Chúng ta

Mentor FUNiX 'bật mí' cách làm máy bay mô hình siêu nhẹ

Chủ nhật, 7/10/2018 | 19:51 GMT+7

“Có rất nhiều vật liệu sẵn có với giá rẻ để gia cố thêm cho máy bay mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, tính cơ học và trọng lượng, từ đó phép máy bay có độ an toàn cao hơn”, anh Lê Thanh Hải, mentor của ĐH trực tuyến FUNiX, tiết lộ trong chương trình xDay số 34.

Hôm nay (ngày 7/10), tham dự chương trình xDay số 34 của ĐH trực tuyến FUNiX, anh Lê Thanh Hải, giảng viên CNTT ĐH FPT, có cơ hội trải lòng cùng 30 học viên của FUNiX về thú chơi máy bay mô hình. Anh bày tỏ niềm hạnh phúc khi được chia sẻ những kinh nghiệm xương máu, kỷ niệm khó quên trong 5 năm đam mê chế tạo, nghiên cứu và lắp ráp các loại máy bay.

Khi nghiên cứu về máy bay mô hình, hầu hết mọi người thường có chung nỗi sợ máy bay rơi hoặc không giữ được cân bằng. “Xoay quanh vấn đề này có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố ngoài ý muốn. Máy bay rơi khi động cơ quá tải, trọng lượng máy bay hay bất ổn trong cấu hình”, anh Hải nói.

IMG-9040-7830-1538910700.jpg

Mentor Lê Thanh Hải giới thiệu về máy bay mô hình tại sự kiện "xDay số 34". Ảnh: ĐH FUNiX.

Tuy nhiên, nếu sợ thì sẽ không bắt đầu. Trong suốt 5 năm qua, anh Hải đã ăn, ngủ cùng 30 mô hình máy bay các loại. Anh chia sẻ: “Nếu như đam mê thực sự thì trước mỗi khó khăn, mọi người đều sẽ nghiêm túc tìm nguyên lý. Thâm chí, họ nhuần nhuyễn nguyên lý bay của động cơ hơn bất cứ chuyên gia nào. Trong 5 năm để có thể làm chủ được những sản phẩm công nghệ cao về thú chơi khoa học này, tôi đã nâng cao khả năng tiếng Anh để nghe, đọc tài liệu của nước ngoài về kỹ thuật chơi hoặc chia sẻ của cộng đồng nước ngoài”.

Đặc biệt, anh Hải tỏ ra hài lòng và mãn nguyện về phát hiện mới làm giảm trọng lượng cho máy bay sau thời gian dài nhiều thất bại. Sản phẩm anh Hải nhắc đến và tâm đắc nhất chính là vỏ cây giang. Cây giang là loại thuộc hàng tre, nứa được sử dụng để buộc bánh chưng ngày Tết. Sở dĩ cây giang được anh Hải sử dụng vì độ dẻo và mềm mượt.

IMG-9023-4119-1538910700.jpg

Chiếc máy bay từng xuất hiện tại Hội thao 13/9 chào mừng FPT 30 tuổi. Ảnh: ĐH FUNiX. 

Các khúc gấp, nối và xương sống máy bay, anh Hải đưa vỏ cây giang vào làm thân. “Điều này hoàn toàn phù hợp khi máy bay lên, xuống. Hơn nữa, sử dụng vỏ cây này khiến khối lượng máy bay giảm đáng kể so với các loại mô hình khác sử dụng kim loại hay phao chuyên dụng”, anh Hải bật mí.

Bên cạnh đó, thành công khiến anh Hải tự hào với các sản phẩm máy bay của mình là tính chống thấm nước. Tất cả động cơ, bảng vi điện tử đều được cuốn điêu luyện, hoàn toàn không dính nước ngay cả khi bị dìm sâu trong nước. Thử nghiệm này đã được chứng minh trong lần bay thử tại hồ Hòa Lạc (ĐH FPT, 2015) của chiếc thủy phi cơ Polaris.

