Chúng ta

10 ngôi làng ‘dị’ nhất hành tinh

Thứ hai, 21/9/2015 | 12:04 GMT+7

Ngôi làng Hokse ở Nepal rất nghèo khó nên hầu hết người dân nơi đây đều phải bán đi một quả thận của mình để có tiền trang trải cho những nhu cầu của cuộc sống.

1. Ngôi làng ở Trung Quốc ai cũng biết kung fu

b1_1442809390.jpg

Ganxi Dong, một ngôi làng tự trị nhỏ ẩn sâu trong ngọn núi Tianzhu ở miền Trung Trung Quốc, nổi tiếng khắp thế giới về dân cư có khả năng võ thuật cao cường. Tất cả mọi người trong làng đều có thể xem là một chuyên gia võ thuật.

Dân làng Ganxi Dong, một trong số 56 dân tộc thiểu số được công nhận ở Trung Quốc, tự hào về lối sống tách biệt với thế giới bên ngoài để bảo vệ truyền thống địa phương. Dân làng ai cũng thành thạo kung fu, mỗi người theo đuổi một phong cách khác nhau của bộ môn võ thuật cổ truyền này. Vũ khí mà họ sử dụng rất đa dạng, từ gậy, chĩa cán dài cho đến chính nắm đấm của mình.

Dân địa phương có hai giả thuyết giải thích câu chuyện đằng sau truyền thống võ thuật ở làng Ganxi Don. Một là, từng có thời gian dân làng và gia súc thường xuyên bị thú hoang tấn công. Để giải quyết vấn đề này, mỗi gia đình cử ra một người trẻ tuổi khỏe mạnh để tham gia xây dựng, phát triển và học võ thuật. Những người này đã phát minh ra các thế võ bắt chước theo chuyển động của các loài vật như rồng, rắn, hổ, báo... rồi truyền lại cho những thành viên khác trong gia đình. Mỗi gia đình được đào tạo theo một phong cách khác nhau, từ đó mà tạo ra nhiều biến thể của kung fu.

Theo giả thuyết còn lại, vào thời kỳ đầu khi người dân đến sinh sống tại làng Ganxi Dong, họ thường xuyên bị người ở những làng bên cạnh đến cướp phá. Do vậy, dân làng đã mời một số chuyên gia võ thuật đến dạy mình cách tự vệ.

2. Ngôi làng ẩm ướt nhất thế giới

b2_1442809390.jpg

Người ta đo được lượng mưa hằng năm ở làng Mawsynram, Meghalaya, Ấn Độ, khoảng 11,86 m. Trái lại ở New York, lượng mưa trung bình hằng năm chỉ khoảng 1,27 m.

Các dòng đối lưu mùa hè bốc hơi từ khu vực châu thổ ngập nước của Bangladesh tích tụ ngày càng nhiều nước hơn khi di chuyển về phương Bắc. Khi gặp phải những đường dốc thẳng đứng ở đây, để lách qua các vùng chênh lệch áp suất rất hẹp, các đám mây bị bóp và nén chặt lại giống như ta bóp một miếng giẻ rửa bát và mưa quanh năm suốt tháng là điều tất yếu.

Mawsynram là nơi ẩm ướt nhất thế giới và cư dân ở đó có nhiều cách để thích nghi. Người lao động ở ngoài trời thì đội chiếc mũ ‘knup’ truyền thống được làm từ tre và lá chuối. Một trong những điểm hấp dẫn tại nơi đây là những “cây cầu sống” bắc ngang qua thung lũng. Qua nhiều thế kỷ, người dân uốn nắn rễ cây cao su để chúng phát triển thành những cây cầu tự nhiên có thể tồn tại lâu hơn nhiều những công trình bằng gỗ nhân tạo. Chúng được gia cố chắc chắn hơn nhờ hệ thống rễ cây luôn phát triển.

3. Ngôi làng Nepal nhiều người dân chỉ có một quả thận

b3_1442809390.jpg

Ngôi làng Hokse ở Nepal rất nghèo khó nên hầu hết người dân nơi đây đều phải bán đi một quả thận của mình để có tiền trang trải cho những nhu cầu của cuộc sống. Việc này xảy ra thường xuyên đến nỗi ngôi làng còn được gọi với cái tên “Làng thận”.

Dân môi giới thận thường xuyên ghé thăm ngôi làng và các khu vực lân cận để thuyết phục người địa phương đang thiếu tiền bán đi một quả thận khỏe mạnh. Thủ đoạn của các "cò" là lừa những người dân ngây thơ trong làng đến Ấn Độ làm phẫu thuật. Chúng thêu dệu nên đủ câu chuyện, rằng con người chỉ cần một quả thận để sống mà thôi, hay quả thận khi bị cắt đi, sẽ lại mọc ra một quả thận mới. Geetha, một bà mẹ của 4 đứa con, là một trong nhiều nạn nhân của chiêu lừa này. Cô đã bán một quả thận với giá chỉ 2.000 USD. Cô đã dùng số tiền này để mua một căn nhà, nhưng nó đã bị phá hủy bởi trận động đất làm rung chuyển Nepal vào năm 2015.

