Chúng ta

Chủ tịch Tôn Hoa Sen: 'Hãy tham vọng, đừng tham lam'

Thứ tư, 21/9/2016 | 15:20 GMT+7

"Theo tôi, tham lam thuộc về ý nghĩa mang tính cá nhân, tham vọng vì lợi ích của nhiều người, của cộng đồng. Thường người ta sống tham lam nhiều hơn tham vọng, thích có tiền nhiều, có danh vọng, địa vị và muốn được hưởng thụ", ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ. 

Trích đăng bài chia sẻ của ông Lê Phước Vũ với 1.200 sinh viên FPT Polytechnic HCM trong lễ khai giảng diễn ra ngày 18/9 vừa qua:

“Trong hội trường này có ai không biết tôi không ạ? Nếu có xin mời giơ tay lên". (Hội trường giơ tay khá nhiều). Không biết tôi chứ không phải biết tôi đâu nhé? (Hội trường vẫn có nhiều cánh tay đưa lên).

Chứng tỏ trong 2, 3 tuần vừa rồi các bạn không xem báo hay Facebook, vì trong thời gian vừa qua, người nổi tiếng nhất nước Mỹ là Donald Trump và người nổi tiếng nhất Việt Nam là tôi.

12h đêm qua tôi vẫn còn ở Mường Lò, Tây Bắc và thức nguyên đêm để di chuyển đến Hà Nội và bay vào đây chuyến sáng nay theo lời mời của anh Phong (Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc FPT Polytechnic). Sáng nay, tôi coi trên email từ nhà trường, tôi đã đọc được 4 chữ mà tôi rất thích: “Thực học - Thực nghiệp”. Trong văn hoá Hoa Sen của chúng tôi có 10 chữ T: Trung thực, trung thành, tận tuỵ, trí tuệ, thân thiện. Và chúng tôi đã thành công đến ngày hôm nay cũng đã nhờ văn hoá 10 chữ T này. Hiện nay, FPT và Hoa Sen có những điểm giống nhau, là một trong khoảng 10 công ty tăng trưởng toàn cầu, cùng giá cổ phiếu và 4 chữ “Thực học - Thực nghiệp” cũng là điều mà chúng tôi vẫn thường nhắc cho nhân viên của mình.

Hôm nay tôi muốn nhắc đến 4 điều. Hai điều đầu tiên là tham vọng và tham lam. Tình cờ có một buổi phỏng vấn trên kênh FBNC, khi đó anh Trần Ngọc Châu - Giám đốc đài - có hỏi tôi rằng: “Anh là người ăn chay, vậy anh có tham lam không?”, tôi trả lời rằng: “Tôi không tham lam nhưng tôi rất tham vọng”.

Theo tôi, tham lam thuộc về ý nghĩa mang tính cá nhân, tham vọng vì lợi ích của nhiều người, của cộng đồng. Thường người ta sống tham lam nhiều hơn tham vọng, thích có tiền nhiều, có danh vọng, địa vị và muốn được hưởng thụ. Người tham lam thường sẵn sàng bất chấp để đạt mục đích, để họ có nhiều tiền, thành công, có danh vọng và địa vị. Khi chủ nghĩa cá nhân phát sinh thường sẽ để lại hậu quả cho xã hội nhiều hơn là đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Còn tham vọng là mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng, mang tính cống hiến và hài hoà lợi ích giữa cá nhân, gia đình và xã hội, đặt lợi ích của chung lên lợi ích cá nhân, nên tham vọng đáng trân trọng hơn. Người có tham vọng luôn làm những điều cho đất nước, cho xã hội là trong đó có gia đình mình, có người thân và có mình. Nên tôi khuyên các bạn hãy là người tham vọng chứ đừng tham lam.

Thứ hai, nhân chuyện thực học thực nghiệp, tôi sẽ nói cho các bạn về thực chất và thực dụng. Hiện nay, các bạn đọc trên báo, trên mạng có nhiều thông tin tiêu cực mà ít đi thông tin tích cực. Những điều đó có thật không? Đó là thực tế.

Chúng tôi là những người trưởng thành, những người lớn, chúng tôi chỉ có thể tiếp tục cống hiến thì cũng chỉ 10-20 năm sẽ hết và tương lai đất nước này là ở các bạn. Trách nhiệm của chúng tôi là gì, là làm sao nghĩ đến gia đình mình, đến mình, đến đất nước mình là một đất nước tốt đẹp. Điều đó không dễ.

