Chúng ta

Những vấn đề 'nóng' được bàn tại Vietnam ICT Summit

Thứ tư, 17/6/2015 | 10:35 GMT+7

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, cảm thấy rất tiếc vì thị trường Việt Nam quá thiếu lao động CNTT nên doanh nghiệp phải ra nước ngoài tìm nguồn đáp ứng nhu cầu công việc.

Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2015 (Vietnam ICT Summit 2015) sẽ diễn ra ngày 24-25/6 tại Hà Nội. Ông Trương Gia Bình đã chia sẻ về những bài toán khó về ứng dụng CNTT mà các chuyên gia kỳ vọng có thể giải tại sự kiện năm nay.

- Sau Diễn đàn cấp cao CNTT 2014, bức tranh ngành CNTT đã có những thay đổi như thế nào?

- Các diễn đàn cấp cao quốc gia như ICT Summit đều mang đến những đề xuất nhằm phát triển ngành CNTT, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là kết quả của cả một quá trình chứ không chỉ tính theo từng năm.

4-5-3241-1434449806.jpg

Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình. Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2015 (Vietnam ICT Summit 2015) sẽ chính thức khai mạc sáng ngày 25/6 tại Hà Nội với chủ đề “CNTT và quản trị thông minh”, có sự tham dự của hơn 500 đại biểu.

Thời gian qua, ngành CNTT đã chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực về mặt chính sách, như quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng làm Chủ tịch, hay chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị nêu rõ, người đứng đầu các cấp, các ngành chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ ứng dụng, phát triển CNTT. Đặc biệt, một quyết sách mang tính "cởi trói" thúc đẩy ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo thị trường phát triển CNTT và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách trong đầu tư CNTT là Quyết định số 80/2014 về thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước.

Hay vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 714/2015/QĐ-TTg triển khai sáu Cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử…

- Như vậy, vấn đề tiếp theo vẫn là làm sao để đưa chính sách vào cuộc sống, ông có thể chia sẻ về việc triển khai, ứng dụng CNTT hiện nay?

- Từ chính sách vĩ mô triển khai thành hành động cụ thể tại từng bộ, ngành, cơ quan đều phải có những bước xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể. Hiện, có thể kể đến một số dự án CNTT lớn như Tổng cục Hải quan đã khai trương cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và triển khai chính thức tại các cảng biển quốc tế, rút ngắn thời gian xử lý thông quan hàng hóa; Bộ Công thương đã kết nối được ba thủ tục vào hệ thống một cửa quốc gia; Bộ Tài chính đang xây dựng Hệ thống thông tin thống kê tài chính tập trung, thống nhất nhằm đáp ứng yêu cầu điều hành nền tài chính quốc gia… Hay như ngành Y tế, Giao thông đã và đang triển khai các dịch vụ công trực tuyến, hướng tới kết nối đồng bộ để cung cấp dịch vụ tốt hơn, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều tỉnh, thành phố tích cực triển khai xây dựng đô thị thông minh như Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh…

Về thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước, có dự án tiên phong là hệ thống vé tàu điện tử mà FPT đang xây dựng cho Đường sắt Việt Nam. Nếu không có Quyết định số 80/2014, thì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến phải mất ít nhất 5 năm để xây dựng hệ thống, từ thiết lập, tìm nguồn vốn đến phê duyệt, thực hiện dự án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với việc thuê hệ thống của FPT, thời gian rút xuống chỉ còn vài tháng.

Ngoài FPT, các doanh nghiệp CNTT khác như VNPT, Viettel cũng đang đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để giải quyết các bài toán xã hội trong ngành y tế, giao thông, dịch vụ công... Điều đó cho thấy những ý kiến, khuyến nghị từ ICT Summit đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các cơ quan quản lý, doanh nghiệp. 

- Vậy tại Vietnam ICT Summit 2015, đâu sẽ là những vấn đề "nóng" mà các ông muốn đề cập?

- ICT Summit 2015 chọn chủ đề "CNTT và quản trị thông minh", xuất phát từ nhận thức rằng đổi mới hệ thống quản trị là một vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia, dân tộc. Sự bùng nổ của CNTT với xu hướng công nghệ mới đem đến những cơ hội phát triển đột phá, đồng thời cho phép sáng tạo ra các giải pháp tối ưu để quản trị và giải quyết những thách thức của thời đại đang đặt ra với mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức.

Với bốn tọa đàm chuyên đề, Vietnam ICT Summit 2015 sẽ tập trung trao đổi về các giải pháp để ứng dụng hiệu quả CNTT trong các ngành, lĩnh vực đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và tập trung nhiều vấn đề "nóng" của xã hội như dịch vụ công, y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT. Thủ tướng cũng sẽ dành thời gian tới dự và phát biểu tại diễn đàn.

- Cụ thể hơn, CNTT sẽ giải quyết các bài toán nào của ngành y tế, giao thông, dịch vụ công được đề cập tại Vietnam ICT Summit 2015?

- Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề cấp thiết trong quản lý y tế và bảo hiểm xã hội, giao thông ùn tắc, tai nạn ngày một gia tăng, chất lượng dịch vụ công yếu kém... Tất cả những vấn đề này đều có thể được giải quyết bằng CNTT.

Đối với ngành Y tế, dự kiến tọa đàm sẽ ưu tiên thảo luận về vấn đề chuẩn hóa quy trình quản lý y tế - một vấn đề được coi là cốt tử của lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó là các chủ đề như liên thông hồ sơ bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng CNTT để quản lý thuốc...

Với chủ đề về giao thông thông minh, tọa đàm sẽ chia sẻ những định hướng, cơ chế chính sách và giải pháp nhằm phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam, nhằm khai thác tối đa năng suất, hiệu suất của hệ thống giao thông trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng sẽ tập trung bàn cách tháo gỡ những khó khăn của Chính phủ điện tử như bất cập trong hiện trạng xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu chung, dẫn đến tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương làm một kiểu, gây lãng phí, chồng chéo trong thực hiện dịch vụ công.

- Phát triển nguồn nhân lực CNTT là chủ đề quen thuộc lâu nay, nhưng vì sao vẫn tiếp tục đưa vào Diễn đàn sắp tới?

- Điểm đặc biệt của tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực CNTT là lời cảnh báo về hiện trạng doanh nghiệp CNTT Việt. Dự kiến trong 6 - 7 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu gần 500.000 nhân lực làm CNTT. Vừa qua, Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng nhất về khả năng được đối tác quốc tế tín nhiệm giao việc. Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam ngày càng có nhiều đơn hàng lớn nhưng không biết làm thế nào để có người làm. Để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là buộc phải đưa cơ hội việc làm ra nước ngoài.

FPT là một ví dụ cho câu chuyện thiếu nguồn nhân lực CNTT. Vì không có đủ nhân lực để đáp ứng việc mở rộng quy mô nên chúng tôi đã phải ra nước ngoài để tuyển dụng. Gần đây, FPT đã mở nhiều trung tâm, văn phòng tại nước ngoài, tuyển dụng hàng nghìn lao động từ Myanmar, Slovakia, Philippines... Thực ra thị trường Việt Nam quá thiếu lao động nên doanh nghiệp phải ra nước ngoài để tìm nguồn đáp ứng nhu cầu công việc. Tôi cảm thấy rất tiếc vì đây có thể là cơ hội đổi đời cho bao nhiêu thanh niên Việt Nam. Nếu không có hướng giải quyết cho hiện trạng thiếu hụt nhân lực thì rất nhiều cơ hội việc làm sẽ không đến với Việt Nam mà đến với các dân tộc khác trên thế giới.

Theo VnExpress

Ý kiến

()