Chúng ta

Nam nhi FPT làm mẫu ảnh

Thứ ba, 21/2/2012 | 09:01 GMT+7

Trong một lần đi mua sắm cùng bạn bè, Trần Cao Cường (sinh năm 1991), nhân viên thiết kế Trung tâm Sáng tạo Mỹ thuật đa phương tiện FPT Online (MAC), lọt vào "mắt xanh" của chủ shop quần áo. Cậu đã trở thành mẫu nam quảng cáo thời trang trên mạng xã hội và bắt đầu gắn bó với nghề mẫu ảnh tình cờ như thế.

6top-666027-1412973462.jpg

Cường thường chọn trang phục đơn giản, khỏe khoắn, có tông màu trung tính, đầu tóc gọn gàng cả khi chụp ảnh và ở ngoài đời.

Khi gia nhập FPT Online, cơ hội làm mẫu ảnh đến với Cường nhiều hơn. Cậu đã có khoảng 10 bộ ảnh được đăng tải trên báo điện tử VnExpress.net, iOne.net… Trước đó, thỉnh thoảng Cường cũng tham gia làm mẫu ảnh cho một số tờ báo nhỏ ở địa phương như Tuổi trẻ Quảng Bình…

Để có bức hình đẹp xuất hiện trên báo là cả quá trình làm việc nghiêm túc của người mẫu và cả ê-kíp. Theo Cường, đầu tiên người mẫu cần trao đổi với stylist để hiểu rõ hơn về ý tưởng của buổi chụp. Sau đó cả ê-kíp sẽ bàn bạc và thống nhất về trang phục, phụ kiện, địa điểm, thời gian… Đôi lúc, Cường còn tham khảo ý kiến của nhiếp ảnh gia để có cái nhìn bao quát hơn về bộ ảnh sắp thực hiện. Khi hoàn tất khâu chụp ảnh, ê-kíp sẽ bắt tay vào việc xử lý hậu kỳ, từ đó hoàn thiện từng tấm hình.

Không phải lần chụp nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ. Khi thì máy móc gặp trục trặc, lại có lúc thời tiết không ủng hộ. Cường thích chụp ở studio vì “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Tuy vậy, những bộ ảnh lấy bối cảnh thiên nhiên thường đặc sắc hơn nên nhiều lần gặp sự cố về thời tiết, cậu và ê-kíp vẫn theo đuổi công việc đến cùng.

Cường nhớ nhất lần chụp ảnh gần đây, vào một buổi chiều lạnh giá, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 10 độ C. Vì đã lên kế hoạch từ trước, cậu cố gắng dầm lạnh trong 6 tiếng để tạo dáng trong chiếc áo mỏng tang. Chụp xong, cậu bị cảm lạnh, đúng một tuần sau mới khỏi. Nhưng đổi lại, cậu rất ưng ý khi sở hữu những tấm hình đẹp từ buổi chụp hôm đó.

Có lần, khi ê-kíp chỉ có hai người là người mẫu và người chụp, cậu phải kiêm thêm công việc của “cửu vạn” để vận chuyển loại máy ảnh và phụ kiện đi kèm như phông nền, bạt phản sáng… Trước khi đi trời nắng đẹp, đùng một cái trời lại mưa to. Thế là cậu và người chụp lại mất công vác cả đống đồ nghề đi về với lướt thướt áo mưa.

Vất vả là vậy nhưng Cường quan niệm chụp ảnh là thú vui nên không đặt nặng vấn đề thù lao. Lấy tiền nhuận ảnh, cậu mời bạn bè buổi trà chanh tới tận đêm khuya hoặc một chầu lẩu hoành tráng với cả ê-kíp là vừa hết.

Tuy nhiên, nghề mẫu ảnh đem lại nhiều giá trị khác. Nhờ công việc này mà Cường được nhiều người biết đến hơn, kỹ năng giao tiếp ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, cậu làm quen với nhiều stylist và photographer chuyên nghiệp. Từ đó, các ý tưởng thiết kế của cậu dần được hiện thực hóa thông qua các bộ ảnh.

