Chúng ta

Gần 600 sinh viên công nghệ tiếp cận cơ hội toàn cầu hóa

Thứ tư, 28/5/2014 | 09:27 GMT+7

Lần thứ hai đến ĐH Bách khoa Hà Nội, chương trình giao lưu với lãnh đạo tập đoàn có chủ đề "Toàn cầu hóa và cơ hội dành cho sinh viên", được diễn ra sáng nay (ngày 28/5) tại hội trường C2, thu hút hàng trăm sinh viên tìm hiểu việc làm tại thị trường quốc tế của FPT.
> Sinh viên tiếp cận cơ hội toàn cầu hóa của FPT

d

Nhiều sinh viên đến đăng ký tham dự chương trình từ rất sớm tại Hội trường C2, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Hai nhân vật chính của "Chat với CEO" lần này là Phó TGĐ FPT phụ trách Toàn cầu hóa Dương Dũng Triều và tân TGĐ FPT IS Phạm Minh Tuấn. Trong vai trò diễn giả, hai anh sẽ cùng trao đổi với sinh viên về chiến lược và con đường bước ra toàn cầu của FPT cũng như những câu chuyện của các anh khi trực tiếp trải nghiệm công việc, cuộc sống tại thị trường quốc tế.

Có mặt tại hội trường C2 từ sớm, anh Phạm Minh Tuấn chia sẻ: "Mỗi khi đến ĐH Bách khoa Hà Nội tôi thường có rất nhiều cảm xúc. Mặc dù là cựu sinh viên ĐH Bách khoa TP HCM nhưng hôm nay tôi rất háo hức. Thông điệp tôi muốn gửi đến các em là phải biết đặt ra mục tiêu, giữ vững và kiên nhẫn".

hoitruong490-591418-1413023914.jpg

Các em sinh viên rất háo hứng khi đến tham dự chương trình.

Từ 8h, khá đông sinh viên đã có mặt ở hội trường. Ngô Văn Tùng, sinh viên năm thứ nhất khoa Cơ khí, cho biết, lần đầu tiên tham dự chương trình, cậu cảm thấy không khí rất sôi động. "Mục đích của em là mở rộng hiểu biết về FPT, chiến lược toàn cầu và quan trọng hơn là cơ hội nghề nghiệp", Tùng mong muốn.

Nguyễn Thị Uyên, khoa Kinh tế, đánh giá, FPT là một tập đoàn lớn, nhiều ngành nghề, vì vậy trong thời buổi hội nhập kinh tế, cơ hội việc làm sẽ mở rộng hơn. "Hy vọng chương trình sẽ giúp định hướng cho nghề nghiệp trong tương lai", nữ sinh viên kỳ vọng.

Sau các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn của sinh viên ĐH Bách khoa và Đoàn văn công FPT, MC đã mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi: Các bạn có mong muốn làm việc ở nước ngoài không? Cần trang bị những gì?

Ngay lập tức, ở dưới hội trường, nhiều tiếng nói vọng lên: "Ngoại ngữ", "Kiến thức chuyên môn", "Kỹ năng mềm"... Để hướng sinh viên đến câu trả lời, BTC đã chiếu một clip hài hước mô phỏng về môi trường làm việc cũng như cơ hội công việc ở FPT để mỗi sinh viên có những góc nhìn khác nhau về tập đoàn.

d

Hai diễn giả của chương trình (từ phải sang): Anh Phạm Minh Tuấn và anh Dương Dũng Triều.

9h, hai diễn giả xuất hiện trên sân khấu trước tràng pháo tay giòn giã của khán giả.

Hai CEO FPT đều là cựu sinh viên ĐH Bách khoa. Vì vậy, khi giới thiệu về bản thân, anh Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh đến sự khởi đầu công việc của anh với FPT. Đó là vị trí lập trình viên. Anh cũng chia sẻ về cuộc sống “bôn ba” của mình khi sinh ra, lớn lên, học tập, lập gia đình và lập nghiệp ở nhiều địa phương khác nhau trên đất nước. “Trước khi trở thành CEO, tôi cũng đã trải qua nhiều thăng trầm và trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Các bạn hãy mạnh dạn dấn thân, sáng tạo và đổi mới”, TGĐ FPT IS nói.

d

Anh Dương Dũng Triều đầu quân vào FPT từ năm 1993.

Với Phó TGĐ Toàn cầu hóa, ngay khi còn là sinh viên năm thứ 3 tại ĐH Bách khoa, anh đã làm việc ở FPT. “Rất cảm ơn ĐH Bách khoa đã cung cấp kiến thức cơ bản tốt, từ đó, việc tiếp thu thêm cái mới rất dễ và đơn giản”, anh chia sẻ.

