Chúng ta

TGĐ FPT IS: 'Cần 5 năm để giảm ùn tắc cho Hà Nội'

Thứ sáu, 7/7/2017 | 16:17 GMT+7

"Để giải quyết triệt để được vấn đề ùn tắc không chỉ có ứng dụng CNTT mà cần phải kết hợp nhiều biện pháp nội bộ từ việc quy hoạch, mở rộng hạ tầng và phát triển các phương tiện giao thông công cộng", anh Phạm Minh Tuấn, TGĐ FPT IS, chia sẻ.

Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, sự thiếu hợp lý trong quy hoạch đô thị đang khiến cho Hà Nội phải đối mặt tình trạng tắc đường thường xuyên với khoảng 40 điểm nóng về giao thông. Trong đó, ô nhiễm không khí, khí thải, ô nhiễm tiếng ồn, ách tắc giao thông gây thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm tới 1% GDP của cả nước. Một nửa trong số đó là thiệt hại tại thủ đô Hà Nội và TP HCM.

Để góp phần giải quyết thực trạng này, trong khuôn khổ hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển", Tập đoàn FPT và UBND TP Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về Ứng dụng CNNT và Viễn thông. Theo đó, FPT sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội theo mô hình cho thuê dịch vụ CNTT. Cụ thể, FPT sẽ chịu trách nhiệm mọi khâu, từ đầu tư hệ thống đảm bảo vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống này dự kiến là 1.700 tỷ đồng. 

bds.jpg

Ngày 25/6, Thành phố Hà Nội và Tập đoàn FPT đã ký biên bản ghi nhớ về việc Ứng dụng CNTT và Viễn thông trong giai đoạn 2017-2020.

Trong bối cảnh Hà Nội và TP HCM luôn là hai điểm nóng về ùn tắc giao thông, liệu việc triển khai hệ thống giao thông thông minh có thể cải thiện được thực trạng đó? Trao đổi về vấn đề này, TGĐ FPT IS Phạm Minh Tuấn, vừa có cuộc trò chuyện trong chương trình “Câu chuyện thời sự” được phát thanh trực tiếp trên VOV1 tần số 100 MHz.

- Anh đánh giá thế nào về thực trạng giao thông tại thủ đô hiện nay, từ đó chia sẻ thêm lý do FPT IS đã dày công nghiên cứu giải bài toán giao thông Hà Nội?

- Giao thông Hà Nội và cả TP HCM đang gây ám ảnh lớn đối với người dân. Đặc thù của Việt Nam cũng khác với các nước trên thế giới do số lượng xe máy quá nhiều và xe máy lại đi chung làn đường với ô tô. Trong khi đó, hành vi tham gia giao thông của người sử dụng xe máy khác xa với hành vi của người lái ô tô. Vì vậy, nếu kêu gọi sự hỗ trợ của các cái nhà khoa học hay các nhà cung cấp giải pháp trên thế giới rất khó bởi họ chưa bao giờ nghiên cứu hành vi người dùng xe máy với số lượng đông như nước ta.

Để giải quyết vấn đề của Việt Nam, tôi tin chỉ có người Việt mới đủ thông tin, kiến thức cũng như sự kiên trì để tìm ra đáp án. FPT đang tiên phong trong việc tìm kiếm giải pháp giao thông tại các thành phố lớn. Đây cũng là vấn đề chung của các nước đang phát triển, nếu Việt Nam giải thành công bài toán này sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu giải pháp giao thông ra nước ngoài.

- FPT và UBND TP Hà Nội sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực nào khi triển khai giao thông thông minh cho thủ đô?

- Để giải quyết vấn đề giao thông, việc ứng dụng CNTT chỉ là một phần. Ngoài ra cần kết hợp các biện pháp đồng bộ như quy hoạch, mở rộng hạ tầng và phát triển vận tải công cộng. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT sẽ có hiệu quả nhanh nhất bởi nó giúp khai thác tối đa hạ tầng giao thông. Hiện tại, FPT và TP Hà Nội đang tập trung vào 6 nhóm giải pháp. 

Đầu tiên là cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông theo thời gian thực để có thể tự điều tiết, lựa chọn hướng đi thuận lợi, tránh ùn tắc. 

Thứ hai liên quan đến vận tải công cộng. Ví dụ, thay vì phải ra bến đứng chờ xe buýt, người dân có thể thông qua một ứng dụng trên mobile hoặc qua Internet để biết được xe buýt tuyến số mấy, bao nhiêu phút nữa đến trạm xe buýt gần nhất nhằm tiết kiệm thời gian chờ đợi.

Thứ ba là việc quản lý chất lượng hạ tầng. Nếu có hệ thống theo dõi tình trạng hạ tầng giao thông để có kế hoạch bảo dưỡng hợp lý sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông, giảm bớt sự cố xảy ra.

