Chúng ta

‘Ngoại binh’ trên sân khấu kịch FPT

Thứ năm, 13/9/2012 | 15:20 GMT+7

Năm 2009, vở diễn của FPT IS không giành giải cao nhất, nhưng đọng lại nhiều ấn tượng với khán giả FPT. Thành công này có được nhờ “bàn tay” của đạo diễn trẻ Phan Ý Ly.
> Giám khảo Hội diễn trước giờ G / Kỷ niệm 13/9

Kỳ hội diễn năm đó, FPT IS “đoạn tuyệt” với sở trường hài kịch để theo nhạc kịch. Cú “bẻ bánh lái” ấy là nhờ Phan Ý Ly - một tên tuổi đang lên trong giới nghệ thuật, phát triển cộng đồng về đầu quân.

Vở nhạc kịch của FPT IS kéo dài gần 20 phút xoay quanh chuyện hai chàng trai cùng theo đuổi một cô gái, với đầy đủ cao trào của tình ái, âm mưu và bội phản. Lợi dụng tình yêu, kẻ xấu đã ăn trộm linh vật để uy hiếp và thôn tính bộ tộc F. Cả bộ tộc đã đoàn kết lại, dùng sức mạnh của “Sâu Sáng Tuyệt Thông Phong” để giành lại linh vật.

Dưới bàn tay chuyên nghiệp của Phan Ý Ly, từ đạo cụ, âm thanh, ánh sáng đến diễn xuất của “nhà hát” FPT IS đều được trau chuốt đến hoàn hảo.

Phan Ý Ly ghi dấu ấn với khán giả FPT trong vở diễn

Phan Ý Ly ghi dấu ấn với khán giả FPT trong vở diễn "Sâu Sáng Tuyệt Thông Phong" tại Hội diễn 2009. Ảnh: S.T.

Nhìn lên sân khấu, ít ai ngờ đó là những diễn viên không chuyên đang diễn, đang múa, đang thể hiện cảm xúc. Anh Bình đã phải thốt lên: “Xem vở kịch của FPT IS khiến tôi rất xúc động”.

Lần đầu tiên trên sân khấu FPT có một vở nhạc kịch “hàn lâm” đến vậy. Nữ đạo diễn với mái tóc xù và làn da nâu đặc trưng đã tự dàn dựng về cả nội dung, âm thanh, ánh sáng… để tạo nên một bức tranh tổng thể đầy màu sắc và nhiều cảm xúc cho người xem.

“Tôi muốn khai thác tất cả những gì có thể kể chuyện được, từ âm thanh, ánh sáng đến đạo cụ bởi sân khấu kịch có lợi thế là không gian 4 chiều và có thể lay động đến tất cả giác quan của khán giả”, chị nói.

Sự chuyên nghiệp của Phan Ý Ly chính là sự khác biệt của chị với sân khấu kịch FPT, vốn “tự biên, tự diễn và tùy hứng”. Trần Thị Thu Phương, FPT IS ERP, vẫn còn nhớ về sự cầu kỳ của nữ đạo diễn khi cô có riêng kịch bản về ánh sáng cho từng đoạn, “vẽ” rất tỉ mỉ ánh sáng được chiếu như thế nào, chuyển và phối màu ra sao… Điều này giúp FPT IS không gặp phải lỗi nào trong quá trình diễn cũng như khiến cho vở kịch được xây dựng huyền ảo, hấp dẫn hơn. Nữ đạo diễn còn tự tìm và chỉnh sửa âm thanh làm sao cho phù hợp nhất với vở diễn.

Để hoàn thành vở diễn, các diễn viên của FPT IS phải kiên trì tập luyện hơn một tuần, ngày nào cũng từ 14h đến 18h, thậm chí có hôm đến 22h.

Diễn viên Nguyễn Vĩnh Xương. Ảnh: Minh Hà.

Diễn viên Nguyễn Vĩnh Xương. Ảnh: Minh Hà.

“Lúc đầu tôi hơi shock vì phong cách làm việc rất chuyên nghiệp. Chị Ly khá khó tính, yêu cầu mọi người tập trung cao độ để tập luyện. Ban đầu, mọi người hơi ngại vì thấy chị khó tính quá, nhưng sau đó đều hiểu như vậy mới gặt hái được thành quả và chỉ có như vậy mới chỉ đạo được một đội gần 30 con người làm việc, phối hợp nhịp nhàng”, chị Phương kể.

Quan niệm của Phan Ý Ly là dù đi chơi cũng phải “thể hiện sự nghiêm túc” và sân khấu cũng vậy. “Sự nghiêm túc thể hiện sự trân trọng của bạn đối với mọi người. Cũng là trân trọng việc mình làm, thể hiện sự sáng tạo tốt nhất”, chị tâm sự.

Sau Hội diễn 2009, Phan Ý Ly đã “nói lời từ biệt” FPT. 6 tháng cùng làm việc, cùng sáng tạo của Phan Ý Ly với FPT IS không dài, nhưng cũng ghi dấu trong chị và người FPT nhiều cảm xúc.

Những cộng sự của chị đã học được ở Phan Ý Ly tính chuyên nghiệp, sự tỉ mỉ và đam mê trong công việc. Bởi ở nữ nghệ sĩ này luôn toát lên sự nhiệt huyết của người làm nghệ thuật, có lẽ phải như vậy mới có thể làm ra những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.

Sau này, các vở kịch của FPT IS PFS (nơi chị công tác) vẫn thể hiện rất rõ “dấu ấn” Phan Ý Ly trong sự cầu kỳ về hiệu ứng âm thanh, ánh sáng. Điều đó đã mang lại cho họ nhiều thành công trên sân khấu kịch không chuyên của FPT.

Còn Phan Ý Ly bảo, chị vẫn nhớ như in và giữ nguyên những hình ảnh của đợt tập kịch ấy: “Không biết bao giờ tôi mới lại được sống trong không khí tập luyện vui vẻ và ấn tượng như vậy.

Phan Ý Ly không phải là “ngoại binh” duy nhất tham gia Hội diễn FPT. Trước đó, diễn viên Nguyễn Vĩnh Xương - nay là Trưởng đoàn diễn xuất 1, Nhà hát Kịch Việt Nam - cũng từng giúp FPT Telecom “chuốt lại” tiểu phẩm ở kỳ Hội diễn 2008.

Dù chỉ xuất hiện một lần, nhưng diễn viên Vĩnh Xương đã mang đến một gam màu khác cho sân khấu kịch FPT vốn đa thanh, đa sắc.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()