au một năm vào FPT với vị trí BrSE, Nguyễn Đức Kính có được chiếc xe hơi đầu tiên mang thương hiệu Honda. Ở tuổi 33, giai đoạn nhiệt huyết nhất của đời người, anh tiếp tục nối dài giấc mơ bằng việc sở hữu những dòng xe danh tiếng của Đức.

Tìm hiểu về ô tô và nhận ra xu thế của thời đại, tháng 3/2015, anh Kính mạnh dạn đề xuất với Ban lãnh đạo FPT Software cho lập một đơn vị phần mềm chiến lược chuyên về Automotive. Đầu năm 2016, FGA (FPT Global Automotive) được ra đời. Nhờ tài quản lý và điều hành của anh, ngoài mức tăng trưởng ấn tượng, dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng FGA đã trở thành domain duy nhất của FPT Software đến nay có tính cạnh tranh tầm quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Phần mềm có đơn vị chuyên về domain thực sự với khoảng 20% nhân viên là những chuyên gia về ngành Automotive.

Á hậu 1 FPT 2016 là người ghi dấu ấn cá nhân trong tất cả hoạt động từ bán hàng, khai phá thị trường mới (Hàn Quốc, Trung Quốc), đầu tư, kết nối công nghệ đến truyền cảm hứng, phát hiện, đào tạo nhân tài của FPT Software nói chung và FPT Japan nói riêng. Hiện Nguyễn Đức Kính giữ vị trí Giám đốc FPT Global Automotive (FGA) kiêm Phó Giám đốc FPT Japan.

Từ một chàng sinh viên yêu thích xế hộp đến vị trí Giám đốc đơn vị làm về ô tô, đâu là bước ngoặt lớn nhất của anh trong quyết định này?

Tôi du học tại Nhật Bản từ năm 1998. Sau khi tốt nghiệp, tôi có 6 năm làm việc tại công ty bản địa. Năm 2004, tôi từ chối lời đề nghị của FPT Software để làm công việc mình yêu thích là thiết kế vi mạch. Đến năm 2010, tôi muốn làm việc cho công ty Việt Nam. Đúng lúc đó, anh Nguyễn Hữu Long, hiện là Phó Giám đốc FPT Japan, đã liên lạc mời tôi vào khai thác khách hàng điện tử lớn của Nhật. Tôi đồng ý và gia nhập FPT Japan vào tháng 4/2010.

Có thể nói, đây là bước ngoặt lớn trong đời, bởi trước tôi chưa từng làm việc với người Việt Nam, và không hề nghĩ rằng một ngày nào đó tôi lại có thể “ba hoa” về công nghệ với đủ các bộ não xuất chúng nhất Nhật Bản, thậm chí thế giới... Tôi nghĩ môi trường sẽ thay đổi con người. Chúng ta nói chung không hơn gì nhau về mặt nhân chủng học, chỉ là môi trường tạo ra sự khác biệt.

Công việc cụ thể của anh tại đơn vị là gì?

Quản lý và điều hành hoạt động FPT Global Automotive, công việc của tôi là tạo và duy trì quan hệ cấp cao với khách hàng mới; chốt các dự án; là điểm “escalation” cuối cùng với khách hàng trước khi lên tới Giám đốc FPT Japan và TGĐ FPT Software.

Đam mê ô tô đến mức ám ảnh, sở thích đó đã dẫn lối cho anh như thế nào trong công việc?

Tôi là người thực dụng, thường kết hợp đam mê cá nhân về ô tô với xu hướng thị trường để phát triển kinh doanh cho công ty. Mỗi lần lái xe là một lần tôi cảm nhận trọn vẹn sự phát triển của công nghệ cũng như đam mê của người thợ sản xuất. Đi trên những cung đường không giới hạn tốc độ, tôi mới hiểu tại sao người Đức có thể tạo ra được những dòng xe tốt nhất thế giới. Bấy giờ, tôi cũng nhận ra, làm Automotive không phải chỉ có Nhật, mà phải là toàn cầu. Automotive là thị trường phát triển tốt nhất hiện nay trên thế giới. FPT Software bao năm nay làm rộng mà chưa sâu, năng suất lao động không tăng mấy sau nhiều năm làm việc. Tôi đinh ninh rằng phải đi theo domain thì mới giải quyết được bài toán này.

Bởi vậy, tôi đã mạnh dạn xin Ban lãnh đạo công ty cho lập một đơn vị phần mềm chiến lược chuyên về Automotive vào tháng 3/2015. Tôi chính thức bảo vệ với FPT Software tại San Francisco (Mỹ) 4 tháng sau đó, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nghiên cứu thị trường, đặt ra các vấn đề hiện tại, và kỳ vọng về hướng kinh doanh bằng kế hoạch 5 năm.

Tôi đặt tên đơn vị là FGA, viết tắt của FPT Global Automotive, với mong muốn một ngày không xa, FPT sẽ có mặt trên bản đồ công nghệ thế giới bằng giải pháp trọn gói bao gồm không chỉ phần mềm (software) mà cả phần cứng (hardware).

Thử thách mình ở nhiều môi trường làm việc khác nhau, ở FPT, anh thấy sao?

Ở đây, tôi được tự do sáng tạo, triển khai các hướng kinh doanh về ngành Automotive nói riêng và ngành sản xuất nói chung, bao gồm từ robot công nghiệp tới máy móc xây dựng… Công việc hiện tại giúp tôi leo lên các tầng tháp Maslow (tháp nhu cầu) theo cách dễ hơn nhiều so với các công ty khác.

Trong tập thể gần 30.000 người, anh thấy điều gì khiến bản thân nổi trội?