Hướng về chủ đề chính của buổi giao lưu là công cuộc toàn cầu hóa của FPT, anh Dương Dũng Triều nhấn mạnh đến các làn sóng ra nước ngoài của tập đoàn trong suốt thời gian qua: Từ việc chỉ gia công phần mềm đến khi trở thành chủ thầu, cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng.

Khi được MC hỏi cơ duyên nào đưa các anh đến FPT, anh Triều chia sẻ hồi sinh viên năm thứ ba, anh đã đi làm tại một trung tâm tin học nhỏ. Anh có người anh họ quen biết anh Nguyễn Thành Nam (hồi đó là TGĐ FPT Software) nên đến khoảng năm 1993, anh đã đầu quân về FPT.

d

Với anh Phạm Minh Tuấn, quyết định chuyển từ chỗ làm cũ sang FPT đến nay vẫn là một quyết định đúng đắn.

Anh Thành Nam cũng chính là người đưa anh Phạm Minh Tuấn về FPT. "Từ bé đến lớn tôi làm gì cũng có kế hoạch, và kế hoạch nào cũng thành hiện thực, nhưng đều đi theo hướng khác", anh Tuấn dí dỏm.

Anh kể, khi đăng ký thi đại học thì thích ĐH Kinh tế hơn Bách khoa. Nhưng mẹ anh bảo nếu thi vào ĐH Bách khoa thì được tặng cái đồng hồ, và anh đã vào học ĐH Bách khoa vì cái đồng hồ.

Hồi bé, ước mơ cháy bỏng của anh là học thật giỏi, thi đại học thì được đi nước ngoài ăn bánh mì, kết cục thì đỗ đại học nhưng chỉ học trong nước. Và vì học trong nước nên có cơ duyên với FPT. Anh chia sẻ: "Đam mê xuất ngoại trong tôi rất lớn. Năm 1999, tôi là người đầu tiên tham gia công cuộc xuất khẩu phần mềm của FPT, và nơi đặt chân đầu tiên ra nước ngoài là Ấn Độ".

d

Sinh viên chăm chú nghe hai diễn giả chia sẻ.

Để sinh viên có thêm thông tin về chân dung của diễn giả, một clip được trình chiếu tại hội trường là vở kịch “Tiễn anh lên đường” với nội dung FPT lần đầu tiên ra thị trường nước ngoài bằng xuất khẩu phần mềm. Nhân vật chính do Phạm Minh Tuấn thủ vai đã đem lại nhiều tràng cười sảng khoái cho những người tham dự.

"Kỷ niệm khi đi toàn cầu hóa khiến các anh nhớ nhất?", MC đặt câu hỏi cho hai diễn giả. Với anh Tuấn, đó là những ngày tháng đầu tiên đi Ấn Độ với nhiều khó khăn trong sinh hoạt như ăn uống, văn hóa... "Hơn 20 ngày ở Ấn Độ, tôi chủ yếu uống sữa và sau đó mới tìm được một món ăn tạm vừa ý", anh kể.

"Đối với công việc, bài học về tính chuyên nghiệp là quan trọng nhất. FPT đã rút ra được bài học đáng quý từ lần cạnh tranh thầu với Infosys. Tuy vậy, sự chuyên nghiệp không phải một sớm một chiều có được. Mong các bạn lưu ý điều này và tập thói quen chuyên nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường", Phó TGĐ FPT nói.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Triều đưa ra các yếu tố: Lập mạng lưới - tạo quan hệ, hiểu biết nghiệp vụ của khách hàng, có kỹ năng tư vấn để thuyết phục họ theo phương án của mình và khả năng quản trị dự án. "Để có thể tiến xa hơn vị trí lập trình viên, các bạn cần thành thục những điều đó", anh Triều khuyên.

"Tôi có dịp giao lưu với nhiều sinh viên đại học trong các đợt tuyển dụng và hay nhận được câu hỏi: Có cần học giỏi không? Vì Bill Gates là người không học hết đại học nhưng đã tạo dựng được một Microsoft hùng mạnh. Theo tôi, nếu các bạn có điều kiện học giỏi được thì nên học giỏi, vì đó là vũ khí tốt nhất cho các bạn khi ra đời sau này. Các bạn cũng cần biết, Bill Gates bỏ học và lập nên Microsoft rất thành công, nhưng hàng triệu sinh viên khác cũng làm như ông ấy và “chết thẳng cẳng”. Không phải ai cũng làm được điều xuất chúng như Bill Gates”, diễn giả Phạm Minh Tuấn thẳng thắn.

Theo anh Tuấn, có đam mê chúng ta mới làm được điều vượt trội hơn người khác. "14 năm trước, FPT tham gia toàn cầu hóa với lý tưởng đem trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài. Lý tưởng đó thực sự kích thích chúng tôi. Còn bây giờ, chúng ta không chỉ đem trí tuệ Việt Nam mà còn phải mang tinh hoa trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài. Để có được những tinh hoa đó, việc đầu tiên là các bạn cần phải trải nghiệm thực tế".

svduc490-617511-1413023914.jpg

Sinh viên Dương Minh Đức đặt câu hỏi cho anh Tuấn.

