Chúng ta

Người FPT hoài niệm về thầy cô trên Facebook

Thứ tư, 20/11/2013 | 17:11 GMT+7

"Ngày đầu đi dạy học, cậu bé nhìn mình với ánh mắt đầy dò xét vì trông đầu tóc bù xù, ăn mặc thì lôi thôi. Sau một năm, kết quả học tập của cậu bé tiến bộ rõ rệt và khi đỗ Đại học Kiến trúc đã gọi điện cảm ơn mình rối rít", anh Nguyễn Hải Hà, FPT Trading, nhớ lại những ngày đi làm gia sư khi còn là sinh viên.
> Nhà giáo được tôn vinh trên khắp năm châu

a

Anh Hải Hà kết thúc sự nghiệp dạy dỗ của mình khi gặp một học sinh thích làm nghề bán sơn ở phố cổ. Ảnh: F.B.

Dù đã "thất học" nhiều năm nhưng trong trí nhớ của mình, anh Hà vẫn nhớ rất nhiều thầy cô chủ nhiệm từng dạy từ thời tiểu học đến THPT. Từ thời sinh viên, anh cũng từng đi dạy gia sư. Học trò đầu tiên của anh là một cậu bé học lớp 10.

Trải qua nhiều "thế hệ" học sinh, cuối cùng anh cũng kết thúc công việc này khi gặp một em học sinh nhà chuyên bán sơn ở phố cổ Hà Nội. "Em học sinh này toàn nhờ mình làm bài hộ để chép vì em cho rằng không cần thi đại học, học xong cấp 3 ở nhà bán sơn. Mình chán quá nên dạy được vài tháng thì xin thôi và từ đó đến nay không đi dạy học nữa", anh nhớ lại.

Với anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, kỷ niệm về ngày 20/11 lại gắn với cô giáo Phương, người mà trong thâm tâm, anh luôn "coi như mẹ".

a

Những dòng chữ viết tay do chính anh Tiến nắn nót gửi tới cô giáo mình. Ảnh: F.B.

Ký ức về mùa hè năm lớp 2 vẫn hiện rõ trong trí nhớ cậu học trò thông minh. Ngày đó, cô bảo đi thi chuyên toán, anh cũng tham gia và đỗ ngay, thậm chí còn dư vài điểm. Tuy nhiên, dù học lớp chuyên toán nhưng vẫn cần tất cả các môn còn lại phải được loại khá trở lên. Dù môn tập viết chỉ được điểm trung bình nhưng cô giáo đã "giúp đỡ" để anh có thể học chuyên một cách hợp lệ. Chính quyết định đó của cô đã làm thay đổi rất lớn đến cuộc đời anh và tự trong thâm tâm, anh luôn cảm thấy biết ơn cô.

"Bao năm rồi mới nhắc lại chuyện sửa điểm của cô, cô chỉ bảo: Em thông minh, không học chuyên toán thì phí quá, vậy thôi", anh viết note trên Facebook.

Nhớ về ngày Nhà giáo Việt Nam, anh Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, lại nghĩ đến kịch bản sân khấu đầu tiên viết về chủ đề "Thầy cô và mái trường".

Ngày đó, khác với những mô-tuýp kịch bản quen thuộc về chủ đề trường lớp như chúng bạn vẫn làm, anh Dũng phát huy hết mức sáng tạo khi viết về 10 năm sau khi ra trường. Nội dung vở kịch đại ý nói về việc anh đi bán thịt lợn cạnh trường, gặp lại thằng bạn học giỏi ngày xưa, nay đã là giám đốc. Thằng bạn hỏi thăm về các thầy cô xem giờ này ra sao, kiểu: "Cô D đã lấy được chồng chưa? Còn khó tính không?", "Thầy H còn trực cổng và truy sát bọn không đeo phù hiệu trèo tường không?"... Khán giả vỗ tay rầm rầm nhưng vở kịch vẫn không được giải do "sai" chủ đề 20/11.

"10 năm sau quay lại trường, thấy nội dung vở kịch ngày xưa cũng đã thành sự thật ít nhiều. Cô D đã lấy chồng, có con và không còn khó tính. Thằng bạn mình cũng trở thành giám đốc thật... Chỉ có mỗi mình là không bán thịt lợn như trong kịch bản mà chuyển sang nghề bán kịch bản lấy tiền mua thịt lợn mà thôi...", anh hài hước.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ngoài lời chúc mừng, lời cảm ơn đặc biệt gửi đến những người thầy, người cô từng dạy dỗ, anh cũng gửi lời cảm ơn tới những người đã, đang và sẽ đến với cuộc đời mình... bởi với anh, họ cũng chính là những người thầy lớn trong cuộc đời.

A

Nguyễn Kế Thu nhớ về những lần kiểm tra "không trúng tủ" hoặc trót quên học bài khi còn đi học. Ảnh: F.B

Là đồng nghiệp cùng làm tại Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT với anh Dũng, Nguyễn Kế Thu lại có những kỷ niệm rất riêng thời đi học. Đó là những lần kiểm tra "không trúng tủ" hoặc trót quên học bài là hai con mắt lại đảo như "lạc rang", liếc, ngó, nháy mắt trông chờ sự giúp sức của những "thần đồng" trong lớp.

"Cũng có khi giấu vở nằm gọn trong ngăn bàn, khi thầy cô mất cảnh giác thì y như rằng, mình lại viết được một đoạn trong bài kiểm tra... Có lẽ mình gặp may, hoặc do "bệnh thành tích" mà bao giờ điểm của mình cũng trên trung bình và hơn người bạn cho mình chép bài", anh hồi tưởng.

Anh Thu cũng nhớ tới lần đầu tiên được đứng trên bục làm giám thị coi thi đại học, khi được các thí sinh gọi một tiếng "thầy", anh cảm thấy rất thiêng liêng và ý nghĩa.

Đồng Bằng
 

Ý kiến

()