Chúng ta

'Nghiệp sư phạm mới là cuộc sống thật sự'

Thứ bảy, 19/11/2011 | 12:43 GMT+7

Trầm tĩnh, không ồn ào, chân thành trong ứng xử cùng với niềm đam mê và nhiệt huyết dành cho nghề giáo chính là những điều khiến sinh viên ĐH FPT HCM luôn yêu mến cô Ma.Luisa Imperial Lo, giảng viên tiếng Anh.

Nét đẹp dịu dàng của người con gái đến từ đất nước Philippines cho người đối diện cảm giác thân quen ngay từ lần đầu gặp mặt. Cái tên Ma. Luisa Imperial Lo dần trở nên thân quen với sinh viên ĐH FPT, mà học trò vẫn gọi thân mật là Ms Luisa.

a

Cô Luisa có niềm đam mê và nhiệt huyết dành cho nghề giáo.

Vào những năm cuối thế kỉ 20, công nghệ thông tin là một ngành rất hấp dẫn ở Philippines. Sự hấp dẫn của những phần mềm cùng nhiệt huyết tuối 18, cô đã quyết định chọn theo học chuyên ngành công nghệ thông tin. Thế nhưng khi tốt nghiệp Đại học Holy Angel, để xin việc đúng chuyên ngành thời điểm này lại trở nên khó khăn. Trong thời gian chờ đợi, cô được người bạn thân giới thiệu làm giáo viên tiếng Anh bán thời gian cho các bạn Hàn Quốc sinh sống ở Philippines. Chính sự tình cờ ấy, đã đưa cuộc đời cô rẽ sang một con đường mới - con đường đầy thách thức nhưng lại có vô vàn hạnh phúc.

"Bật mí" về cô Luisa

Ngày tháng năm sinh: 24/8

Thích nhất măng cụt và bánh xèo.

Ước gì hát được bài “”Đổi Thay” bằng tiếng Việt.

Cũng từ đó, cuộc sống của cô liên tục có những bất ngờ thú vị và có lẽ Việt Nam là món quà kỳ lạ nhất. Tháng 9/2007, lần đầu tiên cô đến Việt Nam trong một kỳ nghỉ kéo dài một tháng theo lời đề nghị của người chị ruột làm việc tại Resort ở Phan Thiết. Những ấn tượng đầu tiên trên đất Việt làm cô có chút hụt hẫng và chỉ muốn quay về nhà. Vốn hình dung trong trí tưởng tượng Việt Nam rất giống Philippines, cô không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy quá nhiều cây cối và cả một dòng sông dài, rộng khi chiếc máy bay đáp xuống phi trường. Một tháng dần trôi cho cô nhiều khám phá mới mẻ về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là món ăn. Cô rất thích bánh xèo và bị hấp dẫn với các loại rau đi kèm món đặc sản này. Cô kể ở Philippines cô đã từng thấy các loại lá đó, nhưng không nghĩ là có thể ăn được, mà còn ăn rất ngon. Đến bây giờ cô đã ăn và kể tên được rất nhiều loại rau, trái cây bằng tiếng Việt.

a

Mỗi giờ lên lớp của cô đều cho sinh viên ĐH FPT HCM những khám phá mới mẻ, thú vị.

Cô Luisa chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến Việt Nam làm việc, vì cô đang có một công việc ổn định ở Philippines - giáo viên tiếng Anh. Vậy mà sau một tháng du lịch cùng với lời đề nghị của chị ruột, cô đã quyết định trở lại Việt Nam. Trong 3 năm sống và làm việc ở đây, cô được nhận dạy ở các trung tâm Anh ngữ trong TP HCM. Tuy vậy, đây không phải là một công việc ổn định. Cô đã thật sự yêu nghề giáo nhưng việc dạy ở các trung tâm làm cô thấy chán nản và bấp bênh. Thêm vào đó việc đi lại gặp khó khăn, thích nghi chưa tốt với khí hậu hai mùa mưa nắng, đặc biệt mùa nóng kéo dài gần 6 tháng (Philippines chỉ có khoảng 3 tháng) nên cô càng muốn quay về Philippines hơn. Giữa năm 2010, cô quay trở lại quê nhà.

Thế nhưng, cái duyên với Việt Nam chưa hết. Cô vẫn muốn tiếp tục làm việc ở đây. Và lần này cô quyết tâm phải quay lại với một công việc thật ổn định.

Cho đến hôm nay, cô vẫn nghĩ mình thật may mắn khi được dạy ở ĐH FPT HCM. Trong thời gian trở về Philippines vào năm ngoái, cô đã nộp đơn trễ hạn tuyển dụng của ĐH FPT HCM. Cô nghĩ mình sẽ không được nhận, nên tìm kiếm một nơi khác. Thật không ngờ, ĐH FPT HCM mở đợt tuyển dụng lần hai và sau đó không lâu, cô nhận được mail và vé máy bay từ ĐH FPT HCM. Một con đường mới mở ra ở ĐH FPT HCM.

a

Cô Luisa (hàng dưới, bên trái) quan niệm, sinh viên đã trưởng thành và cần cho các bạn một suy nghĩ riêng về tương lai và cách học tập.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên được học cô, ấn tượng ngay với gương mặt xinh xắn, gần gũi và một phong cách trang phục rất teen. Sự cố nho nhỏ trong ngày dạy đầu tiên đã giúp chúng tôi và cô gần gũi hơn. Mỗi khi nhắc lại cô đều mỉm cười và thừa nhận ngày đầu ở ĐH FPT HCM với cô không dễ dàng chút nào.

