Chúng ta

FPT Telecom Sài Gòn ‘chia đất’ cho nhân viên

Thứ năm, 19/11/2015 | 15:16 GMT+7

Sau hai lần bàn thảo vào những năm 2009 và 2011, Viễn thông FPT đã quyết định triển khai cách làm mới tại TP HCM trước khi áp dụng toàn quốc.

Ngày 18/11, FPT Telecom Vùng 5 tổ chức Hội nghị triển khai đề án tái cấu trúc mô hình kinh doanh cho các Trung tâm kinh doanh Sài Gòn. Tham dự chương trình có anh Chu Hùng Thắng, PTGĐ FPT Telecom; anh Phùng Hưng, GĐ Vùng 5, lãnh đạo các Ban chuyên môn và hơn 50 CBNV.

DSC-0245-JPG-7677-1447919305.jpg

Anh Phùng Hưng, GĐ Vùng 5, chia sẻ về đề án tái cơ cấu với việc chuyển sang mô hình thâm canh. Theo anh Hưng, lãnh đạo sẽ 'cầm tay chỉ việc' và sâu sát với anh em trong 'trận đấu' mới. Anh Hưng tiết lộ, lãnh đạo Vùng 5 sẽ chi 8 triệu đồng để thưởng nóng cho các dự án/sáng kiến xuất sắc trong quá trình triển khai đề án.

Cụ thể, giai đoạn một cùa đề án bắt đầu từ ngày 18/11 tại 4 khu vực ở TP HCM. Theo đó, thay vì nhân viên kinh doanh ở Bình Chánh bán hàng lên tận Thủ Đức theo hình thức ‘quảng canh’, nay họ sẽ chỉ bán tại địa bàn được chia. Các đồng nghiệp ở khu vực khác cũng không được bán hàng vào Bình Chánh. “Chúng tôi gọi đây là thâm canh. Cách làm mới sẽ viết nên chương mới trong hoạt động kinh doanh của FPT Telecom”, anh Phùng Hưng, GĐ Vùng 5, khẳng định và thông tin thêm: “Câu chuyện này thai nghén từ cách đây vài năm nhưng nay mới thực hiện”.

GĐ Vùng 5 cho rằng cách làm hiện tại chỉ là “săn bắn hái lượm chứ không nuôi trồng” và “chúng ta không thể làm quảng canh mãi được”. “Nếu nghe ngóng khu vực nào bán tốt, anh em kinh doanh Sài Gòn đổ xô đến tiếp cận. Cách làm này chỉ là ‘ăn xổi ở thì’ và rất lãng phí nguồn lực”, anh Hưng chỉ ra những bất cập của mô hình hiện tại.

Với việc thị trường ngày càng bão hòa và tính cạnh tranh trở nên khốc liệt nhưng cách làm không mấy thay đổi khiến kết quả kinh doanh chưa như ý. Anh Hưng nhận định, giăng câu hiện chia theo hai cách: thị trường và online. “Ở góc độ nào đó, đi thị trường cũng là nuôi trồng nhưng địa bàn quá rộng. Tiếng là toàn TP HCM nhưng không có chỗ nào là của mình”, GĐ Vùng 5 nhìn nhận. “Với thâm canh, mỗi người sẽ được phân đất, trong đó có thuê bao hiện hữu và ‘số đất’ còn lại. Nhân viên có thể bán chéo qua phường khác nhưng phải trong quận/huyện. Các cơ chế sẽ hướng đến việc quản lý theo phường, xã. Chúng tôi sẽ đào tạo bằng cách cầm tay chỉ việc”.

DSC-0206-JPG-4631-1447919305.jpg

CBNN chăm chú theo dõi đề án mới sẽ áp dụng ngay khi ra khỏi phòng hội nghị. Sự kiện diễn ra sôi nổi đến 13h mới kết thúc, muộn hơn 1h so với dự kiến.

