Chúng ta

Giấc mơ doanh số của thầy giáo sử

Thứ ba, 26/1/2016 | 09:46 GMT+7

Đứng lớp được hai tháng, Lê Văn Linh (Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 11, FPT Telecom) quyết định ngừng giấc mơ “sử gia” để đến với con đường đầy chông gai mang tên kinh doanh. Hơn hai năm rồi, những giấc mơ doanh số vẫn không ngừng cuốn lấy anh. 

Mùa thu năm 2013, trên chuyến xe từ Huế vào Sài Gòn, chàng “giáo viên hụt” không ngừng tưởng tượng về vùng đất mà anh đã từng một lần đặt chân đến. Suốt gần 20 giờ đồng hồ trên chặng đường ấy là những mơ màng và ấp ủ cho những giấc mơ mà ngay thời điểm đó anh có thể định hình rõ ràng hơn bao giờ hết: giấc mơ doanh số.

Trong mớ hành trang lộn xộn của đồ đạc và suy nghĩ, những quyển sách sử học vẫn len lõi hiện diện như một thứ hiển nhiên. Không cần xốc lên, nó an yên ở một vị trí mà người ta vẫn thường gọi là bản năng. Bản năng của một người sinh ra để yêu sử. Với Linh, còn một bản năng khác thành hình dần theo thời gian. Đó là bản năng kinh doanh.

linh-7796-1453190652.jpg

"Thầy giáo hụt" Lê Văn Linh vào Sài Gòn vẽ giấc mơ doanh số được hơn 2 năm. ẢnhNVCC

Những ngày ngồi trên ghế nhà trường, anh nhanh chóng bị cuốn vào guồng quay của những sự kiện và con người thuộc về lịch sử. Những tiết học mang ma lực mãnh liệt của người thầy giáo sử thôi thúc cậu học trò làm điều tương tự, thậm chí là kiệt xuất hơn. Rồi thi vào ĐH Sư phạm Huế để hiện thực hóa mọi hình dung.

Cuộc đời không như là mơ. Ngày tháng ngồi trên giảng đường sư phạm đã có một sự thay đổi nào đó diễn ra trong Linh. Anh vẫn yêu sử, vẫn say mê với mỗi giờ lên lớp, vẫn đêm đêm đắm mình bên những chồng sách. Nhưng khát vọng của ngày trung học đã không còn dễ dàng chạm vào nữa.

Hai tháng chính thức đứng lớp mang đến cho thầy giáo thực tập nhiều suy nghĩ. Ý nghĩa của con đường học thuật và cách thức truyền đạt vẫn vẹn nguyên. Song cuối cùng cái gì đến cũng phải đến sau bao ngày chông chênh. Linh quyết định khép lại cánh cửa đang hé mở và tự ngoặt cho mình một hướng đi mới, ở một nơi chốn phồn hoa mà một người 22 tuổi khao khát.

Một ngày Sài Gòn mưa như trút nước, mọi kế hoạch vạch ra ngay lập tức phá sản. Không sao. Với salesman, luôn có kế hoạch B, thậm chí là C. Nếu không thể đi dán tờ rơi thì chăm sóc khách hàng. Nếu không thể làm thị trường thì chuyển sang online. Cuộc sống của một người gắn mác salesman không bao giờ có thứ gọi là “không có việc gì để làm”. Mặc cho những hạt mưa vỗ mạnh vào mặt, Linh khoác chiếc áo mưa và ung dung trên những cung đường quen thuộc. Cũng đã hơn hai năm anh gắn bó với công việc nhân viên kinh doanh ở FPT Telecom.

linh-2-2444-1453190653.jpg

Linh cùng các đồng đội tại Hội thao 13/9 năm 2015. Ảnh: NVCC

Sài Gòn với chàng trai đến từ Huế là mọi kỷ niệm cùng vị trí salesman ở Viễn thông nhà họ F. Linh đã quen với việc ngồi hàng giờ chờ khách giải quyết chuyện riêng. Linh cũng “đực mặt” với những nắng mưa bụi đường đã trở thành thứ “không có thấy thiếu”. Sài Gòn của hôm nay không khác mấy so với những mơ màng của cậu trai trẻ xứ Huế ngày đó. Sài Gòn vẫn đầy ắp những giấc mơ.