Làm việc với sinh viên ĐH FPT HCM, cô phải nỗ lực không ngừng. Thời gian cho việc chuẩn bị giáo án rất nhiều. Chương trình học tại ĐH FPT HCM không chỉ đòi hỏi sinh viên phải học tập chăm chỉ và ngay cả giáo viên cần phải đầu tư chu đáo bài giảng. Với khối lượng kiến thức khổng lồ từ giáo trình, cô phải tìm kiếm thêm thông tin trên các trang mạng, nghiên cứu cách dạy nào cho sinh viên dễ hiểu nhất. Những thuật ngữ trong các giáo trình tiếng Anh kinh tế so với sinh viên - những người còn thiếu kinh nghiệm thực tế, thực sự là rất khó “tiêu hóa”.

Người Việt dạy người Việt đã khó, với một giáo viên nước ngoài như cô càng khó hơn. Với sinh viên, cô không bao giờ bắt buộc mà luôn để cho sinh viên có một khoảng không gian riêng với ý thức học tập. Bạn sẽ không bao giờ nghe từ cô những câu như “Close your laptop!”, “Please follow me”, “Pay attention”. Cô luôn nghĩ sinh viên đã trưởng thành và cần cho các bạn một suy nghĩ riêng về tương lai và cách học tập. Điều đó không đồng nghĩa là cô bỏ rơi sinh viên của mình. Những bài giảng của cô sẽ không bao giờ làm sinh viên có thể rời mắt. Cô luôn thiết kế các trò chơi, tìm các clip hay minh họa cho bài học đồng thời cũng để sinh viên tăng khả năng nghe và phản xạ. Mỗi khi nhận một lớp mới, cô đều dành những buổi đầu quan sát, tìm hiểu về tính cách của lớp để thiết kế những hoạt động bổ trợ bài giảng phù hợp. Mỗi giờ lên lớp của cô đều cho sinh viên ĐH FPT HCM những khám phá mới mẻ, thú vị.

Mỗi sinh viên mang một cá tính. Tuy vậy, cá tính đó có thể thay đổi khác nhau theo từng giai đoạn. Chính vì thế, cô Luisa nghĩ đó là thách thức và cũng là điều thú vị khi cô đứng lớp. Cô luôn tự đặt ra cho bản thân những câu hỏi như: “Làm sao để khuyến khích những sinh viên rụt rè phát biểu, làm sao để cân bằng hoạt động giữa các sinh viên hướng ngoại và hướng nội…?”. Những câu hỏi này cũng khiến cô trăn trở mỗi khi soạn giáo án.

a

Với cô, công nghệ thông tin có lẽ chỉ là chút bồng bột tuổi trẻ, muốn khẳng định mình, còn nghiệp sư phạm mới là cuộc sống thật sự.

Khi được hỏi cô nghĩ sao về khả năng tiếng Anh của sinh viên. Cô đã thẳng thắn nhận xét, các bạn rất giỏi về ngữ pháp, phát âm cũng tốt. Nếu viết bài luận tiếng anh, các bạn làm tốt, nhưng khi nói thì chưa ổn. Các bạn không kết hợp tốt phát âm và ngữ pháp cùng một lúc. Khi bạn nói tiếng Anh, đừng suy nghĩ quá nhiều, hãy tập cho mình sự tự tin. Nếu bạn suy nghĩ quá nhiều, quá chi li, bạn sẽ rụt rè, ấp úng khi nói và sẽ nói sai ngữ pháp, phát âm nhiều hơn. Đó là điều mà cô Luisa gửi gắm từ những kinh nghiệm thực tế trong việc học ngoại ngữ của chính mình. Cô rất vui khi nhìn thấy sinh viên ĐH FPT HCM thích xem phim và nghe nhạc tiếng Anh. Cô mong rằng các bạn không chỉ nghe giai điệu, nhìn hình ảnh mà hãy tập trung vào cách phát âm, nối từ. Nhất là khi xem phim, cô khuyên sinh viên nên tập trung nhìn vào cách diễn viên mở khuôn miệng khi phát âm một từ nào đó. Sau đó, hãy cố gắng áp dụng những câu mình nghe được vào thực tế.

Bất cứ một nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn riêng, cũng đòi hỏi phải có niềm đam mê và sự đầu tư. Nói về nghề giáo, với những gì đã và đang trải nghiệm thì cô đã nghĩ rằng cô sinh ra cho nghề này. Cô sinh ra để mang niềm đam mê của mình truyền cho sinh viên. Với cô, công nghệ thông tin có lẽ chỉ là chút bồng bột tuổi trẻ, muốn khẳng định mình, còn nghiệp sư phạm mới là cuộc sống thật sự.

Tính đến hết tháng 10/2011, ĐH FPT có khoảng 23 giảng viên đến từ các nước Pháp, Mỹ, Singapore, Philippines, Australia giảng dạy môn như tiếng Anh, IT… Trong đó, giảng viên đến từ Philippines đông nhất khoảng hơn 10 thầy cô. Môn tiếng Anh là môn có nhiều giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy nhất.

Bài và ảnh: Yến Trang - Phúc Lữ

Ý kiến

()