Chúng ta

Bí kíp ‘vượt vũ môn’ của sinh viên tài năng FYT

Thứ bảy, 4/10/2014 | 11:30 GMT+7

Không những phải vượt qua vòng sơ tuyển hồ sơ vô cùng khắt khe với tỷ lệ “chọi” cao, các thí sinh Trung tâm Tài năng trẻ FPT (FYT) còn phải vượt qua 4 vòng thi chính thức với độ khó tăng dần.
> 228 hồ sơ dự tuyển FYT / 135 sinh viên giỏi lọt qua vòng chọn hồ sơ của FYT

a

Để vượt qua vòng phỏng vấn, Anh Vũ phải viện trợ đến các "Ban giám khảo" ở quanh khu trọ trợ giúp. Ảnh: FYT.

Trong số 4 vòng thi, Lương Anh Vũ (thành viên FYT khóa 14) cho rằng vòng đầu tiên (thi IQ, GMAT, tiếng Anh) là khó nhất. Cậu vẫn nhớ bản thân được khoảng 3-4/20 điểm trong khi những thí sinh cao điểm nhất cũng chỉ được 7/20. “Đề thi do các cựu FYT đang du học ở các nước gửi về nên rất khó, bọn mình chưa bao giờ gặp trên mạng”, Lương Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, muốn vào được đến vòng này, vòng dự tuyển hồ sơ cũng cần chú trọng bởi tiêu chí cao nên rất dễ trượt. “Khi làm hồ sơ cần cố gắng liệt kê hết toàn bộ thành tích đạt được từ thời đi học để gây ấn tượng với Ban tuyển sinh”, Lương Anh nhớ lại.

Để đối phó với đề thi IQ, cậu xem fanpage của FYT bởi các thành viên khóa trước thường đưa các câu hỏi của đề năm trước lên cho mọi người tham khảo.

Lương Văn Thiện (FYT khóa 13) lại có bí kíp riêng luyện IQ là thường tham khảo một số bài IQ trong phần thi Tăng tốc ở cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia để tập phản xạ. “Đề thi rất dài và khó so với thời gian cho phép, không nên mất nhiều thời gian vào một bài”, Thiện nhắn nhủ.

Theo quan sát của Trần Thị Thu Hương (cựu FYT), đề IQ thường có một vài câu liên quan đến dãy số, dãy chữ cái, số thứ tự tương ứng nên khi làm bài phải thật chắc chắn vì sau đó không có thời gian xem lại.

a

Bí kíp riêng luyện IQ của Thiện là thường tham khảo một số bài IQ trong phần thi tăng tốc đường lên đỉnh Olympia để tập phản xạ. Ảnh: F.B

Vượt qua được vòng này, các thí sinh phải đối mặt với bài thi luận hóc búa do chính Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ra đề.

“Mình là dân kỹ thuật, không có nhiều kinh nghiệm nên đành nghĩ thế nào viết vậy, bày tỏ đúng suy nghĩ, quan điểm của mình chứ không văn vẻ, hoa mỹ”, Anh Vũ chia sẻ.

Còn thành viên được điểm bài thi luận cao nhất khóa 13 - Lương Văn Thiện thì "bật mí" điều quan trọng nhất khi làm bài là phải đưa ra được lập luận sắc bén, thuyết phục, luận cứ luận điểm rõ ràng thể hiện được "cái tôi", đồng thời cũng cần biết “phiêu” một chút. Thiện cũng lưu ý các thí sinh “không nên viết ngắn quá”.

Kinh nghiệm của Thu Hương lại đơn giản hơn, đó là viết đúng suy nghĩ của mình, sát với bản thân nhất. “Mình đã viết rất thật với suy nghĩ, có lẽ đó cũng là một trong những cách dễ thuyết phục người chấm. Sau đó cũng liên hệ thực tế theo cả quá trình lịch sử. Đây là lần đầu tiên mình có cơ hội viết thật thoải mái những suy nghĩ của mình, viết như một cơ hội hiếm có được viết”, cô bày tỏ.

a

Các thành viên FYT tham gia tìm hiểu về SmartOshin với Ban Công Nghệ FPT. Ảnh: C.T.

Bên cạnh vòng thi luận, các thí sinh còn phải trải qua vòng phỏng vấn. Đây là vòng thi tương đối khó bởi đa phần thí sinh đều đang học năm thứ nhất và thứ hai đại học nên chưa có kinh nghiệm. “Mình sợ nhất là vòng phỏng vấn vì chưa có kinh nghiệm đi phỏng vấn bao giờ nên phải huy động cả mấy bạn cùng nhà trọ tham mưu, đặt ra các tình huống. Cũng may là quen các anh trong nhóm công nghệ của FYT khóa trước nên có tham khảo thêm kinh nghiệm của mọi người”, Lương Anh Vũ nhớ lại. Kết quả, với sự chuẩn bị chu đáo và tự tin, cậu được điểm khá cao ở vòng thi này và được Ban giám khảo đánh giá cao.

 Với Vũ, việc gia nhập FYT là một bước ngoặt lớn trong quãng đời sinh viên bởi tại đây cậu được tham gia nhiều hoạt động giúp phát triển bản thân như tham gia các cuộc thi, trò chơi do mọi người tự tổ chức để tăng kỹ năng hùng biện. Bên cạnh đó, cậu cũng được làm việc nhóm, giao lưu cùng các khách mời nổi tiếng để có thêm kiến thức...

“Những giá trị mà FYT mang lại tưởng chừng vô hình nhưng lại vô cùng có ích, quan trọng hơn cả là mình có thêm các mối quan hệ và học hỏi được nhiều điều mà không trường lớp nào dạy”, một thành viên FYT nhận định.

Năm 2014, FYT sẽ tuyển 30 thí sinh xuất sắc nhất gia nhập trung tâm.

Ngày 5/10, các thí sinh sẽ trải qua vòng thi đầu tiên gồm IQ, Logic, tiếng Anh và Kiến thức xã hội. Sau đó, những thí sinh có năng lực sẽ vượt qua các vòng thi Viết luận, Teamwork và Phỏng vấn để được chọn là thành viên chính thức của FYT.

Đồng Bằng

Ý kiến

()