Chúng ta

Tết cổ truyền ở 19 quốc gia FPT hiện diện

Thứ hai, 16/2/2015 | 15:17 GMT+7

Cùng với phong trào toàn cầu hóa mạnh mẽ, CBNV FPT có dịp được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc trong dịp Tết ở các quốc gia mà tập đoàn có mặt. 

Tết Hồi giáo: Malaysia, Indonesia

Đất nước Malaysia lấy ngày đầu năm (1/1) của lịch Hồi giáo làm ngày lễ Tết. Dịp này, những ngôi nhà được quét dọn sạch sẽ, phố xá được trang trí với nhiều màu sắc rực rỡ. Trước Tết khoảng 10 ngày, người dân Malaysia theo đạo Hồi không mua sắm nhiều thức ngon vật lạ mà bắt đầu nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ trước khi mặt trời lặn), vì họ cho rằng đó là sự thể hiện lòng cảm thông với sự thống khổ của những người nghèo trên trái đất như lời thánh Allah răn dạy.

Tet-Malaysia-9185-1423907747.jpg

Người dân Malaysia theo đạo Hồi nhịn ăn trong ngày lễ Ramadan.

Cũng như Malaysia, người dân ở Indonesia ăn Tết rất sớm theo lịch của người Hồi giáo. Họ thường chia nhau dựng những ngôi đền thờ bằng trái dừa, lá dừa, cây mía và gạo nhuộm đủ màu sắc... để làm nơi tế thần linh. Ngoài ra còn nhiều hoạt động nghệ thuật như hát, nhảy, múa, đặc biệt là những đám rước kiệu quanh thị trấn, để rồi cuối dịp Tết, họ kéo ra sông và dìm kiệu xuống nước để cầu xin thần Nước phù hộ cho mưa thuận gió hòa.

Anh Nguyễn Thái Bình, FPT IS Global, đang onsite ở Indonesia cho biết thêm, Tết Hồi giáo (Indonesia gọi là Ramadan) là khoảng thời gian nhìn lại mình bằng cách kiêng kỵ nhiều thứ. Trong cả suốt tháng, người dân sẽ nhịn ăn, nhịn uống, không nóng giận, quát tháo, nói dối hay chửi bậy từ khi mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn. Tiếng cầu kinh lúc nào cũng âm vang khắp nơi từ 4h sáng đến đêm khuya. Thành phố như một nhà thờ lớn, khác hẳn với những thời điểm tất bật trong năm.

Trong suốt lễ Ramadan, người Indonesia rất hiền và phờ phạc vì đói khát. Họ ít gặp khách hàng trong thời gian này, nếu có thì họ sẽ luôn từ chối ăn hay uống với đối tác. “Thú vị nhất là hai đêm trước khi hết lễ Ramadan, 28-29/7, cả thành phố bắn pháo hoa suốt đêm, từ khuya cho tới tờ mờ sáng”, anh Bình kể.

Tết Dương lịch: Philippines, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Slovakia, Australia, Kuwait

Phần đông các nước mà FPT đang hiện diện đều ăn Tết Dương lịch - ngày 1/1. Tết Dương lịch là kỳ nghỉ chung duy nhất của các công dân trên toàn cầu và thường được chào đón bằng hàng loạt nghi lễ trang trọng như bắn pháo hoa đêm Giao thừa và mọi người thường đổ ra đường nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới.

Tet-Anh-2-5988-1423907748.jpg

Vương quốc Anh chào đón năm mới bằng những tràng pháo hoa rực rỡ.

Với các cán bộ FPT IS đang làm việc tại Philippines như chị Lê Thu Thảo, FPT IS Global, kỳ nghỉ Tết Dương lịch kéo dài khoảng 2 tuần, từ dịp nghỉ lễ Giáng sinh. Cũng giống như ngày Tết ở Việt Nam, thời gian nghỉ lễ là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, một số người thì đi du lịch. Dù là nghỉ Tết nhưng các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng vẫn mở cửa và đón khách.

Tết Nguyên đán: Việt Nam, Nhật Bản, Singapore

Tết cổ truyền của người Việt Nam được tổ chức vào mùa xuân, từ ngày mùng 1 đến 3/1 Âm lịch, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong dịp này, mọi người thường dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giày, dưa hành… và tổ chức nhiều trò chơi dân gian để đón mừng năm mới. 

tet-NB-6702-1423907748.jpg

Người dân xứ sở hoa anh đào có tục đi chùa đầu năm giống Việt Nam.

