Chúng ta

FPT Telecom bổ sung ngành dịch vụ trung gian thanh toán

Thứ tư, 29/8/2018 | 22:43 GMT+7

Viễn thông FPT vừa Đại hội đồng cổ đông bất thường để bổ sung ngành kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán.

Đại hội Cổ đông bất thường năm 2018 của Viễn thông FPT được tổ chức vào ngày 22/8 theo hình thức hội nghị trực tuyến tại tòa nhà PVI, quận Cầu Giấy, Hà Nội, và phòng tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, TP HCM với 15 cổ đông và người được ủy quyền dự họp, đại diện cho 219.861.201 cổ phần, bằng 97,23% số cổ phần có biểu quyết của công ty.

Cổ đông FPT Telecom đã thảo luận và biểu quyết thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới: mã ngành 6419 - hoạt động trung gian tiền tệ khác (cụ thể cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán). 

13chuyengiao4-3220-1520222401-9381-3553-

FPT Telecom sẽ là đơn vị viễn thông tiên phong mảng dịch vụ ngân hàng số.

Thời gian gần đây, FPT Telecom đã chuẩn bị những bước đi đầu tiên cho ngành nghề mới, trong bối cảnh thị trường thuận lợi như: tỷ lệ người dùng mạng xã hội của Việt Nam cao hàng đầu thế giới và bài học thành công của Ấn Độ và Trung Quốc phát triển thanh toán điện tử dựa trên nhu cầu của cộng đồng. Minh chứng cụ thể là Airtel Payment Bank, ngân hàng số của hãng viễn thông hàng đầu Airtel, hiện có khoảng 500.000 điểm giao dịch trên khắp Ấn Độ, cho phép người dùng mở tài khoản tiết kiệm, gửi tiền, chuyển tiền và phát hành thẻ ghi nợ (debit card).

Mới nhất, từ tháng 7, FPT Telecom đã phối hợp triển khai QRPay với Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay) - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp thanh toán bằng mã QR tại thị trường trong nước.

Trung tuần tháng 7, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà cũng quyết định thành lập Trung tâm Thanh toán Trực tuyến (Foxpay) và bổ nhiệm chị Nguyễn Thanh Thủy đảm nhiệm vị trí Giám đốc đơn vị mới, nhiệm kỳ có thời hạn 3 năm. Những động thái mới của FPT Telecom là bước chuẩn bị cho việc bổ sung ngành nghề mới. 

Cuối tháng 3, FPT Telecom đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Đại hội đánh giá 2017 tiếp tục là một năm kinh doanh khả quan của Viễn thông FPT khi tiếp tục giữ được đà tăng trưởng 2 con số về doanh thu, đạt 7.651 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.217 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Mức tăng trưởng lợi nhuận một phần chịu ảnh hưởng của việc nộp Quỹ Viễn thông công ích - tương ứng tới 1,5% doanh thu dịch vụ viễn thông của FPT Telecom trong năm qua.

FPT Telecom đã tiến hành chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 là 3.000 đồng/cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 30%, trong đó đã tạm ứng đợt 1 là 1.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 10/2017 và tạm ứng đợt 2 là 2.000 đồng/cổ phiếu chốt danh sách tháng 12/2017, chi trả cổ tức vào tháng 3/2018.

Phương án phân phối lợi nhuận được phê duyệt là chi trả cổ tức 30% bằng tiền mặt và 50% cổ phiếu, với khối lượng chứng khoán đang lưu hành là hơn 150,75 triệu cổ phiếu. Lượng cổ phiếu FPT Telecom hiện được nắm giữ chủ yếu bởi FPT và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Hai cổ đông lớn này hiện chiếm khoảng 96% cổ phần.

Năm 2018, FPT Telecom đặt mục tiêu tăng trưởng thách thức bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và các dự án lớn.

Cụ thể, đơn vị tiếp tục quang hóa hạ tầng tiến tới mục tiêu hoàn thành việc chuyển đổi thuê bao từ cáp đồng sang cáp quang trên toàn quốc trong năm 2018-2019; triển khai dự án xây dựng trung tâm dữ liệu (Data Center) quy mô lớn tại quận 7 và quận 9 (TP HCM), Đà Nẵng và Cầu Giấy (Hà Nội) với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng; đầu tư vào tuyến cáp biển AAE-1 và tuyến trục Bắc Nam là các mục tiêu đầu tư lớn của FPT Telecom trong thời gian tới.

Năm 2018, Viễn thông đặt mục tiêu doanh thu tăng 13,3% lên mức 8.670 tỷ đồng với tỷ trọng chính là doanh thu từ dịch vụ viễn thông, còn lại là dịch vụ quảng cáo. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.394 tỷ đồng, phấn đấu tăng trưởng 14,6% so với năm 2017.

Hội đồng quản trị FPT Telecom nhiệm kỳ mới cũng được bầu chọn gồm 6 thành viên, trong đó chị Chu Thanh Hà tiếp tục được Hội đồng quản trị bầu là Chủ tịch Viễn thông FPT nhiệm kỳ 2018-2023.

Phương Vy

Ý kiến

()