Chia sẻ với 30 sinh viên, mentor FUNiX cho biết: “ Hiện tại, để sản xuất một chiếc máy bay mô hình, tôi chỉ cần 40-45 phút. Mọi thao tác đã trở thành thói quen”. Kinh nghiệm “xương máu” là ham hỏi và đam mê. “Không biết thì phải hỏi đến khi nào tìm được câu trả lời thỏa đáng”, anh Hải nhấn mạnh.

"Tất cả công đoạn để làm ra một chiếc máy bay không khó, nhưng để bay được cần tập luyện chăm chỉ. Có khi tập hàng tháng mới bập bõm biết bay. Để làm chủ được máy bay phải mất khoảng một năm và ít nhất 2 năm kinh nghiệm để tự tin máy bay cất cánh. Trong đó, một tuần sẽ tập 2-3 buổi, mỗi buổi khoảng 10-20 phút", người làm chủ 25 chiếc máy bay mô hình chia sẻ.

Ngoài việc tự mày mò, anh cũng tham gia vào cộng đồng những người đam mê trò chơi mô hình là nhóm RC Hà Nội. Đều đặn chiều thứ Bảy hằng tuần, anh giao lưu cùng các chiến hữu có cùng thú vui này.

IMG-9104-7947-1538910700.jpg

Chị Lê Minh Đức (trái), GĐ thương mại FUNiX, tặng hoa cho anh Lê Thanh Hải. Ảnh: ĐH FUNiX. 

Sau khi dấn thân vào đam mê máy bay mô hình, đến nay, anh Hải có khoảng 30 sản phẩm đủ kích cỡ khác nhau. Mong muốn tạo ra được những mô hình ngày càng đặc biệt nên dù đã sở hữu hàng chục chiếc máy bay mô hình tầm cỡ và rất bận rộn, anh vẫn cố gắng nghiên cứu để cho ra đời những chiếc mới với thiết kế sáng tạo hơn.

Hiện tại, ngoài công tác giảng dạy Công nghệ thông tin tại Đại học FPT, Lê Thanh Hải còn là "thầy giáo online" tại ĐH trực tuyến FUNiX ở môn IoT (Internet of Things).

Kết thúc phần chia sẻ, anh Hải không quên nhắn gửi đến sinh viên: "Nếu ai có đam mê thật sự, tôi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ để có thể làm ra được sản phẩm bay trên bầu trời. Tham vọng của tôi là chế tạo ra chiếc máy bay bằng chất liệu gỗ để có thể chở người".

Trong hơn 3 giờ, 30 sinh viên FUNiX đã được lắng nghe các chia sẻ thú vị và bổ ích từ các mentor. Anh Lê Hoàng Việt, mentor đã gắn bó với FUNiX 3 năm, mang đến cho sinh viên phương pháp “search Google” để phục vụ thuận tiện trong công tác học tập sau này.

Sự kiện xDay là chương trình diễn ra hằng tháng của ĐH trực tuyến FUNiX nhằm tuyên dương các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc trong tháng và chào đón tân sinh viên mới. Trong tháng 9, nhà Giáo dục trực tuyến đã có 213 sinh viên mới gia nhập, trong đó FUNiX tại Cần Thơ có 170 học viên, đông nhất trong các địa điểm.

Đại học Trực tuyến FUNiX là một đơn vị thành viên trong Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education), chính thức ra mắt ngày 13/10/2015 và khai giảng khóa đầu tiên ngày 20/11/2015.

Bắt đầu bằng việc đào tạo cử nhân và chứng chỉ ngành Công nghệ Thông tin, FUNiX đang và sẽ mở rộng phạm vi đào tạo ra các ngành khác như kinh tế, kiến trúc, âm nhạc... thông qua mô hình hợp tác với các trường đại học, các tổ chức giáo dục ở Việt Nam và trên thế giới.

Các hoạt động dạy và học được tổ chức và quản lý theo một phương pháp hoàn toàn mới có tên là FUNiX Way. Phương pháp này được kỳ vọng làm gia tăng tỷ lệ hoàn thành khóa học trực tuyến và chất lượng đầu ra của học viên. FUNiX đang hợp tác với các doanh nghiệp và các tổ chức khác để áp dụng FUNiX Way vào đào tạo nội bộ, giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hà Trần

Ý kiến

()