Chúng ta

Đáy, Đáy ơi!

Thứ ba, 15/5/2012 | 09:13 GMT+7

Dòng sông Đáy quê tôi,
Sông trăng hay sông lụa…

images293823songday-956416-1412978505.jp

Tôi rất thích bài hát này. Bài hát đã đụng đến cái thần một dòng sông và cả một miền quê yêu dấu nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời.

Sông Đáy khẽ lượn một vòng cung nhỏ đoạn chảy qua quê tôi. Khúc lượn ấy hướng vào phía làng Đôn Thư, thành ra chỗ ấy bị lém, bờ sông cao chênh vênh. Người làng phải đắp đá làm kè đoạn sông ấy từ hồi nào đó rất xa xưa. Ngay sát chân đê là cái chợ èo uột, nhỏ bé với dăm ba lều quán xiêu vẹo. Các cụ bảo hồi trước chợ tấp nập đông vui, người thiên hạ mang hàng tới chợ bán nhiều lắm. Bây giờ chợ có cái gì đó xơ xác, điềm báo làng nghèo đi. Dù thế thì nó vẫn là cái chợ đặc biệt. Làng bên cạnh có chợ Chuông nổi tiếng trong vùng, nhưng giống như các chợ, chợ Chuông họp vào buổi sáng, cứ 10 ngày có hai phiên chính, diễn ra vào mùng 4 và mùng 10 âm lịch. Chợ làng tôi là một sự khác biệt, cái tên cũng nói lên điều đó: Chợ Chiều. Chợ Chiều chỉ họp vào buổi chiều.

Từ chợ Chiều đi lên đê sẽ gặp một con đường đất rộng dẫn thẳng xuống sông. Nơi đường ấy gặp sông gọi là bến Ông Cửu Long. Lũ trẻ chúng tôi thường ra chơi đùa với sông ở chỗ này.

Sông Đáy không lớn, nó không phải là sông Cái, nhưng nó luôn có cái gì đó thơ mộng. Đứng ở bến Ông Cửu Long nhìn ra, dòng sông như rộng lớn, mênh mông. Trong trí nhớ trẻ thơ, sông Đáy to lớn, gió luôn lang thang từ những bãi ngô bãi mía rộng lớn phía bờ bên kia thổi lại. Nhà ông Cửu Long trông lừng lững, nằm ngay sát mép bờ sông chênh vênh ấy. Đó là một toà nhà kiên cố, có lẽ là kiên cố nhất làng. Cái đập vào mắt là ngôi nhà ngự trên nền đất rất cao phía trên và nhìn thẳng ra sông. Từ bến Ông Cửu Long phải trèo lên hàng chục bậc đá mới tới được cái sân thênh thang.

Tôi không biết ông Cửu Long. Lúc tôi ra đời thì ông đã quay về nơi ông đến rồi. Con cháu ông là ai tôi cũng không được rõ. Nhìn ngôi nhà cổ với bức tường xây bằng đá tảng xù xì mà mạch vữa gắn kết chúng là những đường phẳng phiu điệu nghệ, chúng đã lên men thời gian, những rêu phong và rễ cỏ cây đâu đó bám vào hoặc ló ra đã làm tôi hình dung ra ông Cửu Long phải là người to lớn, giàu có, nước da xạm nắng gió phong trần. Rêu phong và nét bàng bạc thời gian đã phủ bóng lên bức tường đá đồ sộ, ngôi nhà với cái sân phía trên cao trong nỗi u mặc cứ lừng lững hướng nhìn ra sông làm mọi thứ trở nên huyền bí vô cùng.

Chỗ bờ sông và cả phía trên cao, nơi vườn nhà ông Cửu Long có rất nhiều tre. Tre mọc um tùm. Tre được trồng là để chống chọi với gió mưa và với việc lở bồi của con sông. Cây cối che đi ánh sáng, làm ngự trị một thứ không khí âm u huyền mặc. Cũng có thể phía ngoài sông, dòng sông khoáng đạt, ánh sáng tràn trề và luôn muốn ùa vào bờ đã làm nổi bật sự tĩnh mịch và âm u của ngôi nhà. Mẹ tôi bảo ngày xưa nơi này trên bến dưới thuyền. Căn cứ vào bức tường đá to lớn cao ngất ngưởng bên sông, ngôi nhà bề thế của ông chùm buôn bè Cửu Long, tôi hình dung ra một thời tấp nập của con sông, một thời cực thịnh của quê nhà.

Tuổi thơ tôi gắn bó nhiều với dòng sông, dù rằng lúc ấy không còn trên bến dưới thuyền tấp nập nữa. Chỗ bến Ông Cửu Long chỉ còn là nơi dân làng ra đó để rửa lá rong vào những dịp trước tết, là chỗ trẻ con chúng tôi lấy làm bến tắm. Tôi đã từng theo chị ra sông rửa lá dong vào một buổi sáng cuối năm. Nước sông trong, có những hòn đá. Chị tôi để thúng lá dong lên một hòn đá chìa ra mép nước. Tôi cần mẫn giúp chị rửa từng chiếc lá xanh. Lá dong để gói bánh chưng, người ta lấy ở trên rừng, nó to hơn lá đaohay còn gọi là cây rong riềng một chút. Hai chị em phải mất hơn tiếng đồng hồ mới rửa xong chồng lá gói bánh chưng mà mẹ mua ở chợ Chuông.

