Chúng ta

Thái độ là bí quyết để thành công

Thứ bảy, 9/5/2015 | 20:33 GMT+7

Sẵn sàng tham gia bất cứ công việc gì, làm với sự cố gắng cao nhất... chính là con đường đưa các nữ tướng FPT đi đến thành công.

Lần thứ hai tổ chức tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, CEO Talk diễn ra sáng nay (ngày 9/5) đã đem đến cho gần 500 sinh viên những câu chuyện thú vị của các nữ tướng khi đầu quân vào FPT lúc còn đi học. Những vấn đề được quan tâm nhất vẫn là: Cơ hội và thách thức cungf cách vượt qua khó khăn trong công việc.

Cả ba nữ tướng của FPT Telecom đều đã có trải nghiệm tại nhiều vị trí công việc khác nhau.

Cả ba nữ tướng của FPT Telecom đều đã có trải nghiệm tại nhiều vị trí công việc khác nhau.

Trả lời câu hỏi của sinh viên Hồ Thị Phương Nhi (khoa Kinh tế quốc tế), về mức độ quan trọng của bằng cấp, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà nhận định, đứng ở góc nhìn của nhà tuyển dụng, một hồ sơ có bằng cấp loại ưu, giỏi luôn giành lợi thế. Bởi vậy, bằng cấp cũng là yếu tố quan trọng khi đi xin việc. Tuy nhiên tại FPT, đó chỉ là điều kiện cần mà không phải là điều kiện đủ. "Những trải nghiệm trong hoạt động văn hóa, đoàn thể, những kỹ năng mềm cũng là hành trang rất tốt cho sinh viên khi đi làm", chị nói.

Cuối năm 1993, cô sinh viên năm 2 chuyên ngành Marketing của Đại học Kinh tế quốc dân xin vào làm tại FPT. Ở thời điểm ấy, mức lương mà công ty trả cho chị Hà chỉ bằng khoảng 1/10 so với công việc dịch tiếng Anh part-time mà chị tham gia. Thế nhưng, chị vẫn quyết định nhận vị trí nhân viên bán hàng, kiên nhẫn gõ cửa từng cơ quan, tổ chức để bán máy tính với đồng lương ít ỏi, bấp bênh.

"Tôi nhận ra FPT rất khác biệt. Ở đây có rất nhiều người giỏi, chỉ cần có gì vướng mắc, các anh chị sẵn sàng trao đổi và giúp đỡ. Hơn nữa, được làm những gì mình thích và cho là đúng là điều không phải doanh nghiệp nào cũng có được", Chủ tịch FPT Telecom nói về lý do gắn bó với công ty.

Đại diện FPT trao quà cho hai sinh viên có kết quả học tập tốt.

Đại diện FPT trao quà cho hai sinh viên có kết quả học tập tốt.

Ở FPT, chị Hà được đón nhận nhiều cơ hội, thử sức tại nhiều vị trí. Từ một nhân viên bán máy tính, chị chuyển sang bán phần mềm. Mỗi công việc, chị luôn cố gắng tìm ra cách làm tốt hơn, bởi vậy, sau những nỗ lực của mình, chị trở thành Phó TGĐ FPT vào năm 2011.

Trước đó, chị cùng với 3 đồng nghiệp khác là những người đã sáng lập ra Trung tâm Dịch vụ trực tuyến (tiền thân của FPT Telecom bây giờ). Sau 18 năm phát triển, từ 4 người ban đầu, đến nay, FPT Telecom đã hiện diện tại 60 tỉnh thành trên cả nước và có hơn 11.000 CBNV đang làm việc.

Trần Thị Thu Hà (Khoa Quản trị Nhân lực) thắc mắc: "Làm thế nào để yêu công việc mà từ đầu đã không yêu công việc ấy?", Phó TGĐ FPT Telecom Vũ Mai Hương cho rằng, kể cả là công việc không như bản thân mong đợi, mỗi người vẫn phải cố gắng làm hết mình. "Có nhiều lý do khiến chúng ta không yêu công việc, có thể do chưa hiểu hết giá trị của công việc đó. Nhưng về cơ bản, tôi cho rằng, dù có thể không đi đến cùng nhưng hãy cố gắng một cách tối đa".

Là sinh viên CNTT của ĐH Bách khoa Hà Nội, chị Hương đến với FPT theo lời mời của TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, với sự háo hức và hiếu kỳ về ngành "CNTT đỉnh cao", mang lại giá trị thực tiễn trong cuộc sống.

Theo nhu cầu phát triển ngày một lớn của tập đoàn, chị được trải nghiệm ở rất nhiều vị trí và lĩnh vực. Mặc dù là dân Kỹ thuật, chị cũng đã kinh qua công việc tại các đơn vị như Phần mềm, Hệ thống thông tin, Chứng khoán... Từ năm 2009, với sự bùng nổ của FPT Telecom, chị chính thức dừng công việc chuyên môn để giữ vai trò quản lý.

