Chúng ta

Thú đi câu

Chủ nhật, 28/8/2011 | 10:05 GMT+7

Trời rét căm căm, một người diện đủ bộ cả quần áo ấm lẫn giày và tất, phi xuống nước, bơi ra giữa hồ để đặt mồi câu, rồi lại bơi vào bờ ngồi run lập cập canh cá cắn mồi, kẻ gàn ấy không ai khác chính là lão Sáng "Lòa".

Sáng lòa mê câu cá đến độ có thể ngồi liền tù tì từ 5h chiều đến 11h đêm trong tư thế bất động, không hề ăn uống. Ảnh: NVCC

Sáng lòa mê câu cá đến độ có thể ngồi liền tù tì từ 5h chiều đến 11h đêm trong tư thế bất động, không hề ăn uống. Ảnh: NVCC

Lão tên thật là Đinh Công Sáng, làm ở Ban Đoàn thể FPT. Nhưng lão được nhiều người biết đến với biệt danh Sáng “Lòa”. Sáng “Lòa” nổi tiếng là người có lắm đam mê, trong đó, thú chơi khiến lão mê mẩn nhất chính là câu cá.

Với thâm niên hơn 10 năm “tôi luyện”, lão bảo đến giờ đã thuộc làu làu tập tính và thói quen của từng loại cá.

Thường các bí kíp đều phải được giữ kín, hoặc cũng chỉ nói với những người thân tín, thế nhưng riêng lão, khi nhắc đến niềm đam mê câu cá là mọi thứ cứ “trôi” ra tuồn tuột.

Lão tiết lộ, hơn 10 năm “bập” vào “em” cá, đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc. Bù lại, lão đang sở hữu một gia tài cần câu đồ sộ, đủ để buông câu ở mọi địa hình có cá.

Với lão, mỗi địa hình và loại cá khác nhau lại phải sử dụng một loại cần câu đặc chủng. Tỷ dụ, khi muốn câu xa bờ để bắt cá to sống giữa hồ, cần sử dụng một loại máy và cần “săn hàng khủng”, tức máy to, cần cứng, tốt. Hiện lão thường sử dụng một bộ đồ câu tính ra khoảng hơn chục triệu đồng, đồng bộ từ máy câu, phao câu đến cần và lưỡi câu. Bộ này chuyên dùng để đánh xa bờ, có thể buông câu cách chỗ ngồi khoảng 40-50 m, câu các loại cá to từ 3 đến 30 kg như trắm đen, trôi củ (loại cá trôi từ 4 kg trở lên).

Với bộ này, con to nhất lão câu được là 11 kg, còn thông thường chỉ hay câu được các loại cá 3-4 kg. Lão than thở là do chưa gặp may, chứ bạn của lão có người câu được cả những con nặng 25 đến 37 kg ở Hồ Tây ấy chứ.

Riêng câu gần bờ để bắt cá chép, lão lại “thửa” riêng một chiếc cần nhẹ, mềm, có cước nhỏ, lưỡi nhỏ. Chiếc cần này hay dùng để “câu đầu cần”, tức là ngồi trong bờ buông ra, cần dài đến đâu thì câu đến đó.

Thi thoảng, lão lại “đổi gió” đi câu ghềnh bằng loại cần ISO rất mềm, mảnh, dẻo và lưỡi câu đơn. Câu ghềnh tương đối vất vả, phải di chuyển nhiều, mồi cũng phải chuẩn bị kỳ công. Mỗi chuyến đi câu ghềnh, lão đều phải lóc cóc ra vùng ven biển để mua gan sam hoặc tôm nhỏ, sau đó về ủ lên mùi “thum thủm” rồi mới mang đi câu.

Song, “phê” nhất là đi câu suối. Cá suối câu khó nên lão phải chuẩn bị một chiếc cần mềm, lưỡi, cước đều nhỏ và mồi giả giống hình thù các con côn trùng. Có thể mua mồi giả ngoài cửa hàng nhưng lão lại thích dùng các vật liệu bán sẵn để tự chế.

“Khi mình ném lưỡi câu theo dòng chảy, mồi giả sẽ trôi trên mặt nước, những con cá săn mồi sẽ lao lên mặt nước đớp mồi, câu rất thích”, lão hồi tưởng.