Nhằm hỗ trợ “người thâm canh” có thể nắm bắt nhanh nhất tình hình, tất cả thông tin khách hàng trong khu vực như: các phản ánh, Wi-fi, thu cước, bảo trì… sẽ chuyển xuống nhân viên để cùng theo dõi, chăm sóc sao cho trong 24h khi sự việc phát sinh phải hoàn thành việc chăm sóc khách hàng.

Cách làm này khiến mỗi nhân viên kinh doanh sẽ nắm địa bàn trong lòng bàn tay. Cách làm mới cũng khiến salesman không phải chạy đôn chạy đáo các khu vực giúp giảm chi phí đi lại. “Mỗi nhân viên kinh doanh sẽ là đại diện FPT Telecom trên địa bàn. Các bạn phải tăng cường kết nối các kênh hiệu quả”, GĐ Vùng 5 giao nhiệm vụ cho những người tiên phong. “Công ty sẽ hỗ trợ sim điện thoại. Đây chính là số hotline của khu vực và các ấn phẩm của marketing cũng gắn với từng khu vực riêng. Chính sách sẽ linh hoạt và các bạn hãy áp dụng tốt nhất nguyên lý chiến tranh nhân dân. Lương của nhân viên sẽ không thấp hơn hiện tại”.

DSC-0239-JPG-8679-1447919305.jpg

Cao Kiếm Hùng Sơn, FPT Telecom Củ Chi, chia sẻ vướng mắc trong quy trình.

Theo anh Tống Thu Hoàng Sang, GĐ Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 4, trước đây anh làm ở Pepsi nhưng chỉ quản lý một nửa quận chứ không phải địa bàn trải dài như FPT Telecom. “Khi về FPT tôi khá choáng”, anh Sang nhớ lại. “Với cách làm mới, nhân viên kinh doanh sẽ có kế hoạch làm việc chi tiết, sâu sát và với quy trình chặt chẽ. Vị trí trưởng phòng sẽ phát huy hiệu quả”.

Cung cấp góc nhìn thực tế, anh Nguyễn Hữu Hoài Hưng, GĐ Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 1, cho rằng khoảng 50% nhân viên kinh doanh đang chưa có kế hoạch cụ thể trong ngày và làm theo cảm hứng là nhiều. “Có khi sáng lên văn phòng, thấy đồng nghiệp đi treo poster cũng đi theo”, anh Hưng kể. “Với cách làm mới, ai cũng có kế hoạch cụ thể và chi tiết công việc trong ngày. Được quản lý, theo dõi và hỗ trợ cụ thể”.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Thanh Toan, GĐ Nhân sự, nhận định, với cách làm mới, lợi thế là khi khách hàng gọi, chúng ta đáp ứng nhu cầu nhanh hơn. “Khi đó, các bạn đã nắm vững địa bàn, hạ tầng và nhu cầu của người dân”.

Đang khá nản khi các cách làm hiện tại không phát huy hiệu quả, Nguyễn Văn Việt, nhân viên kinh doanh Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 1, “mừng như bắt được vàng khi được quản lý thông báo đề án mới. Tôi đã xung phong tham gia ngay từ giai đoạn đầu tiên”, Việt nói.

DSC-0186-JPG-5597-1447919305.jpg

PTGĐ Chu Hùng Thắng cho biết, Ban điều hành kỳ vọng đề án sẽ mở ra chương mới cho FPT Telecom.

Đại diện Ban điều hành FPT Telecom, PTGĐ Chu Hùng Thắng cho rằng đề án mới sẽ giải bài toán nâng cao tỷ lệ khách hàng của FPT trên mỗi khu phố, con đường của Sài Gòn. “Dù đã được nghiên cứu và đề xuất hai lần trước đây nhưng nay cách thức mới chính thực được áp dụng bởi điều kiện thời điểm năm 2009 và năm 2011 chưa chín muồi và chưa cấp bách. Đây là thời điểm thích hợp để thay đổi”, anh Thắng nói. 

>> Truyền hình FPT bổ sung ứng dụng Karativi

Nguyên Văn

Ý kiến

()