Chúng ta

Sếp FPT tiết lộ cách nhận ứng viên sau một câu hỏi

Thứ hai, 2/11/2015 | 00:21 GMT+7

Đoàn Nguyễn Minh Tuệ, Quản trị dự án cho một đối tác là tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới của FPT Software, khẳng định anh sẽ tuyển ứng viên nào đó chỉ sau một câu hỏi.

Là sinh viên khoá 1998 của khoa CNTT, trường ĐH KHTN TP HCM, nhưng anh Minh Tuệ ra trường trễ hạn hai năm. “Khoảng thời gian đó tôi đi chơi”, anh Tuệ tiết lộ trong sự kiện FPT CEO Talk tổ chức tại ĐH KHTN TP HCM sáng ngày 1/11 và cho biết mình thường có mặt tại một bar rất nổi tiếng thời đó trên đường Tôn Đức Thắng.

DSC-0205-JPG-5752-1446397168.jpg

Các diễn giả cùng thưởng thức các bài hát trước khi đăng đàn. Giảng đường 1 kín chỗ và nhiều sinh viên phải đứng theo dõi.

Tiếp xúc với chốn luôn tràn trong khói thuốc và mùi rượu bia, anh Tuệ kể từng gặp nhiều người dáng bảnh bao, ăn mặc trí thức nhưng ẩn sau đó là sự gian manh, xảo quyệt và ngược lại những người trông bên ngoài giang hồ nhưng lại nhân ái và sống tốt. “Giai đoạn này cho tôi nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Sau này khi qua Mỹ, tôi làm việc ở Texas - nơi thiên về lối sống theo tinh thần cao bồi - những điều này lại rất hợp”, diễn giả cười tươi.

“Ra trường trễ, tại sao anh có thể sang Mỹ làm và thành công như hôm nay?”, câu hỏi của sinh viên Hà Nguyễn Thái Học, khoa CNTT, đưa diễn giả về câu chuyện của hơn 10 năm trước - thời điểm khi anh Tuệ tốt nghiệp. “Bí quyết của tôi là biết "lót ổ". Tôi tốt nghiệp xuất sắc NIIT của Đại học Hoa Sencủa ĐH Hoa Sen. Sau đó, tôi được trường này giữ lại làm giảng viên”, anh kể.

Công việc đang xuôi chèo mát mái, qua một kênh thông tin, anh Tuệ biết được công ty con của hãng dầu khí Haliburton ở Singapore đang có nhu cầu tuyển lập trình viên nhưng mãi không được. Hồ sơ của ứng viên Singapore và nhiều nước khác đều không đạt. Đánh liều gửi CV, một tuần sau anh Tuệ được sếp của Haliburton ở Mỹ phản hồi qua email. Sau đó một ngày là cú điện thoại phỏng vấn từ trụ sở hãng dầu khí hàng đầu thế giới cách nửa vòng trái đất. Qua vòng đầu, anh Tuệ được mời sang Singapore để phỏng vấn trực tiếp. “Và ngày hôm sau tôi nhận được email mời nhận việc”, diễn giả chia sẻ.

Theo anh Tuệ, bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng đầu tiên là phải làm cho hồ sơ của mình sáng giá. Tuy nhiên, bài học lớn nhất anh học được và hiện áp dụng để tuyển lập trình viên cho đơn vị mà mình phụ trách là phản ứng cho câu hỏi: "How are you?". "Bạn phải có phản ứng trong giây đầu tiên. Nếu trả lời sau ba giây, cơ hội cho ứng viên sẽ rất thấp", Quản lý dự án của Haliburton tiết lộ.

Bất ngờ với quan điểm của diễn giả trẻ, anh Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc FPT Software HCM, trong vai trò MC của CEO Talk, thốt lên: "Nếu trả lời trong một giây thì cuộc đời sẽ nở hoa, còn sau ba giây cuộc sống sẽ bế tắc". Khán phòng của giảng đường 1 trường KHTN rộn ràng những tràng vỗ tay dài.