Riêng các kinh nghiệm và kỹ thuật đi câu, lão tự tin “nắm vững như lòng bàn tay”.

“Khi câu cá to, phải chọn địa hình nước sâu, địa điểm câu tĩnh, chọn vị trí “rốn hồ” (chỗ sâu nhất) rồi thả mồi, sau đó mới văng lưỡi câu ra và quay trở lại bờ ngồi rình cá. Câu cá chép cần thật yên tĩnh, không câu sát vào ổ thính vừa thả mà phải cách xa khoảng 20-30 cm vì cá không bao giờ lao vào ăn ngay mà chỉ lởn vởn bên ngoài”, lão kể.

Ngay cả cách cá “tì” vào lưỡi câu, lão cũng phân biệt được. Riêng cá chép, nó chỉ “nhúm” nhẹ một cái chứ không như các loại cá khác thường lao đến cắn ngay.

“Khi nó “tì” như thế mình phải biết cách giật cần, lúc ấy, chỉ cần giật nhẹ cho lưỡi câu móc vào chỗ hiểm nhất là mồm hay mình nó là được. Ngay cả khi cá chép dính lưỡi câu, cũng phải biết cách nó chạy thế nào để còn “dòng” cá. Khi nó giãy mạnh thì phải thả cước ra, khi nó mệt lại phải kéo dần vào, cứ từ từ ứng phó, “cương nhu phải nhịp nhàng” chứ không thì hỏng việc”, lão đúc kết.

Theo kinh nghiệm của Sáng “Lòa”, khó câu nhất là cá chép. Cá chép có bộ râu cảm nhận nên rất tinh khôn, thậm chí có những con ở hồ bị câu nhiều còn có khả năng tránh lưỡi câu, nên phải đặt ổ thính một chỗ và lưỡi câu một chỗ mới mong dụ được nó cắn mồi.

Tập tính của cá trôi cũng khác cá chép. “Trôi bạo ăn hơn chép, khi gặp mồi, nó “tì” phao rất mạnh, chạy khỏe và xa. Vì thế nên khi thấy cá trôi, người câu phải xử lý rất nhanh, phải để ý kỹ thuật xử lý máy câu bằng cách nới thật nhanh, không sẽ bị đứt cước”.

Với những “cao thủ” câu như Sáng “Lòa”, ở những hồ nhiều cá rô phi, không cần mồi cũng câu được cả xô. Cách câu đó, lão gọi là câu Mà. Cá rô nổi tiếng phàm ăn và dễ câu, nhưng để “bách phát bách trúng” cũng cần nghệ thuật.

Khi câu Mà, chỉ cần tạo hố dưới ao, hồ bởi giống cá này hay kiếm ăn ở các hố, hoặc đôi khi chúng giữ hố để đợi bạn tình. Trong khoảng thời gian đó, bất cứ vật thể lạ nào xâm phạm lãnh thổ là nó đuổi, vì thế người câu chỉ cần thả lưỡi câu vào đó, các chú rô nổi xung chạy ra đuổi là vào “rọ” ngay. Đây cũng là cách câu mà Sáng “Lòa” rất khoái.

“Khi ăn, cá rô không bơi nhiều, chỉ đứng một chỗ, động tác “tì” lưỡi câu của nó rất nhẹ, chỉ hơi lắc một tí, thấy có những dấu hiệu như vậy thì phải giật ngay”, lão nói.

Sáng “Lòa” còn nắm vững “khẩu vị” của từng loài cá. Như trắm đen, chỉ dùng mồi bằng ốc mới có thể câu được, ngoài ra còn phải biết thả đúng vị trí. Vì thế trước khi câu cá trắm, lão phải kỳ công ra chợ mua ốc sống để làm mồi. “Bình thường, trắm đen khó câu, nhưng khi chúng đi ăn lại rất dễ dính câu”, lão tổng kết.

