Chúng ta

‘Tôi là người đàn bà của chợ’

Thứ tư, 30/10/2013 | 09:53 GMT+7

Là Tiến sĩ giáo dục học, Phó trưởng khoa Sư phạm kỹ thuật trường Đại học Sài Gòn nhưng chị lại được biết đến nhiều hơn qua hình ảnh “người đàn bà nấu ăn” quen thuộc của chương trình Khéo tay hay làm và Món ngon mỗi ngày của HTV7 và HN1 suốt nhiều năm qua.
> FLI Club tháng 10 bàn về ẩm thực và quản lý

Chiều ngày 30/10, FLI Club HCM sẽ mang đến chủ đề "Ẩm thực - Nghệ thuật của những giác quan" với chuyên gia ẩm thực Diệu Thảo tại tòa nhà FPT Tân Thuận, TP HCM. 

Chúng ta giới thiệu một vài chia sẻ của chuyên gia ẩm thực nổi tiếng để người FPT cùng tham khảo:

d

"Trong một số gia đình, nhất là những gia đình trẻ có thu nhập cao, các bạn sống trong những căn hộ cao cấp, cái bếp hoành tráng nhưng… rất sạch". Ảnh hội họa: Hoàng Tường.

- Điều gì đã giúp “cô Diệu Thảo” thành công trong lĩnh vực ẩm thực?

- Thời tuổi trẻ, tôi không nghĩ mình sẽ theo nghề ẩm thực, chỉ coi đó là công việc gia đình, là nghề tay trái. Nhưng khi bước chân vào dạy học, tôi mới hiểu để dạy nghề bếp, phải phát triển thêm nhiều kỹ năng khác. Đọc sách, nghiên cứu ẩm thực, nghiên cứu các trào lưu phát triển của văn hoá, xã hội, làm việc với các nhà hàng… Quản lý bếp là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và am hiểu nhiều nền văn hoá, phải biết ngoại ngữ để nói chuyươi ngon, cảm nhận được xu hướng ẩm thực mới… từ đó tôi thích dần nghề bếp. Nếu không có những thử thách liên tục như thế, chắc là tôi sẽ chán ngay.

- Là chuyên gia tư vấn cho nhà hàng Bún Ta, Phở Ta, We… làm thế nào để chị có thể “nâng cấp” những món ăn truyền thống, mang đến cho nó một vẻ đẹp khác?

- May mắn chủ đầu tư là những người yêu ẩm thực, đòi hỏi cao về món ăn không chỉ về khẩu vị mà cả trình bày, cao đến mức… phi thực tế, mình phải là người dung hòa, thay đổi cách làm, thay đổi khẩu vị liên tục, nếu không thay đổi không thể lôi kéo được thực khách, nhất là giới trẻ. Để mang lại hương vị ngon, đẹp, lành và hiện đại cho những món ăn truyền thống, phải luôn có cái mới. Có thể thay đổi một vài nguyên liệu, cách ăn khác đi, trang trí khác đi… nhưng không làm xáo trộn bản chất món ăn, không biến nó thành hoàn toàn khác biệt. Tôi luôn nói với các đầu bếp trẻ rằng phải thật giỏi, thật vững món truyền thống, mới có thể cách tân, sáng tạo.

- Người ta cho rằng khi người đầu bếp nấu ăn bằng tất cả tình yêu thương, món ăn sẽ ngon hơn, chị có nghĩ như vậy không?

- Tôi tin khi mình để hết tình cảm, sự yêu thích vào món ăn, nấu như cho những người thân yêu nhất, với tất cả sự kỹ lưỡng, nghiêm túc, chăm chút thực sự, thì chắc chắn khách sẽ cảm thấy ngon hơn. Còn khi làm cho rồi, làm đại, thì không thể ngon được. Điều đó rất khoa học. Tôi có một cảm hứng đặc biệt với các món ăn truyền thống, cảm hứng ấy xuất phát từ những buổi đi chợ quê cùng mẹ ngày xưa. Rau trái và thực phẩm quê nhà phong phú lắm, thơm tho lắm, kỳ diệu và bí ẩn lắm, khám phá hoài không hết. Ngắm nhìn những bông so đũa non tơ, những rổ hến nhỏ tươi ngon là mình đã hình dung ra nồi canh chua thơm phức. Tôi là người đàn bà của chợ.

- Lớn lên trong một gia đình gia giáo, cách giáo dục của cha mẹ đã ảnh hưởng đến chị như thế nào?

