Chúng ta

Thay đổi thói quen khi lên Hòa Lạc

Thứ năm, 17/5/2012 | 16:35 GMT+7

Khi Thanh Hương, Phòng Hành chính ĐH FPT, chạy tới trụ sở của trường ở tòa nhà Detech, xe chở cán bộ nhân viên lên Hòa Lạc đã chuyển bánh. Để đến được nơi làm việc, cô đành phải nhờ ông xã đưa đi.
> Nhịp sống trẻ trên Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Trường hợp bị bỏ lại như Hương không phải là hiếm, nhất là trong thời gian ĐH FPT bắt đầu chuyển lên Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, Hà Nội (từ ngày 5/5). Do khoảng cách di chuyển khá xa (khoảng 40 km), nên trường phải bố trí xe đưa đón cán bộ nhân viên.

Lúc đầu, Quang Trung, Phòng CNTT, “cũng hơi ngại” khi biết tin trường chuyển địa điểm làm việc lên Khu CNC Hòa Lạc. Mỗi ngày di chuyển 80 km cả đi lẫn về khiến anh khá mệt mỏi.

Vì thế, thói quen sinh hoạt của Trung cũng thay đổi từ ngày đó. Sáng anh phải dậy sớm hơn, ăn sáng rồi lao đến trường, nhanh chóng gửi xe để ra chỗ tập trung. “Không chủ động được thời gian là bị lỡ xe ngay”, anh cho biết.

Giáo viên

CBNV Đại học FPT đã dần thích nghi với việc di chuyển lên Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Lâm Thao.

Xe 45 chỗ khởi hành tại tòa nhà Detech đúng giờ, vào 7h40 và 13h. Muộn một phút cũng không chờ, nên cán bộ phải tập trung trước hoặc sát giờ xe chạy, nếu không muốn bị bỏ lại. Trong trường hợp đến muộn, cán bộ phải tự túc phương tiện di chuyển.

Trung bảo anh mất khoảng một tuần để làm quen với nhịp sinh hoạt này. Cách anh chống lại sự mệt mỏi là leo lên xe đánh một giấc, mở mắt ra đã thấy Hòa Lạc rồi. Bây giờ mọi thứ với anh cũng đã “hòm hòm”. Lý do để thích nghi nhanh, đơn giản chỉ vì yêu môi trường FPT nên không bị xáo trộn nhiều như mọi người.

Không giống như Trung, tâm trạng khi biết tin lên Hòa Lạc làm việc của Thu Nga, Phòng Quan hệ cộng đồng, như trẻ con được về nhà mới: Vừa lo lo không biết đến nhà mới chỗ làm việc có đẹp không, cơm ăn có ngon không, vừa háo hức nghĩ về viễn cảnh được đi dạo thoải mái ở cái nơi rất rộng và đẹp ấy.

“Đến ngày đầu tiên chính thức làm việc ở Hòa Lạc từ sáng đến chiều thì chẳng còn đâu mà lo với lắng nữa. Nhịp điệu hối hả đòi hỏi tận dụng hiệu quả từng giây một ở chỗ mới khiến tôi cùng các đồng nghiệp cứ “bay” đi với việc”, Nga nói.

Thu Nga (áo xanh) cho rằng:

Thu Nga (áo xanh) cho rằng: "Đây mới đúng là không khí mà những người làm việc ở một trường đại học cần". Ảnh: Lâm Thao.

Trong suy nghĩ của Nga thì “còn gì để lo nữa đâu”. Cơm ăn ở căng-tin nhà trường quá no so với dạ dày, dù hơi nhạt so với khẩu vị của cô. Chỗ ngồi thì tuyệt vời. Do không gian làm việc ở Hòa Lạc tận dụng tối đa công dụng của kính nên thay vì ở trong căn phòng phải mở cửa ra mới biết thế giới bên ngoài như thế nào, thì ở đây chỉ cần kéo rèm ra là thấy mình ngồi giữa cỏ cây hoa lá, phía trên là bầu trời còn xa xa là núi với mây trôi bảng lảng.

“Buổi chiều đầu tiên ra xe về nhà, tôi đã nghĩ rằng đây mới đúng là không khí mà những người làm việc ở một trường đại học cần. 17h30, khi thả bộ ra xe ôtô của trường đi về, có thể nhìn thấy các bạn sinh viên đang hò hét đá bóng ở sân cỏ xanh ngắt, đánh cầu lông với nhau, túm tụm lại đá cầu - chống đẩy, nắm tay nhau đi bộ hoặc đi dạo vòng quanh mấy cái hồ. Xa xa trên các ban công KTX là vài cậu sinh viên quần đùi xanh đỏ đứng vẫy vẫy tay í ới gọi nhau. Cái không khí này ở Detech chắc chắn là không có”, cô hào hứng chia sẻ.

Hạnh Hà, Phòng Công tác sinh viên, cũng cho rằng không khí tại chỗ làm mới rất trong lành. Thậm chí, một số cán bộ ĐH FPT còn nói: “Cứ như là đi vào khu resort ấy”.

Được sống trong bầu không khí trong mát, có xe đưa đón, trường chăm lo bữa ăn nhưng việc đi làm tại Hòa Lạc cũng gây một số bất tiện cho nhân viên ĐH FPT, nhất là với các chị em đã có gia đình.

Điều đầu tiên, theo anh Trung, là khó dành thời gian cho bạn bè vào buổi trưa vì khá xa trung tâm thành phố Hà Nội. “Có một buổi trưa hẹn cháo lòng với ông bạn ở Ban CNTT FPT nhưng phải hủy vì xe về muộn”, anh buồn rầu. Bên cạnh đó, anh cũng chưa hài lòng lắm với bữa trưa tại căng-tin trên Hòa Lạc.

“Chỉ có phàn nàn duy nhất là ở Hòa Lạc yêu cầu về độ tập trung cao ghê gớm vì hai lý do. Đầu tiên, nếu không chăm chú tập trung vào máy tính mà cứ thả hồn ra cửa sổ thì thể nào cũng bị ‘bắt’ mất hồn vào hồ nước, doi đất đỏ quanh trường, rặng cây xa xa hay đơn giản là cứ ngắm trời ngắm núi ngắm mây thôi. Lý do thứ hai là cứ đúng 17h30 chúng tôi được khua hết ra xe để đi về kẻo trễ giờ xe chạy. Vậy nên không còn cảnh ngồi mải miết ở văn phòng đến 18 hay 19h để cố làm xong việc”, Nga nói.

Dẫu vậy, không ai có thể phủ nhận việc thay đổi địa điểm làm việc này đã khiến mọi người nghiêm túc hơn về thời gian cũng như chất lượng công việc.

Tháng 8/2009, ĐH FPT là một trong hai trường đại học đầu tiên khởi công tại Hòa Lạc với tổng diện tích 30 ha.

Giai đoạn I của dự án đầu tư xây dựng trường được thực hiện từ năm 2009 đến 2012 trên diện tích 9,1 ha với khoảng 94.000 m2 sàn, phục vụ nhu cầu của 3.000 sinh viên.

Giai đoạn II sẽ bắt đầu từ năm 2012 đến 2015, thi công trên 213.000 m2 sàn, đáp ứng được 7.000 sinh viên.

Trong hai ngày 5-6/5, 579 sinh viên khóa 7 đăng ký ở KTX đã chuyển lên ĐH FPT tại khu CNC Hòa Lạc để học tập và sinh hoạt tại đây.

Lâm Thao 

Ý kiến

()