Nghề làm mẫu thường ưu ái hơn cho nữ giới. Các công đoạn về trang điểm hay “tút tát” lại đầu tóc, trang phục của người mẫu nam thường được tối giản. Tư thế chụp ảnh chủ yếu là đơn giản, thoải mái, không quá đầu tư như người mẫu nữ. Cộng thêm, quần áo dành cho nam thường bị hạn chế về màu sắc và kiểu dáng. Các tay máy có xu hướng ưu tiên mẫu nữ nên khi chụp đôi, mẫu nam bị nhạt nhòa hơn và đôi khi chỉ “làm nền” cho người đứng cạnh.

Nhiều người còn có cái nhìn khắt khe với người mẫu nam. “Phái nữ không thích con trai quá bóng bẩy, trau chuốt. Còn các cụ thì rất dị ứng với con trai khi thấy họ lượn lờ hay tạo dáng ở ngoài đường. Ai mà chú trọng hình thức một chút sẽ bị quy chụp ngay”, Cường chia sẻ về những khó khăn trong công việc làm mẫu ảnh của mình.

Để hạn chế những định kiến đó, Cường chủ động chọn lựa trang phục đơn giản, khỏe khoắn, có tông màu trung tính, đầu tóc gọn gàng cả khi chụp ảnh và ở ngoài đời.

“Hiện tại, mình muốn hoàn thành tốt công việc và việc học trước. Làm mẫu ảnh chỉ là một phần sở thích cá nhân. Nếu có duyên với nghề, mình sẽ đi sâu hơn, còn không thì vẫn vác máy đi chụp ảnh cùng bạn bè và gia đình”, Cường chia sẻ.

Sở hữu gương mặt đẹp trai kiểu Hàn Quốc, Đinh Đức Minh (sinh năm 1992), sinh viên lớp SE601, khoá 6A ngành Kỹ nghệ phần mềm ĐH FPT, đã có hơn 5 năm làm người mẫu ảnh cho nhiều tờ báo tuổi teen như Thế giới học đường, 2! Sinh viên Việt Nam...

img2886top-551234-1412973462.jpg

Thời gian gần đây, Minh tham gia chụp ảnh bìa cho tạp chí Tikichiti (phụ san báo 2! Sinh viên Việt Nam).

Lần đầu tiên Minh làm mẫu ảnh là khi cậu học lớp 10. Lúc đó, báo Thế giới học đường đến quảng bá một vài sự kiện và cậu đã được “để ý” từ đó. Cậu rất bất ngờ khi không lâu sau nhận được lời mời chụp hình minh hoạ cho một bài viết trên báo.

Cậu ấn tượng nhất ở buổi chụp hình đầu tiên vì hôm đó phải diễn cùng hai người mẫu nữ đã quen với việc đứng trước ống kính chuyên nghiệp. Bối cảnh chụp ở Hồ Tây với chủ đề tình yêu càng khiến cậu rụt rè. Vì là lần đầu tiên làm mẫu ảnh nên Minh khá lung túng, stylist liên tục hướng dẫn cách tạo dáng, biểu cảm khuôn mặt … Từ “bài học vỡ lòng” đó, cậu bắt đầu có thiện cảm với công việc này.

Sau đó, Minh liên tục nhận được những lời mời chụp ảnh cho các tờ báo dành cho tuổi teen, thậm chí chụp các bộ ảnh thời trang hay ảnh bìa. Ngoài ra, cậu từng có thời gian làm việc cho một hãng thời trang trẻ do các bạn 9x thành lập với tư cách người mẫu độc quyền.