Không phải tất cả kẻ buôn bán thận đều có thể chờ đợi dân làng. Không ít người trở thành nạn nhân bị bắt cóc và bị ép cắt thận hoặc bị lừa là họ cần làm phẫu thuật vì một căn bệnh khác nhưng vẫn bị cắt thận mà không hề hay biết. Có những nạn nhân bị giết để lấy đi hai quả thận. Những quả thận đã "thu hoạch" được bán cho người giàu có nhu cầu với giá đắt hơn gấp 6 lần.

Dù là hành động bất hợp pháp nhưng mỗi năm có tới 7.000 quả thận được bán ở Nepal.

4. Ngôi làng ở Italy dựng mặt trời riêng

b4_1442809390.jpg

Viganella là một ngôi làng nhỏ nằm giữa một thung lũng sâu, cách phía Bắc Milan khoảng 130 km. Vị trí này khiến cho ánh sáng mặt trời khó có thể chiếu tới và ngôi làng luôn chìm trong ánh sáng lờ mờ. Thậm chí, trong 3 tháng của mùa đông, người dân còn không thể nhìn thấy mặt trời. Vào tháng 11, mặt trời biến mất và không xuất hiện cho đến đầu tháng 2. "Nó giống như Siberia vậy," một cư dân cho biết.

Người dân chấp nhận tình trạng này nhiều thế kỷ qua. Cho tới gần đây, một kiến trúc sư kiêm kỹ sư người địa phương đưa ra ý tưởng về một chiếc gương khổng lồ phản chiếu ánh sáng mặt trời.

Vào năm 2005, với sự hỗ trợ của Pierfranco Midali, thị trưởng của Viganella, 100.000 Euro đã được quyên góp để hiện thực hóa ý tưởng. Tháng 11/2006, chiếc gương rộng 40 m2, nặng 1,1 tấn đã được lắp đặt ở dốc đối diện ngọn núi có độ cao 1.100 m. Nó có thể tự động xoay theo hướng di chuyển của mặt trời trong ngày. Tuy nhiên, chiếc gương vẫn là quá nhỏ để thắp sáng cả ngôi làng, vì vậy quảng trường chính đã được chọn là nơi ánh sáng tập trung vào. Nó phản chiếu ánh sáng mặt trời vào quảng trường và khu vực xung quanh trong bán kính nửa dặm, diện tích được chiếu sáng lên tới 250.84 m² ít nhất 6 tiếng mỗi ngày.

5. Ngôi làng không có cửa ở Ấn Độ

b5_1442809390.jpg

Có một ngôi làng ở Ấn Độ mà toàn bộ 300 ngôi nhà, từ nhà dân, trường học, cho đến các ngân hàng đều không có cửa ra vào. Tiền bạc và đồ trang sức quí giá được cất giữ trong những chiếc hộp không khóa.

Thậm chí, hầu hết nhà vệ sinh công cộng tại khuôn viên chung của làng Shani Shingnapur cũng không có cửa ra vào. "Vì lý do an ninh và do phụ nữ trong làng yêu cầu, gần đây chúng tôi đã lắp thêm một bức màn mỏng gần lối vào, nhưng không lắp thêm cửa vì điều này sẽ đi ngược lại niềm tin của chúng tôi", Parmeshwar Mane, chủ một tiệm tạp hóa trong làng, cho hay.

Một số người dân dựng tấm ván làm cửa, nhưng chỉ dựng vào ban đêm để tránh thú hoang và chó đi lạc vào nhà. Vấn đề gây phiền phức duy nhất là khi khách đến chơi, họ không biết gõ vào đâu để thông báo. Tuy nhiên, dân làng đã có sáng kiến cho vấn đề này, đó là khách đến nhà chỉ cần hô to lên.

Người dân sinh sống tại làng Shani Shingnapur không cảm thấy cần đến các biện pháp an ninh vì niềm tin bất diệt của họ đối với thần Shani (thần Sông).

6. Làng Hà Lan toàn người mất trí nhớ

b6_1442809390.jpg

Ngôi làng có tên Dementia nằm gần Amsterdam, với khoảng 152 người sinh sống, vốn là những người bị mắc chứng Alzheimer hoặc các vấn đề về trí nhớ. Ngôi làng được xây dựng và hoạt động như một thị trấn bình thường, người dân có thể tự do mua sắm, ăn uống tại các nhà hàng hoặc hoàn tất công việc thường ngày. Tuy nhiên, các hoạt động của họ vẫn được giám sát chặt chẽ, nhằm tránh trường hợp có người mất trí đi lang thang hoặc tự gây tổn thương chính mình.

Cũng giống như những ngôi làng khác, Dementia có một quảng trường, nhà hát, vườn và bưu điện. Tuy nhiên, ở đây luôn có camera giám sát hằng giờ mỗi ngày. Những người chăm sóc mặc thường phục và chỉ có một cửa ra vào thị trấn. Bạn vè và gia đình được khuyến khích đến thăm họ thường xuyên.

