Chúng ta

'Chỉ cần con ở lại, bố mẹ sẽ cố gắng từng ngày'

Thứ tư, 8/4/2015 | 16:57 GMT+7

Đã 3 năm nay, câu chuyện bé Khánh Minh, con trai chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (FPT IS Bank), mắc chứng bại não co cứng do bị vàng da bệnh lý từ lúc chào đời khiến cho bất cứ ai biết chuyện đều không khỏi nghẹn lòng.

IMG-5531-JPG_1428481358_1428481370.jpg

Người FPT IS đã đóng góp hơn 340 triệu đồng ủng hộ cho bé Khánh Minh đi chữa bệnh. Ảnh: NVCC.

Khánh Minh ra đời vào tháng 9/2012, là tình yêu của cặp duyên công sở - chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga và anh Phan Phú Lâm (cựu cán bộ FPT IS), là những mong chờ, hy vọng theo suốt dự án Lào Việt Bank cho đến khi dự án chính thức triển khai.

Niềm vui ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn 5 ngày khi gia đình phát hiện bé bị vàng da bệnh lý, chất bilirubin trong máu con đã vượt ngưỡng chịu đựng của vỏ não, tỷ lệ sống sót là 1/700. Bằng tất cả nỗ lực, gia đình đưa con đi thay máu và bị bác sĩ trả về do không cứu được nữa để gia đình lo hậu sự. “25A không có ở đây”, lời bác sĩ nói khi chị Nga lên phòng bệnh tìm con đã khiến chị chết ngất. Rồi nhờ y tá tìm kỹ, chị cũng thấy con được đẩy vào trong góc, người gầy sọp, hai mảng mông con đã bị loét ra vì không được thay bỉm tã. Con hôn mê bất tỉnh, truyền đạm không đáp ứng, những giọt sữa mẹ mà chị Nga nghĩ là cuối cùng đã giúp con tỉnh lại. “Chỉ cần con ở lại, bố mẹ sẽ cố gắng từng ngày”, chị mừng tủi đón con về dù bác sĩ cảnh báo con có thể sẽ phải sống đời thực vật.

Về rồi, con lại vào viện hàng tháng trời vì bệnh viêm phổi. Hai tháng sau sinh không được ngủ, lòng thương con vô bờ đã khiến chị Nga không thể ngã gục. Sáu tháng sau con khá hơn, chị lại mừng hơn được chút. Rồi đó cũng là lúc chứng co cứng của con tăng dần. Đến bây giờ, dù đã 3 tuổi, nhưng con chỉ được hơn 10 kg, con không thể ngồi, không thể đi, không thể vận động, cả ngày đều phải gồng người, co cứng và đau đớn. Mấy hôm thời tiết thay đổi, Khánh Minh đau không ngủ được, thức ròng đến sáng. Chị Nga đưa con đi điện não đồ để xem có đủ điều kiện cấy tế bào gốc không, con cũng không ngủ được dù đã uống thuốc ngủ. Hai mẹ con lại bế nhau về.

Gia đình chị đưa bé đi chạy chữa khắp nơi, đưa sang Singapore nhưng con quá gầy, chưa đủ cân để làm. “Còn nước, còn tát”, cả nhà chị trông cậy ở các bác sĩ Bệnh viện Vinmec với phương pháp cấy tế bào gốc dù đây là cách chữa có nhiều rủi ro khi điều trị, tác động trực tiếp lên tủy của bé. Tại Vinmec, đã có 150 bé cấy tế bào gốc, trong đó một bé có biến chứng và qua đời, 95% còn lại có đáp ứng, nhưng chỉ 70% trong số đó đáp ứng tốt.

Ba năm rồi, mỗi ngày hai lần chị Nga tất tả ngược xuôi đi làm rồi đưa con đi bấm huyệt, làm vật lý trị liệu. Vẫn biết con đường hồi phục còn xa lắm, nhưng chị vẫn mong con sẽ bớt co cứng, để bớt đau đớn, rồi việc làm trị liệu để con vận động được chắc sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa.

Các đồng đội của chị từ khi biết chuyện đã thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình. Có khi là những e-mail mách chỗ nọ, chỗ kia bấm huyệt, trị liệu tốt; có khi là những lời tâm sự, hỏi han và cả những giúp đỡ bằng tiền mặt. Năm 2013, hơn 340 triệu đồng của đồng nghiệp FPT IS đã chuyển tới tay anh chị, phần nào giúp anh chị trang trải chi phí chữa bệnh cho bé, vững tâm hơn đi tiếp chặng đường dài. 

“Cảm xúc của tôi suốt 3 năm nay chỉ gói gọn trong hai từ “biết ơn”. Sau này, khi con lớn hơn, tôi sẽ nói cho con biết về sự giúp đỡ của mọi người, để con luôn nhớ rằng sự hồi sinh của con là quyết tâm, là kiên trì của bố mẹ, là dũng cảm kiên cường của con và là tấm lòng của mọi người ở FPT đã dành cho con”, chị Nga xúc động chia sẻ.

Nguyễn Mơ

Ý kiến

()