- Mẹ tôi xuất thân từ gia đình Nho giáo, ba tôi là cháu của phó bảng Nguyễn Đình Hiến, người có tiếng trong lịch sử triều Nguyễn là một ông quan thanh liêm, bất cần danh vọng, luôn sống đúng với đạo quân tử. Ba tôi là hiện thân của lối giáo dục phong kiến, rèn giũa các con rất chặt chẽ từng cử chỉ, khuôn phép đâu đó rõ ràng.

d

Những vấn đề xung quanh ẩm thực và quản lý sẽ được tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo chia sẻ trong chương trình FLI Club diễn ra lúc 16h30 ngày 30/10 tại Phòng Đào tạo 2, tòa nhà FPT Tân Thuận, TP HCM. Người FPT có thể đăng ký tham gia tại đây.

- Tôi nhớ nhất là những bữa cơm gia đình, mỗi bữa là một bài giảng khác nhau của ba, nên bữa cơm nào cũng khá nặng nề, đứa nào cũng sẵn sàng để chờ ba la mắng một điều gì đó: bát cơm xới đầy quá, muỗng múc canh để ngửa... Trong giờ ngủ trưa, tờ báo lật mạnh gây tiếng động sột soạt làm ảnh hưởng đến người khác cũng bị ba đánh đòn. Lớn lên một chút vào học trường dòng, các bà sơ cũng dạy dỗ rất kỹ càng, đi đứng phải thật thẳng, chỉ đi một đường, không ngó ngang ngó dọc…

Có lẽ vì thế mà tôi thường bị bạn bè chọc là “nữ thánh” bởi hiền lành, nghiêm trang một cách bất thường. Khi bước ra khỏi trường dòng, vào đại học, tôi thay đổi hẳn. Tham gia sinh hoạt ngoài trời nhiều hơn, bắt đầu tiếp cận với xã hội, con người ham vui, ham hoạt động trong tôi trỗi dậy. Tôi dường như chuyển từ thái cực này sang thái cực khác.

Đừng quá áp đặt gánh nặng cho người phụ nữ khiến họ đánh mất cả nụ cười. Một bữa cơm thịnh soạn mà gương mặt vợ cau có thì không khí gia đình sẽ mệt mỏi biết chừng nào.

- Từ những trải nghiệm của riêng mình, chị nhận ra điều gì cần giữ và điều gì phải thay đổi khi giáo dục con gái mình?

- Ngày xưa mẹ dạy con gái mở miệng phải uốn lưỡi bảy lần, tết nhất phải ở nhà lo chuyện bánh mứt, công việc nhà phân công đều cho bảy chị em, đứa đi chợ, đứa nấu cơm, đứa rửa chén, quét nhà… Bây giờ thì làm sao phân công được, không phải vì lý do chỉ có hai đứa con, mà có lẽ do chuyện gì mình cũng choàng gánh, để con tập trung học hành. Mỗi lần đi công tác xa về thấy cửa nhà bừa bộn, quần áo vứt lung tung, mới thấm thía mình dạy con không bằng ba mẹ dạy mình ngày xưa.

- Vậy là cách giáo dục con của các bà mẹ trẻ hiện nay có vấn đề?

- Tôi không phải là người mẹ quá nuông chiều con. Lỗi lớn nhất là mình cứ ôm đồm hết, không tập cho con làm việc nhà như nề nếp thường nhật. Tôi thấy nhiều bà mẹ lo lắng thái quá, ấp con quá kỹ, không cho con sinh hoạt cộng đồng, hạn chế đi chơi với bạn bè, cách ly con hoàn toàn khỏi xã hội, vì nghĩ xã hội bây giờ quá nhiều cạm bẫy. Quan điểm của mình là bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, phải tập cho con thích nghi với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, để lỡ có chuyện gì, con sẽ không bị rơi từ thái cực này sang thái cực khác.

Tôi không tạo điều kiện tối ưu cho con về vật chất, chiếc xe đi cũng bình thường, chỗ ngủ chỉ cần sạch sẽ, ấm cúng, không cần đắt tiền, sang trọng. Tập cho con cách dùng những món tiền nhỏ, và tham gia những sinh hoạt để con hoà nhập cộng đồng. Cho cháu theo lớp hướng đạo sinh để rèn luyện kỹ năng cơ bản sống trong thiên nhiên, tự tính tiền khi mua những món đồ cho mình, tôi chỉ đứng xa quan sát. Rõ ràng ban đầu cháu lúng túng, thua thiệt một chút, nhưng tôi chấp nhận, để con tập quen xử lý những tình huống không có mình bên cạnh. Nhưng mình muốn là một chuyện, còn con mình tiếp thu tới đâu lại là chuyện khác.

Hai đứa con gái tôi lớn lên trong môi trường sống giống nhau, nhưng tính cách hoàn toàn trái ngược. Cô con gái lớn bẩm sinh dạn dĩ hơn cô nhỏ, dễ dàng thích nghi với các hoạt động xã hội, nhờ thế khi đi du học ở Mỹ, cháu hòa nhập rất nhanh, làm trưởng nhóm sinh viên Việt Nam của trường, hoạt động tích cực giúp sinh viên Việt Nam. Ngược lại, đứa nhỏ hướng nội hơn, không thích đám đông, không xông xáo như cô chị. Ban đầu tôi rất buồn, nhưng sau đó tôi hiểu cháu thiên về khuynh hướng nghệ thuật… Từ đó tôi không thúc ép con mà để cháu phát triển tự nhiên. Không thể bao bọc mãi, phải để con trải nghiệm, bươn chải ngoài đời để tập dần sự tự lập.