Các bạn thấy không, chỉ riêng Mỹ, Pháp, Đức… là những đất nước phát triển rất giàu có, hiện đại nhưng họ vẫn có những vấn đề xã hội khó giải quyết. Như vậy, đất nước nghèo, chậm phát triển như đất nước chúng ta có vấn đề để giải quyết không? Câu trả lời là có quá nhiều vấn đề để giải quyết.

Vấn đề là gì? Chúng ta không thể có một phi thuyền bay lên Mặt trăng, bay qua sao Hoả để sống riêng, mà chúng ta phải sống trên quả đất này, trên đất nước này, và chúng ta phải tương tác, lệ thuộc với môi trường xung quanh. Như vậy, tốt nhất là chúng ta không nên trốn chạy mà chúng ta hãy đối mặt thực tế, và làm sao cho cuộc sống của chúng ta và cuộc sống xung quanh được tốt hơn. Cho nên các bạn hãy tập sống thực chất chứ đừng thực dụng.

Các bạn thấy hiện nay, nào là tham nhũng, lợi ích nhóm, hối lộ… bao nhiêu điều trên xã hội và đó là một thực tế. Tôi tin rằng đất nước này, dân tộc này, các bạn trẻ sẽ ưa chuộng những điều tốt đẹp hơn là những cái không đàng hoàng, không tử tế. Trước tiên, mỗi chúng ta, mỗi các bạn và các em ở đây hãy cố gắng trở thành một người tốt, một người tử tế. 

Công việc thực tế đa thành phần thì bao giờ thành quả của một cộng đồng, xã hội cũng đều sẽ được chia sẻ. Có những người giàu và người nghèo, có những người thành công và có những người thất bại, có những người giàu chân chính và có những người giàu bằng sự ma mị của họ.

Nước Nhật, nước Đức tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và là cường quốc kinh tế vì họ làm được những sản phẩm tinh xảo. Anh Trần Chí Quỳnh, Đại biểu Quốc hội, là một người khá nổi tiếng đã nói: “Người Việt Nam chúng ta làm chưa kịp tinh mà đã xảo rồi”. Chúng ta làm giàu là chúng ta tạo ra giá trị xã hội, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để thị trường trong nước chấp nhận được, cạnh tranh được trên khu vực và thế giới. Đó mới là cái giàu của chúng ta.

Tôi xin thưa rằng, bây giờ nếu các bạn khởi nghiệp, so với thời của chúng tôi cách đây 20 năm, hoàn cảnh và môi trường khác nhau rất nhiều, không phải như bây giờ. Các bạn có những cái bất lợi và có lợi hơn. Lợi là các bạn được đào tạo bài bản hơn, các công cụ, thuận lợi hơn, môi trường chuẩn mực hơn. Vấn đề ở đây các bạn phải nhìn được cơ hội là chúng ta đã gia nhập toàn cầu và khu vực, cộng đồng ASEAN cũng là cơ hội. Khu vực kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong 10, 20 năm tới chính là ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đó là cơ hội của các bạn.

Các bạn chỉ mới 18 tuổi, kinh tế phát triển là những điều thuận lợi cho các bạn, vì thế các bạn không có lý do gì để không tích luỹ kiến thức, kỹ năng và quan trọng nhất là các bạn phải có ý chí vươn lên để nắm bắt cơ hội. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều việc làm, nhưng cái đáng lo ngại đó là nhiều người thực dụng quá chứ không thực chất.

Hiện tôi cảm thấy lạc quan nhưng cũng có chút lo âu. Lạc quan vì người Việt Nam chúng ta thông minh, chịu khó, nếu chúng ta phấn đấu, có sự tự tin chúng ta sẽ đạt được mục tiêu, tạo được sự tăng trưởng. Nếu chúng ta nhìn ra xu hướng thị trường và tạo ra những sản phẩm đáp ứng xu hướng thì bản thân thị trường sẽ tạo ra cho doanh nghiệp lợi nhuận, sự tích lũy và sự thành công.

Tại sao Việt Nam không nghĩ đến dự án tỷ đô? Những dự án này sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và cũng chính là năng lực cạnh tranh quốc gia. Quan trọng nhất là chúng ta phải để cho các doanh nghiệp nước ngoài phải thấy được con người, dân tộc, đất nước chúng ta cũng rất bản lĩnh, không hề thua kém các doanh nghiệp trên thế giới. Đó là chúng ta đang làm bằng sự tự hào, tự tôn dân tộc và tôi đang nỗ lực vì điều đó". 

Theo FPT Education

Ý kiến

()