Chúng ta

'Làm du lịch phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất'

Chủ nhật, 26/2/2017 | 19:15 GMT+7

Bằng  kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, diễn giả Nguyễn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội khách sạn TP Đà Nẵng, khuyên sinh viên FPT chuyên ngành Du lịch - Lữ hành - Nhà hàng - Khách sạn phải có thái độ cầu tiến, đặt quyết tâm để làm những việc bình thường trước khi trở thành người phi thường. 

Nằm trong khuôn khổ hội thảo chuyên đề “Định hướng sinh viên thực hành nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp tại khách sạn - Resort” do FPT Polytechnic Đà Nẵng tổ chức, diễn ra vào sáng 25/2, diễn giả Nguyễn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội khách sạn TP Đà Nẵng khuyên sinh viên cần trang bị đầy đủ những yếu tố như bền bỉ, cam chịu và quyết tâm. 

IMG-3184-JPG.jpg

Diễn giả Nguyễn Minh chia sẻ cơ hội nghề nghiệp, định hướng thực tập cùng những yêu cầu chung khi đến thực tập và làm việc tại doanh nghiệp.

"Hãy làm những việc bình thường để trở thành người phi thường. Không thể trở thành ông lớn nếu không làm những việc nhỏ nhất. Như vậy mới biết hết giá trị của công việc", ông Minh bày tỏ. Để giúp sinh viên FPT hiểu hơn, nguyên TGĐ khách sạn Gopatel Đà Nẵng dẫn chứng hàng loạt nhân vật thành công trong lĩnh vực du lịch trong nước cũng như trên thế giới. Trước khi tạo dấu ấn riêng, điểm chung của tất cả những người này đều xuất thân từ nhân viên dọn vệ sinh, bưng bê, rửa chén hay đầu bếp…

Bản thân ông Minh xuất thân là dân luật nhưng trong quá trình công tác đã tìm hướng đi riêng bằng cách gắn bó lĩnh vực du lịch. Từ những ngày đầu chập chững học việc, người đàn ông này quyết tâm ghi dấu ấn ở nhiều vị trí khác nhau. Vừa làm vừa học thêm, diễn giả của chương trình dần trở thành cái tên đình đám trong lĩnh vực Du lịch - Lữ hành - Nhà hàng - Khách sạn trên toàn quốc. "Tôi là dân luật nên đến với lĩnh vực du lịch như một cơ duyên. Trải nhiều biến động và chông gai hay đúng hơn sự nghiệp không sung sướng cho mấy nhưng vẫn cảm nhận được tình yêu đối với nghề", ông nói.

IMG-3173-JPG.jpg

Trong lĩnh vực du lịch, TP Đà Nẵng đang định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có thể dựa trên nguồn lao động tại chỗ qua các cơ sở đào tạo, các dự án nâng cao từ các tổ chức nước ngoài, liên kết, thực tập ở nước ngoài… 

Trước thực trạng sinh viên thất bại khi đi phỏng vấn, ông Minh chỉ ra 4 yếu tố thường gặp: "Thiếu tự tin, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và bằng cấp". Để giải quyết, Tổng thư ký Hiệp hội khách sạn TP Đà Nẵng khuyên người đi phỏng vấn cần nhẹ nhàng, lễ phép, gương mặt luôn tươi và chú ý ngoại hình. "Ứng viên cần có kỹ năng lắng nghe những câu hỏi của người phỏng vấn, và thường những câu hỏi dài là trả lời ngắn. Nghe hỏi đến đâu trả lời đến đó, không nên kể dài. Không nên thể hiện sự quá quen thuộc với người phỏng vấn mình, thậm chí hạn chế nói ngôn ngữ địa phương".

Nhắc đến một bộ phận sinh viên tỏ ra tự tin trong quá trình phỏng vấn, ông Minh nhìn nhận tự tin nhiều sẽ sinh ra tự mãn. Đôi lúc hãy nhắc đến điểm yếu của bản thân, không nên nói tất cả điểm tốt để doanh nghiệp có thể điều chỉnh hành vi, hướng đến văn hóa của doanh nghiệp. "Sinh viên phải chủ động chỉ ra những điểm yếu. Điều đó chứng tỏ bạn là người có tính cầu thị. Thay vì nói lý thuyết, sinh viên cũng phải mô tả, giải quyết  được kỹ năng công việc do doanh nghiệp đưa ra".

Đánh giá những chia sẻ của diễn giả Nguyễn Minh là thiết thực và đúng với tâm lý sinh viên FPT, PGĐ FPT Polytechnic Đà Nẵng Nguyễn Khánh khẳng định: "Du lịch đang có vị trí then chốt trong sự phát triển của thành phố. Sinh viên ra trường nếu trang bị đầy đủ những yếu tố cần thiết chắc chắn sẽ thành công". 

IMG-3170-JPG.jpg

Thầy Nguyễn Khánh, PGĐ FPT Polytechnic Đà Nẵng, khẳng định: "Nhà trường đã có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, nguồn nhân lực của ngành hiện có khoảng 23.000 người. Dù khối khách sạn và hướng dẫn viên du lịch tăng khá cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được những vị trí then chốt. Đó là cơ sở để sinh viên FPT tin tưởng vào tương tươi sáng. Nhưng để thành công, sinh viên phải biết năng lực sở trường của bản thân bên cạnh niềm đam mê công việc. "Cá nhân sinh viên nếu kết hợp hai cái đó sẽ bổ sung cho nhau. Một khi đam mê làm việc không biết mệt mỏi thì cơ hội thành công đến sớm", thầy nhấn mạnh.

Lại Thế Đạt, sinh viên chuyên ngành du lịch cho biết, phần lớn sinh viên đều thiếu tự tin khi đi phỏng vấn xin việc dù kiến thức được trang bị đầy đủ. Ở đây rào cản lớn nhất nằm ở tâm lý không vững hoặc thiếu kinh nghiệm nên không được doanh nghiệp đánh giá cao. Đạt nhìn nhận những tư vấn của diễn giả Minh giúp ích rất nhiều cho sinh viên trong quá trình thực tập và xin việc.

Hiện FPT Polytechnic Đà Nẵng có hơn 70 sinh viên chuyên ngành Du lịch - Lữ hành - Nhà hàng - Khách sạn theo học. Chương trình đào tạo của nhà trường được tư vấn bởi hội đồng các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn và được thẩm định bởi các công ty du lịch, khách sạn, resort, nhà hàng nổi tiếng tại TP HCM và Đà Nẵng. Nhà trường áp dụng phương pháp học Project based Learning - học tập qua dự án thật và phương pháp giảng dạy Blended Learning - học tập kết hợp với 70% thời gian thực hành giúp sinh viên phát triển một cách toàn diện các kỹ năng phục vụ công việc.

Cơ sở vừa chính thức đưa phòng thực hành mô hình khách sạn 4 sao vào hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu học tập cho sinh viên khối ngành Du lịch - Lữ hành - Nhà hàng - Khách sạn. Phòng thực hành mô hình khách sạn 4 sao của FPT Polytechnic Đà Nẵng nằm ở tầng 2, số phòng 206, 137 Nguyễn Thị Thập, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Tổng diện tích của phòng là 107,44 m2.

>> FPT trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên du lịch

Việt Nguyễn

Ý kiến

()