Chúng ta

Vợ đẻ, bầu to vẫn 'ăn nằm' cùng dự án đường sắt

Thứ năm, 3/9/2015 | 08:05 GMT+7

Để việc chuyển đổi hệ thống bán vé điện tử của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 1/9, hơn một tháng nay, ngày nào anh Nguyễn Đức Thắng - người được mệnh danh là “kiến trúc sư trưởng” của dự án - cũng bám trụ tại văn phòng làm việc đến 11-12h đêm.

Đêm nào cũng vậy, anh Thắng trở về nhà khi mọi người đã bắt đầu chìm dần vào giấc ngủ. Trong căn nhà nhỏ ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Nội, vợ con anh sau một ngày "tự vật lộn" với nhau đã đi ngủ tự lúc nào. Nhẹ nhàng thay quần áo, anh cũng chỉ kịp đặt mình xuống giường, tranh thủ chợp mắt để lát dậy giúp vợ pha sữa cho đứa con bé nhỏ một tháng tuổi. 

IMG-1918-JPG-4521-1441018660.jpg

Gần 2 tháng nay, đội dự án liên tục làm việc tới nửa đêm để kịp tiến độ.

Ông bà nội ngoại đều ở xa nên dù vợ mới sinh nhưng cả hai vợ chồng phải tự lo, chăm sóc nhau. “Dù vợ không nói ra và cũng chưa một lời trách móc nhưng mình cũng biết vợ ở nhà phải vất vả thế nào. Nghĩ thương vợ con lắm mà không biết phải làm sao vì dự án đang lúc cam go, không thể lơ là và bỏ mặc đồng nghiệp bởi như thế công việc không thể hoàn thành”, anh Thắng vừa dán mắt vào màn hình kiểm tra hệ thống vừa trầm ngâm chia sẻ.

Giống như “mama tổng quản”, công việc của anh Thắng gồm rất nhiều đầu việc, vừa ở nhóm lập trình để bàn với anh em về cách code, lát sau đã thấy anh ngồi cùng nhóm hệ thống lên kế hoạch triển khai… Trong văn phòng rộng gần 80 m2, anh chạy đi chạy lại như con thoi. Với anh, công việc ở giai đoạn này dù không còn căng thẳng và áp lực nhiều như giai đoạn 1 nhưng lại có thêm nhiều việc phát sinh và khối lượng việc lặt vặt nhiều khủng khiếp khiến mọi người làm mãi vẫn không hết. “Cảm giác giống như bạn leo lên một ngọn núi, leo lên đến đỉnh này đã lại nhìn thấy đỉnh núi tiếp theo”, anh dí dỏm ví von.

IMG-1904-JPG-8710-1441018660.jpg

Anh Nguyễn Đức Thắng cùng các thành viên đội dự án quyết tâm hoàn thành công việc dù vất vả. 

Sau gần 2 tháng ăn nằm cùng dự án, anh chỉ mong mọi thứ diễn ra suôn sẻ, không gặp sự cố bởi đó là tâm huyết và công sức của cả đội. Anh cũng hy vọng thời gian tới sẽ đỡ bận hơn để có thể về nhà đúng giờ, tranh thủ giúp đỡ vợ con.

Nhắc đến đồng nghiệp, Hà Linh, Tester của dự án, không giấu được sự khâm phục: "Anh Thắng làm việc hết mình và tận tụy vô cùng. Dù vợ mới sinh lại không có ông bà giúp đỡ nhưng hôm nào anh cũng ở lại làm việc đến khuya”.

Ngoài anh Thắng, trong đội dự án còn có "người đàn bà thép" Đỗ Thị Phương Dung. Mặc dù có hai con trai nhỏ 5 và 3 tuổi, bản thân lại đang mang bầu ở tháng thứ 5 nhưng hơn một tháng qua, chị luôn kiên trì cùng đồng đội chạy dự án.

Là chuyên viên phân tích nghiệp vụ, công việc của chị đòi hỏi phải nắm được toàn bộ hệ thống, sau đó chia sẻ với đại diện của ngành Đường sắt, rồi ghi nhận ý kiến của đối tác để các đồng nghiệp chỉnh sửa và kiểm tra trước khi hoàn thiện. Công việc cứ tất bật luôn chân luôn tay không nghỉ.

IMG-1893-JPG-7437-1441018660.jpg

Dù có hai con nhỏ và đang mang bầu 5 tháng nhưng chị Dung vẫn thức đêm hôm bám trụ cùng dự án. 