Tôi xử lý công việc qua e-mail với cường độ gần bằng Elon Musk (nhà phát minh, doanh nhân, tỷ phú người Nam Phi. Ông được biết đến nhiều nhất vì đã sáng lập SpaceX, đồng lập Tesla Motors và PayPal). Mail của tôi cụt lủn, chỉ “Yes”, “No”, “Ok”... Tôi gửi mail bất kể giờ giấc. Cũng may tôi có trí nhớ tốt nên có thể đưa ra các quyết định, chỉ dẫn rất nhanh mà không tốn thời gian tổng hợp, truy tìm dữ liệu phân tích. Tôi nghĩ rằng, sự “nhanh” trong công việc là yếu tố quyết định khi làm việc tại FPT.

Thực tế, khi quản lý 10 nhân viên hay 1.000 nhân viên cũng chẳng có gì khác biệt. Cơ bản, bạn chỉ làm trực tiếp khoảng 5 tới 10 người. Tuy nhiên, khi phụ trách một tập thể lớn, bản thân tôi cũng phải thận trọng hơn trong các quyết định và ứng xử, vì chúng có tác động diện rộng.


Mọi người thường có những lựa chọn riêng để ưu tiên công việc hay gia đình trong từng thời điểm. Còn với anh, việc cân bằng cả hai đều không phải vấn đề. Anh có chia sẻ gì?

Bản chất con người là làm việc. Đơn giản là tôi yêu gia đình và yêu công việc. Hai thứ đó cộng hưởng giúp tôi làm việc không thấy mệt. Và thực sự tôi không nghĩ mình đang làm việc, mà chỉ nghĩ mình đang “sống”.

Tuy nhiên, khi gặp căng thẳng, tôi thường lên mạng… chửi đổng. Tôi không phải kiểu người bình tĩnh, lại được thừa hưởng tính của bố là rất nóng tính. Tôi đang cố gắng không thể hiện sự nóng giận ra ngoài, đặc biệt là trước mặt các con mình.

Giờ hãy thử tưởng tượng nếu anh không làm ở FPT Software?

Tôi chắc còn ở FPT dài dài, làm những điều tôi nghĩ là có ích cho công ty và cho rất nhiều bạn trẻ xuất thân nông dân như tôi, giúp họ có điều kiện đổi đời thông qua công việc với các khách hàng và kỹ sư hàng đầu thế giới. Nhưng nếu không làm cho FPT, chắc tôi sẽ mở công ty riêng, cạnh tranh với FPT, cũng về lĩnh vực IT, Automotive.

Giả định chỉ có một ngày để sống, anh sẽ làm gì?

Tôi sẽ thức dậy cùng con trai ra sân thượng tập thể dục, ngắm phố phường 15 phút. Ăn sáng với cả nhà 20 phút. Gọi điện hỏi thăm những người bạn thân mà ít gặp trên Facebook. Xem một bộ phim hài. Gửi tiền cho bố mẹ ở quê sửa lại nhà. Mua ít thuốc bổ bên Nhật tặng những người lớn thân thiết với gia đình mình. Lướt Facebook để like và comment status của bạn bè khoảng một giờ đồng hồ. Bàn giao các tài khoản online/offline cho vợ. Ăn trưa với 2-3 người bạn thân. Dẫn con ra công viên chơi một giờ. Rửa xe thật bóng rồi lái đi vòng vòng những con đường yêu thích trước khi rẽ vào địa điểm mình vẫn thường lui tới…

Công việc đặc thù cho anh những am hiểu về xe hơi. Để chọn một chiếc cho riêng mình, anh thường chú ý tới những yếu tố nào?

Thực ra thì công việc liên quan tới ô tô và việc mua ô tô không liên quan lắm. Tuy nhiên, khi mua xe, tôi thường chú ý tới thương hiệu, dáng vẻ bên ngoài xe, sự tiện dụng về mặt công nghệ trong xe như: Kết nối Bluetooth/CarPlay với điện thoại, sự dễ dàng trong các thao tác với hệ thống điều hướng (navigation); và đương nhiên là tốc độ. Chạy xe trên Autobahn (đường cao tốc không hạn chế tốc độ ở Đức, có thể chạy xe với tốc độ lên tới 300 km/h) mà xe không lên được 250 km/h thì không gọi là xe...



Ước mơ hiện tại của anh là gì?

Tôi thích lái xe dù lái không giỏi. Người Việt Nam thường quan niệm “an cư lạc nghiệp”, ai cũng lo mua đất mua nhà. Tôi lại thích tự do, thích di chuyển. Có tiền là tôi tìm cách mua ô tô. Đi công tác ở đâu tôi cũng thuê ô tô để di chuyển. Tôi thích cảm giác lái xe trên các cung đường Autobahn mượt như nhung và không giới hạn tốc độ bên Đức, những cánh đồng hay làng quê châu Âu đẹp như tranh hai bên đường từ Prague (CH Czech) tới Vienna (Áo), hay những đoạn thẳng tắp kéo dài hàng trăm dặm từ Los Angeles tới Las Vegas (Mỹ)...

Hồi 20 tuổi, tôi từng mơ sẽ có một ngày được lái chiếc Mercedes E-Class. Nhưng giờ tôi muốn mua thêm 2 chiếc khác vào bộ sưu tập là Maserati (dòng xe thể thao cao cấp) của Italy và S-Class của Mercedes-Benz (Đức).

Anh từng than phiền rằng rất đau đầu vì mỡ bụng. Anh định giải quyết ra sao?

À, tôi sẽ lái xe đi làm. Và lấy đó là lý do để không phải uống rượu bia.

Tác giả: Thanh Nga - Thành Hưng
Thiết kế: An Nhiên
Ảnh/Video: Quang Vinh - Thanh Tùng