DSC-0240-JPG-2490-1446397169.jpg

Từ trái qua: Anh Vĩnh An, anh Duy Khang, chị Thu Hà và anh Minh Tuệ. Cả 4 diễn giả đều là cựu sinh viên CNTT trường Tự nhiên.

Sau đúng một năm, CEO Talk trở lại ĐH KHTN TP HCM. Với chủ đề “You Can Make It Too” (Bạn cũng có thể làm được như tôi), sự kiện thu hút 400 sinh viên tham dự. Khách mời của chương trình là 4 cựu sinh viên của trường. Đây là những người còn rất trẻ nhưng đã tích lũy được kinh nghiệm dày dạn trong các dự án cung cấp dịch vụ phần mềm với khách hàng toàn cầu và đang nắm giữ những vị trí quan trọng của FPT Software.

Với cách làm mới, FPT CEO Talk muốn hướng đến việc tạo động lực và khích lệ sinh viên hãy chấp nhận thử thách, nỗ lực theo đuổi đam mê để sớm đạt được thành công như những diễn giả tham gia sự kiện.

4 diễn giả gồm: Anh Ngô Duy Khang, Giám đốc thị trường Pháp, người đưa FSU1.BU36 tăng trưởng với con số kỷ lục 300%; Anh Đoàn Nguyễn Minh Tuệ, quản lý Offshore Development Center (ODC) cho khách hàng Mỹ; Chị Lê Thu Hà, Quản trị dự án cho đối tác Criteo - tập đoàn được mệnh danh là Google châu Âu; và Nguyễn Đình Vĩnh An, một trong những Quản trị dự án trẻ nhất tại FPT Software.

Vào trường muộn hơn anh Tuệ ba khoá, anh Ngô Duy Khang, Giám đốc thị trường Pháp của FPT Software, lại là một hình ảnh đối lập: Chăm chỉ học hành và tích cực tham gia công tác Đoàn - Hội. Là một trong những người tổ chức Thách thức - cuộc thi học thuật cho sinh viên khoa CNTT của trường.

"Hồi ấy công tác tổ chức chưa chuyên nghiệp như bây giờ nhưng đổi lại chúng tôi biết cách xây dựng kế hoạch, kêu gọi tài trợ, đàm phán với nhiều bên liên quan... Thu hoạch lớn nhất là tạo được những mối quan hệ tốt", anh Khang nhớ lại. "Sau này, khi làm quản lý, tôi đã sử dụng những kết nối đó hỗ trợ hiệu quả cho công việc".

DSC-0278-JPG-2470-1446397169.jpg

Anh Khang và chị Hà, hai quản lý đang làm với khách hàng châu Âu.

Ra trường đúng hạn, sau khi đi học ở Pháp một năm, anh Khang về làm cho một công ty của Pháp ở Việt Nam. Năm 2006, khi đang lãnh lương 700 USD/tháng, anh Khang đầu quân về FPT với thu nhập giảm một nửa.

"Thời điểm đó, ông Carlos Ghosn, CEO của Renault-Nissan, sang Việt Nam thăm công ty nơi tôi đang làm và FPT. Sau đó, vị CEO này quyết định chọn FPT là đối tác trong khi không chọn công ty của Pháp ở Việt Nam", Giám đốc thị trường Pháp của FPT Software kể với giọng hậm hực. "Tại sao FPT lại thắng công ty số một vào thời điểm đó?"

Sau vài lần nói chuyện với anh Lê Hà Đức, người phụ trách dự án của đối tác Pháp lúc ấy, anh Khang gia nhập FPT để tìm hiểu câu chuyện đằng sau dự án với Renault-Nissan. FPT cho anh cơ hội mở thị trường Pháp sau đó hai năm. 

"Vậy bằng cách nào để có thể trở thành quản lý?", Hồ Nguyên Nam, sinh viên Đại học Hoa Sen, đặt câu hỏi. Theo anh Khang, mỗi người đều có mục đích và con đường để hướng tới. Tuy nhiên, nếu là chuyên gia giỏi (xu hướng đang cần), lương không thua gì quản lý, thậm chí còn cao hơn. "Hiện tại, chuyên gia công nghệ của FPT Software đang có mức thu nhập cao nhất là 1,5 tỷ đồng/năm", Giám đốc FPT Software HCM thông tin thêm.