7. Ngôi làng Tây Ban Nha biểu quyết để giữ lại màu sơn xanh

b7_1442809390.jpg

Trước đây, ngôi làng Juzcar Tây Ban Nha cũng bình thường như bao ngôi làng khác với màu trắng đơn sơ. Ngôi làng có khoảng 220 cư dân không có điểm gì đáng chú ý khi với chỉ khoảng vài trăm lượt khách tới thăm mỗi năm.

Vào mùa xuân năm 2011, để quảng bá cho bộ phim Xì trum, hãng Sony đã thuyết phục người dân nơi đây cho họ cải tạo ngôi làng. Lúc đầu người dân không đồng ý nhưng nhà sản xuất hứa sẽ trả lại hình dạng ban đầu cho ngôi làng và việc cải tạo chỉ nhằm mục đích quảng bá cho bộ phim, sẽ tạo nên sự độc đáo cho ngôi làng nhỏ.

Mọi người đã bàn luận và đồng ý. 4.000 lít sơn được dùng để biến màu xanh trở thành "đồng phục" cho tất cả công trình của Júzcar, biến nơi đây thành ngôi làng Xì trum.

6 tháng sau, hội đồng thị trấn nhận được cuộc gọi của Sony hỏi về việc họ có muốn các ngôi nhà được sơn trắng, trả lại hiện trạng ban đầu không. Một cuộc họp nữa được tổ chức, người dân đã biểu quyết và quyết định giữ lại màu xanh nhằm giúp ngôi làng nổi bật hơn.

8. Ngôi làng buồn ngủ của Kazakhstan

b8_1442809390.jpg

Có tới ¼ cư dân của làngKalachi, Kazakhstan mắc một căn bệnh kỳ lạ khiến họ luôn buồn ngủ ngay cả vào ban ngày. Khi thức dậy, mọi người còn có triệu chứng buồn nôn, nhức đầu và mất trí nhớ. Căn bệnh này bắt đầu vào năm 2013. Hơn 2.000 cuộc kiểm tra không khí, nước, thực phẩm và con người đã được tiến hành nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Tính đến năm 2015, 152 trường hợp đã được báo cáo. Nhiều người dân cho rằng có thể một mỏ đá cũ từ thời Liên Xô chứa uranium đã gây ra tình trạng lạ.

9. Làng người lùn, Trung Quốc

b9_1442809390.jpg

Yangsi - một ngôi làng xa xôi ở ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc khiến các nhà khoa học đau đầu nhiều thập kỷ. Khoảng 40% cư dân của ngôi làng thấp hơn vài cái đầu so với những người bình thường cùng độ tuổi. 36 trong số 80 người dân ở đây là người lùn, người thấp nhất có chiều cao là 65 cm và người cao nhất cũng chỉ tới 117 cm. Đó là một tỷ lệ (của những người thấp lùn) quá lớn so với mức thông thường, thế nhưng cho đến nay vẫn không ai có thể đưa ra một lời giải thích hợp lý.

Năm 1997, một nhóm nghiên cứu đưa ra giả thiết về nồng độ thủy ngân cao trong đất, để giải thích cho căn bệnh lạ tại Yangsi nhưng nó vẫn chưa được chứng minh.

Làng Yangsi nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong vùng và được gọi là “làng của những người lùn”. Theo như lời của các già làng thì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của họ đã bị hủy hoại vào một đêm mùa hè nhiều năm về trước. Khi đó, một căn bệnh đáng sợ đã tràn đến Yangsi. Những người bị tấn công sau đó mắc phải một tình trạng bí hiểm mà chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em tầm 5-7 tuổi. Những đứa trẻ này sau đó gần như ngừng phát triển và giữ nguyên kích thước trong suốt phần đời còn lại. Ngoài ra chúng cũng mắc phải một vài dị tật khác.

10. Ngôi làng không đường sá tại Hà Lan

b10_1442809390.jpg

Những ai khao khát một cuộc đời đơn giản có thể xem xét việc chuyển đến Giethoorn.

Ngôi làng bình dị này không có đường sá. Cách di chuyển duy nhất là bằng thuyền nhỏ qua hệ thống kênh đào tuyệt đẹp hoặc đi bộ qua những cây cầu cổ kính với mái vòm bằng gỗ vắt ngang qua các dòng kênh. Làng Giethoorn sở hữu 7,5 km đường kênh rạch và những trang trại mái tranh mang kiến trúc cổ từ thế kỷ 18.

Không có gì ngạc nhiên khi Giethoom được mệnh danh là “Venice của Hà Lan”. Đây là một địa điểm thu hút rất đông khách du lịch tới thăm. Nơi đây có khoảng 2.600 cư dân sinh sống trên những “hòn đảo” độc lập. Ngoài ra, ngôi làng có tới 180 cây cầu kết nối những “hòn đảo” với nhau ở những nơi kênh rạch hẹp.

Lê Vin tổng hợp

Ý kiến

()