Chúng ta

FPT Telecom là động lực chính đẩy tỷ lệ IPv6 của Việt Nam tăng cao

Thứ tư, 22/11/2017 | 18:02 GMT+7

Viễn thông FPT cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 882.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Sau ba tháng, tỷ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của FPT Telecom tăng hơn 6%.

Chia sẻ tại sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam diễn ra sáng 22/11 tại khách sạn JW Marriott (Hà Nội), báo cáo Tài nguyên Internet Việt Nam 2017 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho thấy, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tăng trưởng mạnh bắt đầu từ thời điểm tháng 4/2016.

Theo thống kê của Trung tâm Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tính đến cuối tháng 10, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10% (tương ứng với khoảng 4,3 triệu người sử dụng), đứng thứ 3 khu vực ASEAN (sau Malaysia, Thái Lan) và đứng thứ 5 khu vực châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan).

Tỷ lệ ứng dụng chung của Việt Nam có được là do kết quả triển khai tốt dịch vụ IPv6 của hai ISP lớn là FPT Telecom và VNPT cũng như hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng mạng DNS quốc gia và trạm trung chuyển Internet quốc gia.

Theo đó, FPT Telecom đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 882.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Đến ngày 31/10, tỷ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 34,6%. Trước đó, cuối tháng 7, VNNIC cho hay tỷ lệ ứng dụng trong mạng IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 28%, cao gấp 7 lần trung bình cả nước.

images2054808-ip2-JPG-5401-1511339030.jp

Tỷ lệ triển khai IPv6 phân bổ theo các ISP đến hết ngày 31/10. Nguồn báo cáo: VNNIC.

Tiếp theo là VNPT đã triển khai dịch vụ IPv6 cho khoảng 500.000 khách hàng băng rộng cố định tại 22 tỉnh thành phố trên cả nước, thử nghiệm triển khai dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6. Tỷ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của VNPT tăng trưởng bứt phá từ 0,03% vào tháng 1 lên mức 8% vào tháng 10 (nguồn APNIC).

Trong mảng dịch vụ nội dung, báo VnExpress hiện là đơn vị đầu tiên đã chuyển đổi thành công dịch vụ IPv6 cho các chuyên trang chính và trang chủ của báo với 13 website cung cấp dịch vụ nội dung số đã được chuyển đổi thành công, bao gồm trang chủ VnExpress.net. Tỷ lệ lưu lượng IPv6 trong nước đạt khoảng 6,5%, đi quốc tế  đạt khoảng 13% với số lượng người dùng truy cập dịch vụ nội dung khoảng 1.034.000/ngày.

Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỷ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu.

Trong khi đó, địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bit, biểu diễn dưới dạng các cụm số hexa phân cách bởi dấu ::, ví dụ 2001:0DC8::1005:2F43:0BCD:FFFF. Với 128 bit chiều dài, không gian địa chỉ IPv6 gồm 2128 địa chỉ, cung cấp một lượng địa chỉ khổng lồ cho hoạt động Internet. 

DSC-8059-JPG-1888-1511339030.jpg

Kỹ sư FPT Telecom tại Trung tâm Giám sát và Đảm bảo dịch vụ (SCC).

Theo Giám đốc Trung tâm Điều hành mạng (NOC) Lương Duy Phương, từ khóa ngắn gọn nhất là “dùng IPv6 nhanh hơn 40%”. Băng thông không thay đổi nhưng cách truyền tin khác nhau nên IPv6 mang được nhiều thông tin hơn so với IPv4 nên sẽ nhanh hơn. “Tôi ví dụ, khách hàng dùng 5 cái camera IP. Với giao thức cũ IPv4, khách hàng phải config forward port 5 lần với 5 cổng kết nối (port) khác nhau trên thiết bị modem. Với IPv6, người này không cần phải config NAT nữa vì đã dùng IP công cộng”, anh phân tích.

Cạnh đó, Giám đốc NOC còn cho hay, với IPv6, mọi thứ từ thiết bị gia dụng cho tới tự động đều có thể kết nối với nhau và chỉ ra 6 lợi ích của IPv6 gồm: Định tuyến hiệu quả hơn, xử lý các gói tin hiệu quả hơn, tiết kiệm băng thông, cấu hình mạng đơn giản, hỗ trợ dịch vụ mới và bảo mật.

Theo số liệu của Trung tâm mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tính đến tháng 7, tỷ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 7%, thời điểm cao nhất lên tới 25%; với hơn 3,5 triệu người dùng IPv6, theo thống kê của phòng Lab Cisco. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Malaysia) và đứng thứ 5 khu vực châu Á về kết quả triển khai IPv6, sau 4 quốc gia/vùng lãnh thổ là Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Macao. Trong đó, FPT Telecom là nhà mạng dẫn đầu cả nước. APNIC cho hay, tỷ lệ ứng dụng trong mạng IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 28%, cao gấp 7 lần trung bình cả nước.

Mức độ sẵn sàng IPv6 của Việt Nam đang được đánh giá cao trong khu vực và tiếp tục có bước phát triển tốt. Gần đây, hoạt động triển khai IPv6 có những bước chuyển mình rõ rệt với tỷ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu tăng trưởng mạnh.

>> Anh Nguyễn Thành Nam: 'Lạc đường thì hỏi ai?'

Nguyên Văn

Ý kiến

()