Trong khi đó, diễn giả Lê Thu Hà, Quản trị dự án cho đối tác Criteo, sinh viên khoá 1997, tự nhận là "sinh viên bình thường, ít tham gia hoạt động phong trào". Là phái nữ, chị Hà thuộc nhóm 10% sinh viên CNTT và thành quả lớn nhất mà trường KHTN mang lại chính là ông xã - mối tình thời sinh viên.

13 năm làm nghề phần mềm, “bí kíp” giúp chị vượt qua được những lúc chán nản chính là luôn nhìn vào những điều tích cực trong công việc và môi trường xung quanh. "Môi trường toàn nam lại rèn cho phái nữ như tôi sự bền bỉ, tính cầu tiến để theo kịp các đồng nghiệp cũng như phát huy lợi thế vốn có như sự mềm dẻo, linh hoạt trong thương thuyết", chị Hà nói về lợi thế khi dự án của chị bao năm qua chỉ có mình chị là nữ và tiết lộ mới được bổ sung một nữ đồng nghiệp từ chính trường cũ.

DSC-0297-JPG-4659-1446397169.jpg

Khán phòng liên tục vang lên những tràng vỗ tay dành cho các khách mời.

Phụ trách quản trị dự án cho đối tác châu Âu nên chị đã có 3 lần đi Đức và 4 lần sang Pháp. "Lần đầu tiên ra khỏi châu Á là đi Đức một mình để sắp xếp công việc. Ấn tượng nhất là đồng nghiệp châu Âu có tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao. Họ kỹ, yêu cầu cao nhưng lại luôn chủ động hỗ trợ đồng nghiệp nếu cần", chị Hà kể và cho biết trải qua kinh nghiệm 5 năm với khách hàng Việt Nam và 8 năm cùng khách hàng châu Âu, chị vẫn thích làm việc với Tây vì sự khác biệt.

"Nhớ nhất là lần tôi đi metro ở Pháp. Mua vé và quẹt xong, tôi vứt vào thùng rác vì nghĩ không cần nữa. Đến trạm cuối bị kiểm tra và nhà cầm quyền đòi phạt 50 Euro trong khi vé chỉ là 1,5 Euro. Xót quá, tôi bảo sẽ quay lại bến cũ để tìm vé. Họ đồng ý nhưng cảnh báo nếu tìm được phải lên cơ quan công quyền xử lý. Nếu tôi có lỗi, mức phạt sẽ là 120 Euro. Tôi đành chấp nhận nộp phạt', chị Hà kể và cho biết ra nước ngoài, việc tuân thủ quy định luôn phải ghi nhớ và là ưu tiên hàng đầu.

Với Nguyễn Đình Vĩnh An, một trong những Quản trị dự án trẻ nhất tại FPT Softwarecảm giác đầu tiên khi sang Nhật Bản là "cực kỳ áp lực vì họ vô cùng cầu toàn, năng suất làm việc cao hơn người Việt gấp 6 lần. Họ rời công ty rất muộn. Tuần đầu tôi còn cố ở lại làm thêm nhưng sau đó thì không chịu nổi". Nhưng ở khía cạnh khác, theo An, người Nhật có tính hợp tác rất cao. Họ sẵn sàng chỉ dạy, chia sẻ kinh nghiệm cho đối tác.

Trưởng thành từ chương trình kỹ sư cầu nối của FPT Software, đi onsite tại Nhật về và sớm đạt được những thành công, An cho biết thị trường Nhật đang rất thiếu các kỹ sư cầu nối có trình độ CNTT và có khả năng nói tiếng Nhật. Bí quyết của An là khi bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn, vượt qua sức mình, hãy cứ cố gắng học hỏi, tháo gỡ từ từ và không nản chí, kết quả mang lại sẽ nhiều hơn mong đợi.

"Tính cầu toàn của người Nhật thể hiện trong những việc rất nhỏ. Chẳng hạn khi xem năm lần bảy lượt file Excel, trước khi đóng file, bạn phải để chế độ zoom 80%, rê con chuột đến ô đầu tiên góc trái màn hình", anh An ví dụ.