- Là người phụ nữ của gia đình, chị nghĩ gì về cái bếp?

- Cái bếp gần gũi lắm với mình, phần lớn thời gian ở nhà của mình là trong bếp, loay hoay nấu nướng, dọn dẹp. Khi làm nhà, cái đầu tiên mình nghĩ đến là cái bếp. Bạn bè tới chơi ai cũng nói nhà mình đẹp nhất là cái bếp. Cái bếp gắn bó với người phụ nữ từ xưa tới giờ, là linh hồn của ngôi nhà.

- Chị nghĩ gì khi cái bếp trong mỗi nhà ngày càng đẹp hơn, nhưng cũng ngày càng lạnh đi?

- Trong một số gia đình, nhất là những gia đình trẻ có thu nhập cao, các bạn sống trong những căn hộ cao cấp, cái bếp hoành tráng nhưng… rất sạch. Do ít nấu nướng, hoặc chỉ nấu những món đơn giản như mì gói, cơm điện. Tôi không phê phán, mà hoàn toàn cảm thông với họ. Ngày xưa, tôi chọn nghề dạy học cũng chỉ vì muốn có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng nhịp sống bây giờ khác rồi, công việc mở rộng hơn, có những lúc tôi đi ra khỏi nhà từ rất sớm, về nhà đã chín, mười giờ tối.

Tiếp xúc với những phụ nữ trẻ làm việc trong các công ty nước ngoài, tôi hiểu cường độ làm việc như thế khiến họ không còn thời gian nghĩ về gia đình. Khi về đến nhà là gần như hết năng lượng, không đủ sức làm một món ăn ngon, chỉ kịp ăn qua loa, nghe một bản nhạc nào đó đã ngủ vùi.

- Phải chăng sự tan vỡ gia đình ngày càng nhiều bắt đầu từ cái bếp lạnh?

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cái bếp, tổ chức cuộc sống gia đình hiện đại cần phải có cách nghĩ khác đi, không thể dồn hết lên vai người phụ nữ. Trong các môn tôi dạy, có môn quản trị gia đình. Quan niệm của người Việt Nam từ xưa tới giờ coi công việc gia đình và bữa cơm gia đình là trách nhiệm người phụ nữ. Nếu không có cơm nóng canh ngọt là người phụ nữ bị phàn nàn, người đàn ông không bao giờ cảm thấy đó cũng là lỗi của mình.

Khi đi du học, tôi từng sống với một gia đình trẻ người Đức, cả hai đều là sinh viên. Khi cô vợ có bầu phải bỏ học sinh con, anh chồng vừa đi làm vừa học đại học, vừa đi chợ, phụ vợ chăm con nhưng chưa bao giờ phàn nàn. Ngày thường bữa ăn của họ rất đơn giản, không nấu nướng gì nhiều. Cuối tuần, anh chồng nấu cho cả nhà một món ăn ngon.

Tất cả là do phân công lao động hợp lý, do nhận thức về nhiệm vụ gia đình bình đẳng giữa vợ và chồng, coi công việc nặng nhọc là của đàn ông, không kể ngoài xã hội hay trong gia đình. Nếu như ngày cuối tuần, cả hai cùng ý thức bày ra nấu những món ăn ngon, chồng phụ bếp, vợ đi chợ… tôi nghĩ hạnh phúc gia đình sẽ chẳng hề sứt mẻ. Đừng quá áp đặt gánh nặng ấy cho người phụ nữ khiến họ đánh mất cả nụ cười. Một bữa cơm thịnh soạn mà gương mặt vợ cau có thì không khí gia đình sẽ mệt mỏi biết chừng nào.

- Với riêng chị, làm thế nào để có được sự cảm thông của chồng khi bước ra ngoài xã hội?

- Chồng tôi vốn là mẫu đàn ông gia trưởng. Một thời gian rất dài từ khi mới lấy nhau, mỗi lần anh đi làm về là nhà cửa cứ phải sạch bong, cơm nóng canh dẻo, một ly nước mát lúc nào cũng sẵn sàng.

d

"Nếu như ngày cuối tuần, cả hai cùng ý thức bày ra nấu những món ăn ngon, chồng phụ bếp, vợ đi chợ… tôi nghĩ hạnh phúc gia đình sẽ chẳng hề sứt mẻ".