Và vì những giấc mơ mà nói trắng ra là những mục tiêu định hình sẵn trong đầu mà Linh có thể vượt qua được mọi khó khăn và áp lực trong công việc. Anh bảo làm salesman không đồng nghĩa suốt ngày lê la ngoài đường, cũng phải thường xuyên vào văn phòng để gặp gỡ đồng nghiệp và nắm bắt tình hình. “Phải luôn có kế hoạch cụ thể, nếu không sẽ rất dễ làm việc vu vơ và không hiệu quả”, anh tiết lộ.

Mỗi ngày trong tuần của chàng salesman không hề giống nhau. Có thể là một mình “lăn lộn” khắp các ngõ ngách. Có thể là một ngày “chiến” cùng các đồng đội và hướng dẫn “lính mới”. Tùy thuộc vào kế hoạch. Chỉ có thể khẳng định một điều rằng Linh không hề có một ngày nghỉ. Thời điểm mà người ta rảnh rỗi ngơi nghỉ vào cuối tuần cũng là lúc anh “va” đến những cuộc chiến “thị trường” mạnh mẽ nhất. “Đây là lúc mọi thành viên trong gia đình đều có ở nhà, dễ dàng đưa ra các quyết định với những sản phẩm mình mang đến”, anh giải thích.

Ngày qua ngày thế, Linh không có lấy một chút thời gian ít ỏi sống cho những tình cảm riêng tư. Thời gian đâu mà hẹn hò khi mọi khoảng trống đều lấp đầy bằng những giờ học văn bằng hai tại Đại học Luật, bằng những buổi chong đèn đọc sử và nay đầy đặn thêm sách kinh doanh. Nhưng có hề gì. Một trái tim không hề cảm thấy cô đơn vì nỗi say mê với công việc đã choáng hết rồi.

linh-9793-1453190653.jpg

Salesman ký hợp đồng với khách hàng. Đằng sau những bản hợp đồng trên giấy không chỉ là những con số óng ánh mà đôi khi phải đánh đổi bằng hàng giờ đợi chờ khách giải quyết những chuyện riêng tư. Ảnh: Yến Nhi

Có quá phí phạm khi bỏ 4 năm học sử rồi thoáng chốc chuyển sang kinh doanh? Giá trị là đằng khác. Mọi kiến thức đều được Linh nhuần nhuyễn hóa vào công việc. Ví như anh đã áp dụng chiến thuật “lấy nông thôn bao vây thành thị” trong đánh nhau ngày xưa khi khởi đầu công việc. “Lúc đầu tôi đánh vào vùng ven trước, dù ít giá trị hơn nhưng chính nó là tiền đề để tôi có tiền đầu tư bán hàng cho các khu vực trung tâm và làm thêm nhiều kênh online”, salesman phân tích.

Với “nắm thắt lưng địch mà đánh”, Linh đưa một số khu vực vào trọng tâm của mình và sâu sát. “Phải có địa bàn cho mình và hiểu tất cả vấn đề của khu vực đó mới cho kết quả cao được”, anh giải thích. Cũng từ kiến thức lịch sử, anh có thể phân tích được tâm lý và nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra những phương thức tiếp cận và chăm sóc phù hợp. Chẳng hạn với người Hoa thì họ rất hạn chế tiếp xúc nên không nên quá sỗ sàng.

“Lịch sử giúp tôi có cái nhìn toàn diện, quan sát sự việc ở mọi góc độ, rút ra nhiều bài học cho bản thân”, anh bày tỏ. Liệu một lúc nào đó mệt mỏi Linh sẽ quay về với “xuất phát điểm”? Anh bảo ý nghĩ ấy chưa bao giờ xuất hiện dù chỉ là một tích tắc trong đầu kể từ ngày chính thức vào Sài Gòn lập nghiệp. “Khi làm bất cứ điều gì tôi cũng làm cho tới, không bao giờ bỏ dở giữa chừng. Nếu đang làm việc này mà bạn nghĩ đến việc khác thì sẽ không bao giờ chạm đến đỉnh cao được”.

>> Quản lý 9x không ngại 'sắm' nhiều vai

Yến Nhi

Ý kiến

()