Cá mè ưa chua nên muốn câu lại phải dùng ngô ủ chua hay bỗng rượu để trộn cùng với thính. Có cá mê mùi thơm hoặc mùi thối. Mùi thơm thì dễ rồi, chỉ cần “múc trộm” của con lão vài thìa sữa, cho vào trộn cùng với thính là mê hoặc được bọn cá ngay. Riêng cái mùi thối mới làm lão sợ. Nhiều khi lão phải đi thu thập nội tạng hỏng như lòng lợn, lòng gà… để mang ủ cho thối um, rồi mới có mồi để xách cần đi câu.

Lão mà đi câu thì đừng có chuyện về trước 10h đêm. Hồi đầu vợ lão cũng tức lắm. Ngay cả khi vợ có bầu mà 11-12h đêm, lão vẫn biệt tăm. Thế nhưng tức mãi cũng chẳng ăn thua nên chị đành lờ đi. Vả lại, kiểm tra đột xuất vài lần, thấy đúng là chồng đam mê thật nên chị cho lão xách cần đi, khi nào câu chán thì tự về.

Hơn 10 năm gắn bó với thú chơi này, lão cũng gặp ối chuyện buồn cười. Nhưng có một chuyện không những khiến lão cười “rung rốn” mà còn hãnh diện khi nhắc lại, đó là lần câu ở một hồ lại được cá ở hồ khác.

Chả là lần đó, lão ngồi câu ở đường ranh giới giữa hai hồ. Buông câu ở hồ trước mặt, thấy cá chạm vào lưỡi câu, lão giật một cái, không thấy cá đâu mà lưỡi câu lại bị văng ngược ra hồ sau. Vu vơ thế nào mà lại trúng đúng một chú cá ở hồ sau lưng, hí hửng lôi lên được con cá chim nặng những 2 kg. Lão khoái trá: “Còn gì thú hơn khi câu cá một hồ lại bắt được cá ở hồ khác. Điều này không phải ai cũng may mắn có được”.

Cũng không ít lần lão suýt chết vì cái đam mê của mình. Đáng nhớ nhất là lần đi câu ở Hồ Kè Đá - một hồ rất sâu ở Tây Mỗ (Hà Nội). Vào hôm trời rét đậm, nhiệt độ cao nhất chỉ khoảng 12-13 độ C. Như thường lệ, lão bơi thuyền ra giữa hồ thả thính, không may thuyền bị bục nước tràn vào lúc nào không hay. Thế là lão phải vứt thuyền bỏ chạy, bơi bộ cùng áo da, quần bò, giày thể thao tới gần 100m dưới nước hồ lạnh căm căm để vào bờ. Vậy mà lão không biết sợ, vào đến bờ vẫn ôm cần câu tiếp dù mặt mày tím tái và răng va vào nhau lập cập.

Vũ Ngọc Kỳ, TiênPhongBank, hôm đó cũng có mặt đã phải chạy mất dép, không hứa hẹn theo lão đi câu lần thứ hai.

Lão tâm sự rằng mê câu cá bởi khi tập trung câu thường quên hết phiền toái của công việc. Khi ấy, lão chỉ tập trung duy nhất vào sự chuyển động của cái phao, dù nắng cháy, dù rét cắt da hay làm mồi cho muỗi lão cũng không để ý, chỉ chăm chăm xem cá đã đi đến đâu hay đã nằm trong vòng nguy hiểm hay chưa.

Kỷ lục “khủng” nhất của lão là ngồi liền một mạch từ 5h chiều đến 11h đêm trong tư thế bất động, không hề ăn uống hay đi lại. Tâm huyết thế nên hôm nào chẳng may buông cần không chuẩn, bị câu hụt cá là y như rằng lão bần thần và tiếc hùi hụi suốt mấy hôm.

Tính lão hào phóng, câu được mẻ cá ngon là lại gọi bạn bè, đồng nghiệp đến “đánh chén” ngay lập tức. Thường khi câu về xong, lão lại tự làm sạch, rán qua rồi mới cho vào tủ lạnh, vì nếu cứ để cả con vào tủ lạnh sẽ mất hết vị ngon của cá.

Có hôm lão hì hụi làm cá đến tận 2-3h sáng mới đi ngủ. Khi nào gặp được chú cá ngon, lão lại một mình, một chai rượu, một đĩa cá ngồi thưởng ngoạn đến khuya…  

  Bình Nguyên

Ý kiến

()