Thời gian gần đây, Minh còn tham gia chụp ảnh bìa cho tạp chí Tikichiti (phụ san báo 2! Sinh viên Việt Nam). Bên cạnh đó làm mẫu ảnh cho chuyên mục thời trang và phần minh họa bài viết cho báo 2! Sinh viên Việt Nam, Thế giới học đường...

Trong hơn 5 năm gắn bó với công việc mẫu ảnh, Minh nhớ nhất khi chụp bộ ảnh ngoại cảnh tại một khu đô thị mới khai trương. Cả tay máy và người mẫu đang hăng say tạo dáng và đã “nháy” được khoảng 10 tấm hình thì bất ngờ bảo vệ tòa nhà từ đâu lao ra, ngăn cấm và đòi tịch thu máy móc.

Cả nhóm phải xin lỗi, năn nỉ mãi mới được trả lại nhưng tất cả những bức hình đều phải xóa hết. Cả ê-kíp tay không đi về và thấm thía một bài học: Chụp ở đâu cũng phải xin phép trước.

Ngoài khó khăn khách quan, theo Minh, người mẫu nam thường có ít lợi thế ở cách tạo hình và diễn trước ống kính. Khi thực hiện bộ ảnh, người mẫu ảnh nam vừa phải tuân theo ý tưởng đã định trước nhưng vẫn phải giữ được nét cá tính, mạnh mẽ.

Những bộ hình thời trang đã phải đầu tư như vậy. Với bộ ảnh bìa, Minh phải “dụng công” hơn rất nhiều. “Bộ ảnh thời trang rất dễ được lựa chọn làm minh họa cho các bài báo nhưng chỉ một bức ảnh đẹp nhất với biểu cảm phù hợp mới được chọn đưa lên trang bìa”, Minh cho biết.

Thông thường, đại diện của tờ báo sẽ gọi điện cho Minh một tuần lễ trước đó. Một số trường hợp cần gấp, họ chỉ báo trước một ngày. Ê-kíp của buổi chụp hình cho trang bìa thường có ba người: nhiếp ảnh gia, stylist lo trang phục, làm tóc, trang điểm và một người quản lý sản phẩm.

Để có một tấm ảnh lên trang bìa, Minh phải làm việc với cường độ cao trong hơn hai tiếng đồng hồ. Cũng có lần may mắn hơn, cậu chỉ chụp khoảng 10 tấm hình đã chọn được kiểu ưng ý. Và có nhiều lần tạo dáng mệt nhoài đến 30-40 tư thế mà ê-kíp vẫn chưa ưng tấm nào. Thậm chí với những buổi chụp kéo dài, cậu đổ mồ hôi ướt đẫm, stylist liên tục phải dặm lại mặt để đảm bảo chất lượng bức hình.

Chụp ảnh nhiều, Minh nghiệm ra một điều, làm mẫu ảnh không chỉ đơn giản là mặc quần áo đẹp và “phù phép một cái” là xuất hiện lung linh trên báo. Nó đòi hỏi người mẫu phải có bản lĩnh, tố chất thẩm mỹ nghệ thuật và sự lao động chăm chỉ.

Thù lao mang lại từ công việc làm mẫu ảnh không nhiều. Nó chỉ đủ cho Minh sắm sửa cho bản thân mà không cần cầu viện đến bố mẹ. Tuy nhiên, công việc mẫu ảnh giúp Minh thoả mãn với niềm đam mê thời trang, được đứng trước ống kính máy ảnh và cầm trên tay tấm ảnh đẹp của chính mình, đồng thời cũng có thêm những mối quan hệ xã hội hay cải thiện kỹ năng làm việc nhóm và áp lực cao…

“Dù thực sự chưa coi công việc làm mẫu ảnh là một nghề nhưng mình vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với nó trong thời gian tới, bên cạnh việc học tại Đại học FPT và kể cả sau này khi đã ra trường, đi làm”, kỹ sư phần mềm tương lai chia sẻ về sở thích và đam mê của bản thân.

 Thạch Anh

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ý kiến

()