Mướn người giúp việc một thời gian, sợ con hư không chịu làm việc nhà, tôi không thuê nữa. Rồi con đi du học, tôi vất vả hơn với nhiều công việc bên ngoài, nhiều khó khăn bắt đầu nảy sinh. Anh không bao giờ ăn lại thức ăn hôm trước, khi mình về trễ không kịp nấu, anh loay hoay đặt nồi cơm, thì lại sinh bất bình với vợ.

May mắn anh là người biết nghĩ, dù bực bội cau có không ăn cơm nhưng sau đó anh nhận ra, thay đổi dần, ý thức được công việc gia đình, cảm thông với vợ, chịu khó vào bếp nhiều hơn, nhưng… không cùng vào bếp vì rất dễ xảy ra xung đột, anh thích món này, em thích món khác (cười).

- Là thạc sĩ, rồi lấy bằng tiến sĩ, chị có ngại anh mặc cảm vì có một người vợ nổi tiếng, bằng cấp cao hơn mình?

- Tôi ý thức rõ về chuyện đó và cố gắng để không xảy ra. Cuộc sống vợ chồng có lúc thăng lúc trầm, anh có lúc thành công, tôi có lần thất bại, khó khăn hai vợ chồng chia sẻ nhau để vượt qua, không bao giờ tính toán thiệt hơn. Là gì chăng nữa thì mình vẫn là “ô-shin” trong nhà, mỗi lần anh đi làm về vẫn có đĩa trái cây cắt hết hột ướp lạnh đón chờ. Mình làm giáo dục, còn anh lại giỏi về kinh tế, nhiều khi thấy cái bằng tiến sĩ của mình chẳng có giá trị gì so với kiến thức kinh tế của anh. Nhưng quả thực lấy bằng tiến sĩ chông gai lắm, phải có sự động viên khích lệ của anh mới vượt qua được.

- Sau mỗi lần xung đột, rạn nứt, làm thế nào để chị có thể gây dựng lại không khí ấm áp, sẻ chia trong mái ấm của mình?

- Nói thì dễ, nhưng quả thật làm được rất khó. Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng êm ấm, những lúc như vậy chỉ có con cái là sợi dây hàn gắn mạnh nhất. Nhìn thấy con buồn là mình không chịu được, phải tự kìm chế để không ảnh hưởng đến cuộc sống của con. Làm được việc đó rồi tinh thần cũng nhẹ đi nhiều, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn… Trải qua một quãng đường rất dài sống với nhau và nuôi nấng con cái, tôi thấy mình nhiều khi thật có lỗi vì đã không dành đủ thời gian để lắng nghe khi con thực sự cần đến mình. Cháu đã giận dỗi mẹ một thời gian dài vì mẹ chỉ nghe qua loa những lời tâm sự của con, khoảng cách hai mẹ con ngày càng xa, với chồng cũng vậy, chỉ nói với nhau ngắn gọn cho xong…

Nhưng may mắn tôi là người rất nhạy cảm với những dấu hiệu của sự rạn nứt trong công việc, cuộc sống, gia đình, và kịp thời điều chỉnh. Mất hơn một năm mẹ con tôi không chia sẻ được với nhau. Tôi đã dành thời gian để nói chuyện với con nhiều hơn về tình yêu, về thời trang, về người bạn trai đầu tiên, về những điều sẽ xảy ra với một cô gái trẻ… Khi thấy con cần đến mình, lập tức phải bỏ hết công việc, giờ thì chúng tôi như hai người bạn tâm giao. Tôi thấy nhờ con mà mình dễ hoà nhập hơn với tuổi trẻ.

- Theo chị, bất hạnh nhất với một người mẹ là gì?

- Đánh mất sự đồng cảm giữa mẹ và con. Con mình vẫn đó, ngay bên cạnh mà mình không thể hiểu được con đang nghĩ gì, muốn gì. Không chia sẻ được với nhau về tâm hồn, tình cảm – đó là nỗi buồn lớn nhất của người mẹ.

- Vấn đề lớn nhất mà người vợ, người mẹ thời hiện đại thường vấp phải?

- Thiếu kiềm chế, coi cái tôi quá lớn, thích giành phần thắng về mình, đó là những lỗi lầm dễ làm đổ vỡ gia đình nhất. Là người mẹ hai mặt con rồi, nhưng đôi lúc tôi cũng có tư tưởng như thế, chính con lại là người dạy cho mình phải biết kiềm chế, biết bảo bọc gia đình nhiều hơn.

Những vấn đề xung quanh ẩm thực và quản lý sẽ được tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo chia sẻ trong chương trình FLI Club diễn ra lúc 16h30 ngày 30/10 tại Phòng Đào tạo 2, tòa nhà FPT Tân Thuận, TP HCM. Người FPT có thể đăng ký tham gia tại đây.

(Theo Sài Gòn Tiếp thị)

Ý kiến

()