Singapore, Nhật Bản cũng giữ truyền thống đón Tết Nguyên đán. Ngay từ những ngày trước Tết, người Singapore treo đèn lồng đỏ khắp đường phố. Người dân nô nức đến đền chùa lễ Phật, xin lộc đầu năm. Cùng đó, lễ hội Chunjie diễn ra tưng bừng ở khu Chinatown với Hội Hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay…

Tet-VN-1622-1423907748.jpg

Bánh chưng là món ăn cổ truyền của ngày Tết Việt.

Trong dịp này, người Nhật thường làm và thưởng thức các món ăn truyền thống như Osechi và Ozouni, đi chúc Tết họ hàng, mừng tuổi lấy may cho năm mới. Theo chị Trần Thị Hòa, FPT IS Global, không khí đêm Giao thừa xứ sở hoa anh đào khá yên bình, mặc dù cũng bắn pháo hoa nhưng không tấp nập người qua lại như ở Việt Nam. Ngày Tết, nhiều người lựa chọn đi du lịch thay vì về quê, nhưng người Nhật cũng có tập quán đi chùa đầu năm để cầu nguyện, rút thẻ và hái lộc. “Người Nhật rất nhẹ nhàng, ôn hòa và tốt bụng. Khi tôi tới chùa, ở đó rất đông người nhưng không hề thấy ai chen lấn, xô đẩy, không ồn ào và đặt biệt không thấy rác”, chị nói. 

Tết Té nước: Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar

Những nước có ảnh hưởng lớn từ Phật giáo như Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar lại đón Tết cổ truyền theo Phật lịch và gọi là Tết Té nước, thường diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 hằng năm. Người Lào gọi là Bunpimay, người Thái Lan gọi là Songkran, người Campuchia thì gọi là Chol Chnam Thmey và người Myanmar gọi là Thingyan.

tet-Thai-Lan-3603-1423907748.jpg

Vẻ đẹp của thiếu nữ Thái trong ngày tết truyền thống.

Phong tục truyền thống trong ngày Tết là nghi thức dâng hương và tắm Phật, cầu may mắn, chúc phúc, buộc chỉ cổ tay để lòng được thanh tịnh, bình an. Sau đó hòa vào lễ hội Té nước nhộn nhịp trên khắp phố phường với ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, sự ấm no, hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

Tet-Lao-4-3843-1423907748.jpg

Người Lào té nước để chào đón năm mới yên vui, tốt lành.

“Việc té nước rất vui nhưng sẽ khiến da mình bị đen đi rất nhiều và có thể bị cảm vì Tết ở Lào  vào tháng nóng nhất trong năm. Cứ té nước xong một lúc, quần áo lại được hong khô bằng chính cái nắng gắt đó. Người Lào rất thân thiện, gần gũi và hòa đồng. Với họ, Tết cũng là dịp để mọi người đi làm ăn xa trở về sum họp và nghỉ ngơi bên gia đình”, chị Đỗ Thị Phượng, FPI IS Global, cho hay.

Anh Huỳnh Thanh Quốc, Opennet - FPT Telecom, chia sẻ, người dân Campuchia rất tín ngưỡng Phật giáo, tất cả việc trọng đại của cá nhân, gia đình hay tổ chức đều có sự hiện diện của nhà sư, nên vào dịp lễ Tết, họ đi chùa đông hơn. “Điều đặc biệt ấn tượng với tôi là cảnh đẹp của đền Angkor Wat và Angkor Thom vào ban đêm, rất hùng vĩ và lộng lẫy đến choáng ngợp. Hơn 12h đêm nhưng người dân vẫn đi chùa nườm nượp để cầu bình an cho năm mới”.

Tết Pohela Boishakh: Bangladesh

Tet-Bangladesh-5869-1423907748.jpg

Người dân Bangladesh đón năm mới với các hoạt động lễ hội tưng bừng.

Lễ kỷ niệm năm mới của Bangladesh gọi là Pohela Boishakh, diễn ra vào ngày 14 hoặc 15/4 - ngày đầu tiên của lịch Bengali. Người dân đón năm mới với các hoạt động ca hát, rước kiệu, hội chợ, lễ hội trên khắp đất nước. Họ cũng dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mặc quần áo mới, đi chúc Tết anh em họ hàng và làm các món ăn truyền thống. Ngoài ra còn có các hoạt động như: Đua bò ở Munshiganj, thi vật ở Chittagong, đua thuyền, chọi gà, đua chim bồ câu…

FPT hiện có trụ sở, văn phòng đại diện tại 19 quốc gia gồm: Việt Nam, Lào, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Philippines, Australia, Pháp, Đức, Myanmar, Kuwait, Indonesia, Bangladesh, Hà Lan và Slovakia.

Tây Hạ tổng hợp

Ảnh: Internet

Ý kiến

()