Chúng ta

'Tôi là tài năng trẻ'

Thứ bảy, 26/10/2013 | 09:51 GMT+7

Thực lòng mà nói, tôi rất tự hào khi được nói rằng tôi là một thành viên của Trung tâm Tài năng trẻ FPT (FYT).
> 'Quên ăn quên ngủ để làm chủ công nghệ'

Trung tâm Tài năng trẻ FPT đã hoạt động được gần hai năm nhưng có lẽ không nhiều người FPT biết đến, thậm chí trong những thành viên mới cũng không phải nhiều người biết tới. Kể ra thì cũng dài nhưng FYT cũng là một phần lịch sử FPT, và tất nhiên là một phần cuộc sống của tôi.

Tôi là một người vốn rất có duyên nợ với FPT. Từ những ngày còn học cấp 3, chẳng biết FPT là gì thì cũng đã biết tới mạng TTVN hồi đó rất nổi tiếng. Và tất nhiên tôi cũng cố tìm cho mình một account để chui vào xem xét. Hồi đó đối với tôi, TTVN là một thứ gì đó rất cao siêu và FPT là một người khổng lồ.

Anh Đắc hiện đang làm việc tại FPT Software. Ảnh: S.T.

Anh Đắc hiện đang làm việc tại FPT Software. Ảnh: S.T.

Sau đó hai năm, tôi trở thành sinh viên Đại học Bách khoa. Lúc này TTVN trở thành một phần vô cùng gắn bó. Những dòng nhắn tin vui nhộn, những bức thư ngắn ngủi, trở thành những kỷ niệm thật khó quên. FPT, chính xác hơn là FOX (nay là FPT Telecom), trở thành một người bạn bên cạnh tôi. Và sau đó hai năm, khi chuẩn bị bước sang năm thứ 3 tại trường đại học, tôi đã đánh liều gửi thư xin vào làm tại FOX.

Quả thật là tôi không tự tin chút nào lúc đó vì tuy có được một chút thành tích trong quá khứ nhưng thực tế lúc đó kiến thức tôi còn rất hạn chế, cộng với khả năng giao tiếp không phải là tốt và một vẻ bề ngoài thật khó vừa mắt. Người trả lời bức thư của tôi là chị Chu Thị Thanh Hà. Bức thư rất ngắn với nội dung là tới để nói chuyện về công việc. Ngay từ lần đầu nói chuyện, tôi đã không còn lo lắng. Chị Hà rất quan tâm và chú ý lắng nghe. Tôi cũng "khai" thật rằng tôi mới chỉ là một sinh viên mà thôi. Và với sự ngạc nhiên lớn của tôi, chị Hà nhận tôi vào làm cộng tác viên của FOX.

Mọi thứ thay đổi quá nhanh chóng với tôi. Tôi vừa học, vừa làm, bận rộn và vui vẻ. Tôi trở nên khác hẳn, gọn gàng và đàng hoàng hơn trong nếp sống, nhẹ nhàng và tâm lý hơn trong ăn nói. Tôi cũng tham gia vào các hoạt động của FOX như văn nghệ, bóng đá. Và tôi đã được quen với anh Thành Nam trong một lần đá bóng tại sân Quán Thánh.

Sau đó một thời gian, vì bận học tập tại trường và các công việc khác, tôi đã nghỉ làm ở FOX. Sau đó khoảng nửa năm, một hôm, tôi gọi điện cho Nam vì nghe nói anh Nam định lập một nhóm các sinh viên gì đó. Anh nói rằng cũng đang nhen nhóm ý tưởng và còn đợi xem những người khác thế nào. Một thời gian ngắn sau, tôi, anh Nam cùng với hơn 10 người khác đều là sinh viên đã gặp nhau tại FSU1, hồi đó còn ở 23 Láng Hạ.

Lúc đó anh Nam trình bày ý định thành lập một nhóm những học sinh, sinh viên có năng lực và cho tự nghiên cứu những gì nhóm thích. Tất cả những người có mặt đều rất thích thú với ý tưởng và cùng nhau đưa ra kế hoạch. Nhóm TYT ra đời từ đó. Ngay cái tên cũng đã làm chúng tôi mất không ít thời gian để tranh luận. Thực ra đến bây giờ tôi cũng không nhớ chính xác TYT là cái gì nữa, hình như là Top Young Talents hay là "Toàn ý Tưởng" gì đó.

Tuy nhiên ý tưởng này không kéo dài được lâu vì nhiều lý do. Thứ nhất là tổ chức còn rất lộn xộn, chẳng có ai quản lý hay điều hành gì cả. Thứ hai là lịch họp cũng khó thống nhất vì toàn là sinh viên, mỗi đưa một lịch khác nhau. Về điều này tới bây giờ xem ra cũng chưa hẳn đã khắc phục được với FYT. Trong thời gian đó, tôi cũng đã biết được một số người làm tại FSU1 lúc đó như anh Lâm Phương, anh Dũng "Béo".