DSC-0246-JPG-6877-1446397169.jpg

Đoàn Nguyễn Minh Tuệ, chàng Giám đốc từ môi trường toàn cầu trở lại FPT để đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới.

Trở lại câu chuyện của anh Tuệ. Sau khi làm ở Haliburton Mỹ 1 năm, anh tiếp tục chuyển về công tác ở công ty con tại Singapore hơn một năm rồi quay lại Việt Nam. "Lúc này tôi muốn về sống và làm việc tại quê nhà nhưng không hề có ý định gia nhập FPT', chàng Giám đốc độc thân nhớ lại. Dự định chơi nửa năm rồi mới đi làm tiếp nhưng anh đã bị FPT Software quyến rũ. "Sau khi được mời xuống thăm F-Town và trao đổi, tôi mới thấy FPT Software rất thú vị. Môi trường như ở Mỹ và tôi có thể phản bác lại sếp nếu khác quan điểm".

Về Việt Nam, lại làm đúng công việc cho đối tác là tập đoàn trước đây, anh Tuệ nhanh chóng hoà nhập vào môi trường mới. Trước khi quay lại trường cũ làm diễn giả, anh đã cùng các đồng đội ở FSU1.BU26 giành ngôi Vô địch PM Contest - cuộc thi chuyên môn dành cho các quản lý của Phần mềm FPT.

Chia sẻ với các thế hệ đàn em về kinh nghiệm để được ra nước ngoài làm việc, anh Tuệ nhắn nhủ sinh viên ngày nay cần linh hoạt, nhạy bén với những thay đổi của công nghệ. "Các bạn trẻ hãy cố gắng nắm bắt và dẫn đầu những xu hướng công nghệ mới dự kiến sẽ phát triển rất mạnh trong 5 năm tới là SMAC, IoT, đám mây... Các em không cần phải loay hoay suy nghĩ cứ phải là lãnh đạo, phải làm kinh doanh, quản lý… mới có nhiều tiền. Bạn chỉ cần là một kỹ sư CNTT giỏi, thu nhập của bạn thậm chí còn hơn".

Từng tham dự chương trình năm ngoái, Nguyễn Minh Tuân, sinh viên CNTT năm cuối, cho rằng cách làm CEO Talk năm nay gần gũi với nhu cầu của sinh viên hơn. "Ban đầu khi nghe giới thiệu các diễn giả mình cũng hơi bất ngờ vì không có CEO nào. Tuy nhiên, càng nghe càng thích bởi ngoài 4 diễn giả với những câu chuyện thực tế sống động thì MC chính là Giám đốc FPT Software HCM cũng cung cấp nhiều thông tin quý giá", Tuân nhận xét.

>> Dịch vụ đám mây của FPT Software phục vụ 60 triệu người Mỹ

“FPT CEO Talk” tại ĐH KHTN TP HCM là sự kiện thứ 13 của chuỗi chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc. Từ năm 2013, FPT đã tổ chức “FPT CEO Talk” với mục tiêu giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm thành công và mang lại các cơ hội việc làm cho các sinh viên.

Năm 2015, FPT được sinh viên khối ngành CNTT đánh giá là nhà tuyển dụng lý tưởng số 1 tại Việt Nam (theo bảng xếp hạng của Universum). Cũng trong nhiều năm liền, FPT nhận các giải thưởng nhân sự quan trọng, như Môi trường làm việc tốt và chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực xuất sắc của Vietnam HR Awards 2014; Top 10 nhà Tuyển dụng được khao khát nhất tại Việt Nam của Jobstreet hay nhà tuyển dụng được ưa thích nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực CNTT của Careerbuilder...

Năm 2014, FPT CEO Talk cũng cập bến ĐH KHTN TP HCM. Trước đó, chương trình cũng vừa diễn ra tại ĐH Bách khoa Hà Nội (ngày 24/9, thu hút 1.200 sinh viên) và ĐH Bách khoa Đà Nẵng (ngày 23/10, thu hút 300 sinh viên).

Nguyên Văn

Ảnh: Hà Dương

Ý kiến

()