Thứ tư là điều tiết các xe cá nhân bởi nếu lượng xe tăng lên quá nhiều sẽ không có hạ tầng giao thông nào đáp ứng được. Thực tế, nhiều phương tiện cá nhân chỉ sử dụng có 30 phút nhưng vẫn mang ra đường và để ở những bãi đỗ xe 7-8 giờ gây lãng phí và cản trở giao thông.

Thứ năm là các biện pháp nâng cao ý thức của người dân. Thứ sáu là đẩy mạnh hiệu quả của tổ chức giao thông, điều khiển đèn tín hiệu.

- Nếu như các phương tiện cá nhân ở Hà Nội và TP HCM vẫn bùng nổ như hiện nay thì việc áp dụng giao thông thông minh sẽ gặp khó khăn như thế nào?

- Việc tăng các phương tiện chắc chắc là áp lực rất lớn cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, hạ tầng hiện nay được sử dụng chưa tối ưu, có chỗ mật độ sử dụng rất cao, nhưng cũng có chỗ chưa được sử dụng nhiều. Do đó, việc áp dụng giao thông thông minh có thể giúp san sẻ áp lực cho hạ tầng đã đầu tư. Ví dụ Hà Nội đã có đường vành đai, từ đó đi vào trung tâm có rất nhiều ngã rẽ, quan trọng là người dân phải chọn ngã rẽ phù hợp. Nếu người tham gia giao thông biết được hướng nào ùn tắc, hướng nào thông thoáng để di chuyển thì sẽ tránh được tình trạng “đâm vào ngõ cụt”.

- Vì sao UBND TP Hà Nội và Tập đoàn FPT lựa chọn triển khai giao thông thông minh theo hình thức cho thuê dịch vụ CNTT?

- Hình thức thuê dịch vụ CNTT rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam khi đất nước đang phát triển và mọi thứ thay đổi rất nhanh. Việc thuê nhà cung cấp dịch vụ sẽ giúp việc nâng cấp diễn ra liên tục để đảm bảo hệ thống luôn phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, các thủ tục hành chính để xây dựng các dự án đầu tư mất từ một đến hai năm, như vậy đến khi chốt được các yêu cầu thì mọi thứ đã trở nên lạc hậu. Vì vậy, chỉ có thuê dịch vụ CNTT mới phần nào đáp ứng được các yêu cầu đặt ra để giải quyết vấn đề này.

- Dự án này sẽ kết nối và tận dụng các cơ sở dữ liệu như là các camera giao thông trước đó ra sao?

- Trong năm 2017, FPT tập trung vào 4 giải pháp chủ yếu để khai thác hạ tầng mà thành phố đã đầu tư như là camera, thiết bị quan sát hành trình, không chỉ của sở giao thông vận tải mà có thể kết hợp với VOV Giao thông để cung cấp được các thông tin giao thông theo thời gian thực cho người dân.

- Số tiền đầu tư là 1.700 tỷ đồng thực ra nhỏ hơn rất nhiều so với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Với số vốn như vậy liệu có giải quyết triệt để bài toán ùn tắc và quản lý giao thông hiện nay?

- Để giải quyết triệt để được vấn đề ùn tắc không chỉ có ứng dụng CNTT mà cần phải kết hợp nhiều biện pháp nội bộ từ việc quy hoạch, mở rộng hạ tầng và phát triển các phương tiện giao thông công cộng. 1.700 tỷ đồng chỉ là giai đoạn ban đầu từ 2017-2020. Giai đoạn này sẽ thiết lập được nền tảng giao thông thông minh cũng như tập trung giải quyết những khu vực đông người qua lại nhất, sau đó sẽ mở rộng ra. Tôi cho rằng cũng phải 5 năm trở lên mới có thể giải quyết được phần lớn các vấn đề giao thông hiện nay.

- Anh nghĩ thế nào về quan điểm "Công nghệ chỉ là một phần, để có giao thông thông minh trong một thành phố thì yếu tố quan trọng là tầm nhìn trong quy hoạch và văn hóa giao thông cũng phải được cải thiện tương xứng”? 

- Chắc chắn CNTT hay giao thông thông minh cũng chỉ là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý Nhà nước. Nó sẽ cung cấp thông tin đầu vào cho Nhà nước một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác để phục vụ công tác quy hoạch tốt nhất, ít sai lệch so với thực tế. 

Về văn hóa giao thông cần phải được đào tạo từ lúc nhỏ, khi trẻ con ra đường thấy người lớn vi phạm giao thông sẽ biết rút ra bài học để thay đổi. Thực tế cho thấy, người Việt Nam ra nước ngoài có ý thức tham gia giao thông rất tốt. Đó không phải là vấn đề văn hóa mà là vấn đề nhận thức. Khi chúng ta thấy người xung quanh tuân thủ thì sẽ tuân thủ theo. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền vẫn cần có sự giám sát và phạt nguội để mọi người biết được khi mình làm sai chắc chắn sẽ bị phạt, từ đó dần thay đổi nhận thức khi tham gia giao thông.

Tử Quyên ghi

Ý kiến

()