Sinh viên Dương Minh Đức, lớp Điện tử, ĐH Bách khoa HN, liền đặt câu hỏi cho anh Tuấn: "Xuất phát từ dân kỹ thuật và nhiều năm làm lập trình viên. Vậy quá trình từ một lập trình viên thành CEO phải trải qua những gì?". 

Anh Tuấn chia sẻ, con đường từ lập trình viên thành CEO không có công thức chung. Và không phải lập trình viên nào cũng làm CEO được. "Tôi khởi đầu là lập trình viên, sau 3 năm làm quản trị viên dự án. Ba năm tiếp theo thì làm giám đốc một dự án khoảng 100 người. Tiếp đó giữ vị trí GĐ FPT HCM và giờ là CEO một công ty thành viên của tập đoàn. Tôi nghĩ, ngoài hiểu biết chuyên môn, một CEO còn cần có các kỹ năng quản trị: công việc, con người, kế hoạch…".

Khi làm công việc hiện tại, cần xác định rõ việc tiếp theo sẽ thế nào để có thời gian chuẩn bị. "Năm thứ ba làm quản trị dự án, tôi đã xác định một ngày nào đó tôi sẽ làm lãnh đạo và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết ngay từ những năm 1999-2000. Các bạn cần có đam mê và khát vọng để thực hiện mục tiêu của cá nhân mình", anh Tuấn tiết lộ.

TGĐ FPT IS trò chuyện cùng sinh viên tham gia chương trình về toàn cầu hóa của FPT.

TGĐ FPT IS tranh thủ trò chuyện cùng sinh viên.

"Trong công cuộc toàn cầu hóa của mình, FPT nói riêng và Việt Nam nói chung tự thấy có những điểm mạnh gì để tự tin sáng ngang với các nước khác?", một nữ sinh viên ĐH Bách khoa hỏi. Theo anh Triều, tuổi trẻ và khả năng học hỏi của người Việt là một lợi thế khi ra nước ngoài làm việc.

Với anh Tuấn, để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trên trường quốc tế, chúng ta phải có kỹ năng vượt trội mới có thể tồn tại trong thế giới phẳng này. Những kỹ năng đó đến từ việc luyện tập, trải nghiệm thực tế, sáng tạo trong công việc hằng ngày, dần dần theo thời gian sẽ tích lũy được thành tinh hoa và thành công.

"FPT đang gương cao ngọn cờ toàn cầu hóa, và có nhiều tinh hoa để giúp các bạn nhanh chóng tiến ra trường quốc tế. Tôi nghĩ để thành công không chỉ cần sự thông minh mà còn cần sức khỏe để làm việc và vượt qua các stress công việc. Vì thế, ngay từ bây giờ, các bạn cần phải rèn luyện sức khỏe hằng ngày", anh Tuấn chia sẻ.

FPT truyền tải thông điệp về niềm đam mê để theo đuổi ước mơ đến sinh viên qua gameshow nhỏ.

FPT truyền tải thông điệp về niềm đam mê để theo đuổi ước mơ đến sinh viên qua gameshow nhỏ.

Sau phần hỏi đáp, hai CEO cùng các sinh viên chia thành hai đội chơi tham gia gameshow tìm hiểu về các vấn đề tự nhiên, xã hội và FPT qua 20 câu hỏi và trả lời nhanh. Dù đội của anh Triều chiến thắng nhưng cả hai đội chơi đều được nhận quà.

Qua trò chơi, thông điệp mà chương trình muốn gửi gắm chính là dù ở cương vị nào nếu chúng ta đam mê, quyết tâm, có định hướng rõ ràng sẽ dẫn đến thành công.

d

Chị Trịnh Thu Hồng, Trưởng Ban Nhân sự FPT, trao học bổng cho những sinh viên xuất sắc.

Trước khi kết thúc chương trình, FPT đã tổ chức bốc thăm trúng thưởng và trao học bổng cho 3 sinh viên xuất sắc. Các sinh viên Nguyễn Văn Minh, Vũ Phương Vy, Bùi Minh Tuấn mỗi người được nhận suất học bổng 2 triệu đồng từ Trưởng ban Nhân sự FPT Trịnh Thu Hồng.

Nguyễn Ngọc Đạt, sinh viên lớp Kỹ sư tài năng, nhận xét, chương trình rất hay và bổ ích, bởi những chia sẻ của hai CEO FPT đã giúp cậu định hướng công việc trong tương lai. "Tuy vậy, cơ hội việc làm trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT chưa được thể hiện nhiều ở buổi giao lưu này", Đạt góp ý.

Nhóm phóng viên

 

Ý kiến

()