Bên lợi nước nơi bến Ông Cửu Long, hàng ngày có những chiếc thuyền nan ghé vào. Ngay bên sông, chỗ bãi cát hẹp nằm sát mép nước, mỗi khi có một chiếc thuyền nan của dân chài nào đó cập vào là có dăm ba người trên bờ xúm lại. Họ xem và mà cả mua bán những món dân chài vừa đánh bắt được từ sông. Thường là những món nhỏ: dăm ba con cá bò vàng ươm, mấy con thờn bơn mình mỏng dẹt, có khi là mấy con chạch chấu to bằng nửa cổ tay, dài chừng gần mét. Có lần tôi thấy người ta mang lên bờ một con cá măng, dài bằng cái đòn gánh, đầu nhọn hoắt, vảy lấp lánh bạc.

Chỗ bến Ông Cửu Long sông như rộng ra. Dân làng tôi nói rằng sông Đáy tới đây, nước cuộn về phía làng tạo ra vết lõm, vì thế chỗ ấy nước sâu lắm. Dưới những mỏm đá lởm chởm dọc theo bờ sông có Nam, tức là vong hồn những người chết đuối. Nam luôn ẩn nấp đâu đó trong hang sâu, gần đáy sông. Các bà các cô trong làng với giọng thì thào sợ sệt kể rằng thỉnh thoảng Nam lại hiện lên trêu trọc hoặc bắt ai đó mang đi. Hàng năm, dù cái làng bé nhỏ, nhưng hình như đều có người chết đuối ở sông. Với lũ chúng tôi, tất cả chuyện ấy rất hiện hữu, có thật, cho dù bàng bạc một màu huyền thoại.

Nước sông trong. Xa bờ một chút, mặt sông lác đác những cọc tre cắm xuống sông, đầu nhô cao khỏi mặt nước. Đó là chỗ dân chài neo đậu thuyền. Những chiếc thuyền nan nghèo, thân và mái làm bằng những tấm đan bằng tre. Người ta pha những cây tre gộc ra thành những nan to mỏng, phơi khô rồi đan lại thành những tấm phên. Sau đó tấm phên này lại được bồi, phơi nắng phơi sương và quét lên nhiều lần các thứ nhựa cây, sơn và hắc ín, đến một lúc nào đó nó đã trở thành vật liệu chính làm xương cốt của thuyền. Có thể vật liệu chính làm ra thuyền là nan tre mà thuyền ấy gọi là thuyền nan thì phải.

Cả gia đình nhà chài sống trên chiếc thuyền đó. Thuyền chài lang thang trên sông, trong nắng, trong mưa và hình như cả trong…cuộc đời.

Trong đám con gái học cùng lớp với tôi hồi ấy có Oanh. Oanh là con gái ông Hưởng, một dân thuyền chài chính cống. Tôi tiếc là biết rất ít về người bạn ấy. Năm kia về quê. Một lần gặp, Oanh chào mà tôi không nhận ra. Từ Oanh xinh xắn trong lớp ngày nào, nay đứng trước mắt tôi là người phụ nữ, như bao phụ nữ quê khác, dáng mệt mỏi, lam lũ vất vả in hằn. Tôi không dám hỏi nhưng biết chắc Oanh không còn là dân chài. Thuyền nan chẳng còn nữa. Dòng Đáy bây giờ không còn thuyền nan.

Khi đi xa ta nhớ dòng sông...

Ai đi xa cũng nhớ dòng sông…

Có một lời bài hát da diết như thế. Chẳng hiểu sao bài hát nào về sông cũng da diết. Tôi nghe và nhớ lắm dòng Đáy của tôi. Sẽ là thiệt thòi nếu ai đó trong đời không có một dòng sông của mình. Tôi luôn có một dòng sông bên mình. Tôi luôn nhớ nó. Đáy, dòng Đáy của tôi luôn mênh mang và tràn trề nước, hai bên bờ ngút ngàn mía và ngô. Tôi nhớ Đáy, nhớ những con chạch chấu đầu nhọn hoắt, những con cá bò vàng mũm mĩm nằm im trong những cái rổ thưa mà người dân chài bày bán ở chợ Chiều nơi chân đê. Tôi nhớ cả con măng dài bằng đòn gánh lấp lánh vảy bạc mà một lần tôi đã nhìn thấy.

Hồi học lớp 6, một lần giở cuốn sách giáo khoa, tôi đọc được câu thơ trong bài tập ngữ pháp:

Rồi lớn lên mỗi người mỗi ngả,

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông,

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng,

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến…

Tự nhiên tôi thấy cảm động, xao xuyến về một cái gì đó rất mơ hồ.

Bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh làm tôi mê mẩn. Chẳng phải tôi mà Lộc, Thăng và những đứa trẻ luôn gầy gò và lấm lem bùn đất quê tôi cũng thích bài thơ ấy. Còn nhớ, sau buổi học sáng, mà chúng tôi có rất nhiều buổi học như thế, mấy đứa lại rủ nhau ra sông.