Sau một thời gian có được vài hoạt động, thấy khó có thể tiếp tục phát triển như vậy, đồng thời với việc anh Bình quyết định thành lập Trung tâm Tài năng Công nghệ trẻ FPT, toàn bộ nhóm TYT của chúng tôi được anh Nam xúi đi thi vào Trung tâm. Hồi đó đa số thi là vì nghe anh Nam quảng cáo hoạt động rất hấp dẫn, tiêu chí rất đáng nể và lại còn có học bổng hàng tháng.

Ngày 25/12/1999, Trung tâm Tài năng Công nghệ trẻ FPT, gọi tắt là FYT, chính thức làm lễ thành lập tại khuôn viên Khoa quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thực ra trước đó các thành viên đã họp và có thời gian khoảng 1-2 tuần để làm quen với nhau.

Số người của TYT vào trung tâm khoảng 7-8 người và thực sự là chủ lực của tài năng trẻ cho đến ngày hôm nay. Trung tâm được trang bị một loạt máy tính mới cóng, cấu hình mạnh và cả một máy chủ của Compaq. Xem ra mọi người rất hể hả với những gì Trung tâm có trong tay. Nếu tôi không lầm thì một bức ảnh chụp hai thành viên đang xem xét cái máy mới trong ngày đầu khai trương đã được rất nhiều báo của ta có, của tây có, sử dụng rất nhiều lần trên các mặt báo.

Hồi đó hoạt động của Trung tâm thực sự đáng nể. Thường xuyên có những hoạt động công nghệ, các buổi thảo luận, các buổi ngoại khóa. Và trung tâm cũng đã lần đầu tiên tổ chức được một cuộc thi đánh cờ qua mạng. Cuộc thi được tổ chức trong một thời gian khá dài, thu hút tất cả các thành viên. Trận chung kết và buổi lễ tổng kết đã được tổ chức rất trọng thể với sự góp mặt của nhiều quan khách. Cho tới nay, chắc chắn các thành viên FYT vẫn không thể quên được cuộc thi này.

Thời gian sau đó có một số thành viên đi du học, mở đầu là Đặng Thanh Hải và Hoàng Mạnh Hùng. Sau đó có một loạt các thành viên theo nhau đi học nước ngoài. Cho đến nay các thành viên FYT đã có mặt rất nhiều nơi trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Singapore...

Năm 2000, Trung tâm tuyển thêm khóa 2, khóa này gồm toàn các thành viên của các đội tuyển đi thi Olympic quốc tế trở về. Việc tuyển thêm thành viên diễn ra khá thầm lặng. Hoạt động của Trung tâm thời gian này vẫn khá sôi nổi, đặc biệt là các buổi nói chuyện của các danh nhân, những chính trị gia, giáo sư đầu ngành. Các buổi nói chuyện đã đem lại cho các thành viên rất nhiều kiến thức về đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội. Có những buổi đích thân anh Bình tới giảng cho cả Trung tâm.

Trong thời gian này có một cuộc thi lớn diễn ra, đó cuộc thi viết ứng dụng từ điển Anh-Việt online. Trung tâm được chia ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có một leader với nhiệm vụ là viết được một từ điểm trực tuyến Anh-Việt. Cuộc thi khá khó khăn vì bắt buộc phải dùng JSP là một môn chưa phổ biến lắm lúc đó. Buổi bảo vệ sản phẩn diễn ra với sự góp mặt của rất nhiều quan khách. Ban giảm khảo gồm các chuyên gia về công nghệ và ngôn ngữ. Mỗi sản phẩm có những nét đặc sắc và rất ấn tượng. Và giải nhất thuộc về nhóm của Vương Vũ Thắng với sản phẩm Intelligent Dictionary. Sản phẩm này đã được đưa vào thực tế.

Sang năm 2001, trung tâm tiếp tục tuyển sinh khóa 3. Đây là một đợt thi khá gay go, tới gần 80 người đăng ký mà chỉ chọn có 10 người. Những thành viên khóa mới ngay lập tức đã chứng tỏ được tài năng của mình. Một loạt các hoạt động mới được triển khai, một loạt các tư tưởng và cách làm mới được đưa vào thực hiện.

Cho dù sau này có làm gì, có ở nơi đâu. FYT vẫn là một phần kỷ niệm, một phần cuộc sống của tôi. Hay nói đơn giản như lời một thành viên của FYT đang du học tại Mỹ: "Anh em sống chết với nhau, quên thế nào được". Và tôi vẫn sẽ mãi tự hào khi nói rằng: "Tôi là một tài năng trẻ".

Nguyễn Tất Đắc

(Theo Sử ký FPT 10 năm

 

Ý kiến

()