Chúng ta

'Không nên ngại nói tiếng Anh'

Thứ bảy, 1/6/2013 | 11:05 GMT+7

“Sinh viên Việt Nam còn khá e ngại khi giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Đó là điều không tốt nếu muốn học tốt một thứ ngôn ngữ”, giảng viên tiếng Anh Daniel Heier chia sẻ với sinh viên FPT Polytechnic HCM.
> Giao lưu tiếng Anh với giảng viên nước ngoài

Chiều ngày 30/5, hơn 20 sinh viên FPT Polytechnic HCM đã tham gia buổi trò chuyện trong gần hai giờ đồng hồ với giảng viên tiếng Anh mang quốc tịch Đức. Theo thầy Daniel, để nói tốt tiếng Anh, các em cần chủ động tạo cơ hội thực hành. Tại TP HCM, người học có thể đến công viên 23/9 (gần chợ Bến Thành) và ngỏ lời "May you help me?" (Bạn có thể giúp tôi chứ?). Từ đây, họ sẽ sẵn sàng trò chuyện tuy không phải lúc nào cũng hoàn hảo.

Ngoài ra, hãy tập nói trước hoặc ghi ra những câu thoại ngắn bằng tiếng Anh để có thêm sự tự tin khi giao tiếp. Điều này cũng giúp người học tạo nên thói quen cần có khi thực hành viết.

Về phát âm, vị giảng viên cho rằng, mỗi quốc gia nói tiếng Anh có những cách phát âm khác nhau. Ở Bắc Mỹ, tiếng Anh lại khác với Nam Mỹ và khác hẳn với Austrailia, ngay cả trong nội địa nước Anh cũng phát âm khác nhau. Chính vì vậy, người học cần biết thích nghi với tiếng bản ngữ và cả những từ lóng khi du học. Khi học tại Việt Nam, sinh viên nên chọn nghe và nói theo giọng của các đoạn ghi âm từ những đơn vị có uy tín như Oxford, Cambridge… và ghi ngay cách phát âm chuẩn bên cạnh từ vựng lạ.

Cách tiếp thu đơn giản nhất chính là học qua những bộ phim bằng tiếng Anh có kèm phụ đề tiếng Việt. Tuy nhiên, nó sẽ không có tác dụng nếu người học chỉ chăm chăm vào những dòng chữ tiếng mẹ để chạy trên màn hình mà quên đi kỹ năng nghe. Giảng viên người Đức cũng gợi ý, sinh viên có thể chọn cách học qua những bài hát tiếng Anh. “Các em nên chọn những bài hát ở thập niên 50, 60 của thế kỷ trước vì chúng khá chậm và dễ nghe”, giảng viên khuyên.

Cũng trong buổi giao lưu, thầy và trò cùng ôn luyện lại từ vựng về những vật dụng cần khi bị lạc trên hoang đảo.

Sinh viên còn hăng hái đặt những câu hỏi liên quan đến phương pháp học tiếng Anh tốt. Chính sự nhiệt tình của các em khiến giảng viên khen ngợi: “Sinh viên FPT rất năng động và chịu học hỏi, các em có vốn từ khá”. Tuy vậy, thầy cũng mong được tiếp xúc trực tiếp với sinh viên sớm hơn để đưa ra những đề tài dễ nói chuyện hơn. “Tất cả đều bị cuốn hút vào cách dẫn chuyện dí dỏm của thầy”, nam sinh Nguyễn Trần Luận, khóa 8.2, chia sẻ.

Trưởng bộ môn tiếng Anh FPT Polytechnic HCM Đặng Thanh Bình cũng đánh giá tốt về chương trình này. Thầy cũng mong CLB POLYME (Poly My English - tiếng Anh của tôi) sẽ truyền thông sớm tới sinh viên FPT Polytechnic HCM và đưa ra chủ đề rõ ràng hơn.

Cùng xem những hình ảnh về buổi nói chuyện thú vị này:

a

Lúc đầu, sinh viên FPT Polytechnic còn khá ngại trong việc tham gia cùng thầy nên giảng viên khuyến khích người tham dự mạnh hơn và đừng ngại khi giao tiếp bằng ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh.

a

Các em dần tự tin hơn trong việc trò chuyện cùng diễn giả. Dù phát âm chưa thật chuẩn nhưng đây cũng là cơ hội để mỗi người được thực hành tiếng Anh.

a

Với cách trò chuyện dí dỏm cùng sự kỹ càng trong giảng dạy, thầy đã khiến sinh viên FPT Polytechnic thêm yêu ngoại ngữ này. Thầy còn vẽ minh họa khi bị lạc vào đảo hoang để người tham dự đưa ra những vật dụng cần thiết.

a

Các em được chia thành nhóm gồm 5-6 thành viên. Sau khoảng 5 phút, mỗi nhóm sẽ đối thoại cùng thầy.

a

Được xem là những sinh viên năng động và ham học hỏi nên họ sẵn sàng đưa ra những ý kiến để thảo luận cùng diễn giả.

a

Chỉ hai giờ gặp gỡ nhưng sinh viên FPT Polytechnic HCM đã có nhiều tình cảm với thầy bởi họ không chỉ được học tiếng Anh mà còn học về cách thuyết trình của diễn giả.

a

Trước khi chia tay FPT Polytechnic HCM, thầy cùng cán bộ phòng Công tác sinh viên tham quan một vòng cơ sở, gồm các phòng học, phòng chức năng trong tòa nhà 5 tầng của trường.

a

Trước khi chia tay, thầy mong sẽ được quay lại và tiếp xúc với sinh viên FPT nhiều lần hơn nữa. Ảnh: POLYME.

Dy Khoa

Ý kiến

()