Trường cấp 2 nằm ngoài bãi. Có một con đường ra bến Ông Cửu Long, nó nằm đằng sau trường. Mỗi lần đi theo con đường ấy ra sông, chúng tôi đều rất sợ… chó nhà ông Thịnh Cờ. Vài con lúc nào cũng thường trực chờ chúng tôi qua. Chúng tôi đi qua trước cổng nhà ông Thịnh Cờ, mắt lấm létcanh chừng đàn chó. Lần nào cũng vậy, mấy con chó cứ gầm gừ rồi bất thần lao ra. Chó nhà ông Thịnh Cờ dữ lắm, hình như lúc nào cũng là chó đẻ. Cũng giống như ở loài người, một con đã sủa là con khác hăng lên, ủng hộ, tiếp tay. Chống đỡ lại một con còn dễ chứ chống đỡ cả bầy là việc phức tạp. Lối qua cổng nhà ông Thịnh Cờ luôn tiềm ẩn nguy hiểm bởi có cả một bầy chó dữ, chúng thường to lớn lộc ngộc. Dù nguy hiểm, chúng tôi vẫn thường xuyên phải đi qua đó mỗi lần đến với sông.

Trưa mùa hè, nắng chói chang. Những đứa trẻ men theo con đường mòn đằng sau trường nhằm hướng trại ông Trương Ve. Qua trại ấy đã là sông. Trên sông có những bè nứa kên lại với nhau. Những bè nứa sắp thành hàng, từ bờ lan ra tới tận giữa sông. Nứa là của dân đi bè, họ khai thác những cây nứa xanh, to và thẳng đâu đó trên rừng rồi đóng thành bè và theo dòng nước đưa về tới tận làng tôi.

Nước Đáy trong xanh, mát rười rượi. Để cặp sách và quần áo trên bè nứa, chúng tôi vội vã phóng mình xuống dòng sông. Nước làm tôi thích thú. Tôi cùng đám bạn vùng vẫy thoả thích trong lòng con sông quê. Vừa bơi vừa lặn ngụp trong làn nước trong xanh, tôi vừa đọc vang những câu thơ vừa học trong sách vở một cách hào sảng và khoái trá:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc,

Nước gương trong soi tóc những hàng tre.

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè,

Toả nắng xuống dòng sông xanh mát…

Thằng Thăng, thằng Lộc, và những thằng nào đó nữa, trong đấy có cả tôi, đã trở thành chim, những con chim non tung tăng bơi lội trên sông, đúng như nhà thơ nổi tiếng nọ đã viết:

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu,

Lúc sông nước chập chờn con cá nhảy.

Bạn bè tôi túm năm tụm bẩy,

Bầy chim non bơi lội trên sông...

Lớn lên, trong cuộc đời rộng lớn và ồn ã, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi gặp nhiều người không biết bơi.

Những thân chuối hay cái chậu men Trung Quốc mà dù nghèo nhưng nhà nào cũng có hồi ấy, cả những cái ao làng chật hẹp nông choèn, những cái ao ông Trương Thùng, ông Tượng, ao Quan, ao Cậu Đệ, chúng rất nông, bèo cái thường phủ đầy mặt ao, tất cả đã dạy tôi chập chững những…mét bơi đầu tiên. Chân tay quạt nước ùm ùm, tôi vùng vẫy, còn dòng Đáy, vào những trưa hè tuổi thơ xa lắc đã luôn ôm ấp, bao bọc, trong mát hiền từ và thật bao dung.

Tôi gặp rất nhiều dòng sông trong đời. Những dòng sông thơ mộng, những dòng sông hùng vĩ, tôi gặp cả biển cả, nhưng dòng Đáy vẫn luôn là dòng sông quyến rũ linh thiêng. Nó luôn lai láng chảy, mãi mãi, dù rằng ngày nay gần như Đáy ấy đã…không còn.

Người ta làm một cái đập, chỗ tiếp giáp với sông Hồng. Người ta lại đắp một cái đập khác, to lớn và hùng vĩ hơn nhiều, trên sông Đà. Thế là dòng Đáy theo năm tháng cứ… vơi gầy đi lúc nào chẳng rõ. Lưu cữu, nước thải, rác thải, mọi thứ không dùng được của con người cứ thế đổ vào sông. Những bè muống dại mọc lan ra từ bờ như những con sán bẩn thỉu ngỏng những cái đầu mềm mại. Màu xanh đen của muống và cây dại, sắc đen kịt ánh lên chết chóc của nước tù lặng lẽ làm dòng sông trở nên thiểu não, nhăn nhúm và còm cõi.

Con người huỷ hoại quá nhiều. Tôi biết thế. Tôi còn biết: Đáy của tôi đang ngáp ngoải.

Một chiều bên sông quê, buồn bã đến nao lòng. Hoang vắng, một mình, tự dưng trong lòng thổn thức muốn gọi: Đáy, Đáy ơi!

Hải Khoát

Ý kiến

()