Sau 22 năm gắn bó với tập đoàn, Phó TGĐ Công ty Viễn thông FPT luôn xác định việc tự học và thu nạp kiến thức về những công việc mình được giao phó. Dù khiêm tốn cho rằng thành công của mình gắn với tổ chức, song ở tình huống nào, chị Hương cũng làm tốt nhất có thể và luôn ý thức về công việc đó.

Với Giám đốc Trung tâm Telesale Lê Minh Đức, vào FPT là một sự may mắn, khi những năm tháng sinh viên, hoàn cảnh gia đình khiến chị không thể chuyên chú học hành. Cách duy nhất để có thể kiếm việc sau này là tích lũy kinh nghiệm. Bởi vậy, hết năm thứ 3, cô sinh viên ĐH Ngoại thương đăng ký làm cộng tác viên bán hàng cho FPT.

Trong suốt thời gian bươn chải, điều chị Đức chiêm nghiệm được là nữ giới có nhiều lợi thế khi đi bán hàng. Sự bền bỉ, kiên trì chính là chia khóa để chị vượt qua khó khăn. Vì thu nhập gắn với kết quả công việc, làm thế nào để mở rộng khách hàng sử dụng dịch vụ Internet từng khiến chị lo lắng trước sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ.

Để giữ được tâm trạng thoải mái, bình tĩnh, chị Đức thường dựa vào sở thích cá nhân. Theo đó, trước khi đi gặp khách hàng đàm phán, chị tự thưởng cho mình ly sữa và bánh ngọt. Tâm thế thoải mái khi làm việc đã giúp chị chiếm được thiện cảm từ đối tác.

Về vấn đề ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, Trưởng Phòng Tuyển dụng FPT Telecom Nguyễn Quốc Chư cho hay, sinh viên đang lệ thuộc và chuyên ngành mình theo học. Suy nghĩ "học gì làm đấy" khiến các bạn trẻ bỏ qua nhiều cơ hội. Tuy nhiên, để có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng, ngoài những kiến thức, sinh viên cũng phải xác định được mức độ phù hợp của công việc với bản thân, cũng như khắc phục tâm lý "sợ thất bại".

Đây cũng là vấn đề được các diễn giả nhấn mạnh trong phần chia sẻ. Chị Hà nhớ lại: "Khi tôi tuyển Lê Minh Đức vào công ty, tôi nhận thấy cô ấy khác biệt, có những khát khao và đam mê đến tận cùng. Cả hội trường, chỉ có Đức liên tục giơ tay đặt câu hỏi... Sẽ có những công việc rất tốt cho bạn, nhưng chúng tôi cũng luôn đặt ra những khó khăn, như là bước khổ luyện để khám phá tiềm năng của ứng viên. Những người trẻ, tài năng chính là yếu tố giúp FPT phát triển thành công như hôm nay".

Rất nhiều sinh viên mong muốn được đặt câu hỏi với các lãnh đạo.

Rất nhiều sinh viên mong muốn được đặt câu hỏi với các lãnh đạo FPT.

Phùng Ngọc Cường, sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH FPT, nhận xét: "Phần chia sẻ của các diễn giả rất hữu ích cho em cũng như các bạn sinh viên đang tìm kiếm việc làm, hoặc mới ra trường. Bản thân em cũng đang tìm hiểu công việc trong FPT để thử sức mình".

"Thật thú vị là các nữ tướng FPT cũng xuất phát điểm từ sinh viên, điều này giúp em có thêm động lực để bổ sung kỹ năng và thu nạp thêm kiến thức. Em nóng lòng muốn được áp dụng những chia sẻ về kinh nghiệm của các chị. Em sẽ cố gắng tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường và FPT là một mục tiêu để em hướng tới", Vũ Tuấn Anh, Khoa Tin học Kinh tế, nhận xét.

FPT CEO Talk số đầu tiên 2015 đã thu hút gần 500 sinh viên của ĐH Kinh tế quốc dân tham gia. Nhiều câu hỏi đặt ra đã khiến chương trình kéo dài gần quá một giờ so với kế hoạch. Ngoài phần chia sẻ của diễn giả, CEO Talk cũng là dịp để sinh viên ứng tuyển cơ hội việc làm tại FPT. BTC cũng đã trao quà cho hai sinh viên có thành tích học tập tốt của trường. Phần trò chơi và bốc thăm trúng thưởng góp phần hâm nóng buổi nói chuyện.

CEO Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do Ban Nhân sự FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp sinh viên có cái nhìn thực tế, tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo trẻ FPT.

Đây là chương trình thứ 10 được thực hiện trên cả nước, và là chương trình thứ hai diễn ra tại ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội (lần đầu vào tháng 4/2013).

>> Hình ảnh buổi giao lưu FPT CEO Talk

Thanh Nga

Ý kiến

()