Hơn một tháng nay, hầu như chị không ăn cơm nhà cùng gia đình. Hai cậu con trai nhỏ cũng đang được chị “phó mặc” cho ông bà nội. “Trước khi bận dự án, cuối tuần vợ chồng mình thường đưa các con đi chơi nhưng cả tháng nay bận quá, về nhà thì con đã ngủ rồi. Chỉ tranh thủ chờ con ngủ dậy, đưa con đi học cho chúng khỏi quên mẹ”, chị giãi bày.

Chồng chị cùng làm ở FPT nên thấu hiểu được sự vất vả của vợ. Đêm đêm, khi thành phố đã vắng vẻ, anh lại có mặt ở 15 Trần Hưng Đạo (đại bản doanh của đội dự án) để chờ đón vợ về.

Giống như các đồng nghiệp khác, một ngày của chị Dung dường như chỉ bó gọn trong văn phòng, từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Trong ngày, giờ phút vui vẻ, thoải mái nhất của chị và các đồng nghiệp là những lúc ăn trưa hoặc ăn đêm tranh thủ lấy sức làm công việc. 

“Thi thoảng đi café với bạn bè, kể về những ngày làm dự án, dù mình chỉ là những người đứng sau nhưng luôn cảm thấy sung sướng và hãnh diện”, mắt lấp lánh niềm vui chị bày tỏ. Ao ước lớn nhất lúc này của chị là việc chuyển đổi hệ thống thành công, chị có thời gian dành cho các con và giúp đỡ bố mẹ chồng để ông bà nghỉ ngơi sau gần 2 tháng chăm cháu giúp.

Cùng với chị Dung, anh Thắng là đội ngũ hơn 20 thành viên đội dự án cùng làm việc với cường độ cao như vậy. Thấu hiểu nỗi vất vả của nhân viên nên hai quản trị dự án là Bùi Thanh Bình (Giám đốc Trung tâm Giải pháp Dịch vụ vận tải hành khách - thuộc SSD) và Nguyễn Hồng Hải thường gần gũi và động viên nhân viên của mình. 

Theo anh Bình, lần chuyển đổi hệ thống này mang lại nhiều thay đổi cho ngành đường sắt, không chỉ tạo sự thuận tiện cho hành khách mà còn giúp ngành đường sắt quản trị được tốt hơn, xây dựng được mô hình kinh doanh mới, thay đổi cách lập báo cáo… Sau khi chuyển đổi vào ngày 1/9, đội dự án quyết định đi làm cả vào ngày nghỉ lễ 2/9 và luôn túc trực, xử lý, giải quyết sự cố trong những tuần kế tiếp.

“Nhiều năm làm dự án và từng tham gia vào những trận đánh lớn tương tự nên đến giờ, tâm thế của mình là bình thản chờ đợi, nếu có sự cố gì thì tập trung khắc phục”, anh Hải chia sẻ.

Ngày 1/9, hệ thống vé tàu điện tử và hóa đơn điện tử chính thức đi vào hoạt động. Trong khoảng thời gian này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bán vé bổ sung cho hành khách có nhu cầu mua vé đi ngay tại các nhà ga dọc đường trên các tuyến. 

Dự án Hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được FPT IS khởi động từ tháng 7/2014.  Đây là sản phẩm hợp tác với FPT theo hình thức thuê dịch vụ CNTT. Trong đó, FPT cung cấp dịch vụ CNTT hoàn chỉnh từ Hệ thống phần mềm quản lý bán vé điện tử đến hạ tầng CNTT. Thay vì trả chi phí một lần Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ trích tỷ lệ phần trăm doanh thu bán vé thu được qua hệ thống điện tử để trả dần cho nhà cung cấp (FPT).

Hợp đồng dự kiến kéo dài trong 7 năm, chia làm 3 giai đoạn. Dự kiến, sau khi hoàn chỉnh vào tháng 11/2015 với thời hạn 6 năm, hệ thống sẽ được áp dụng tại tất cả ga thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên toàn quốc.

Trước đó, bắt đầu từ 21/11/2014, hệ thống bán vé điện tử khi đi vào hoạt động đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Thay vì phải xếp hàng ra ga mua vé, người dân đã có thể mua vé mọi lúc, mọi nơi. Từ đầu năm 2015 đến thời điểm 12h ngày 26/8, đã có 436.516 vé tàu được bán qua website www.dsvn.vn.

>> Đường sắt Việt Nam chính thức áp dụng vé tàu điện tử

Đồng Bằng

Ý kiến

()