệp và công ty gặp khá nhiều khó khăn trong công việc. Anh trải lòng: "Giải pháp thông thường của tôi khi 'giông tố' đến là phải xác định được nguyên nhân và tìm cách tháo gỡ. Đặc biệt, tôi luôn chia sẻ những khó khăn mà thực tế đang gặp phải cho những thành viên trong công ty để cùng nhau giải quyết". 

Trong tương lai, Điệp ấp ủ mong muốn truyền cảm hứng học Toán cho 1 triệu học sinh Việt Nam trong thời gian tới. Từ đó, giúp các em hình thành ý chí phấn đấu ngay từ nhỏ để trở thành những công dân tinh hoa cho xã hội.

Lưu Vân

Ý kiến

()