Chúng ta

‘FPT có cơ hội mở rộng kinh doanh Vertu’

Thứ năm, 5/7/2012 | 18:06 GMT+7

Nokia “sang tên đổi chủ”dòng điện thoại hạng sang Vertu không những không ảnh hưởng đến FPT mà còn đem đến cơ hội kinh doanh cho Công ty TNHH Phân phối Sản phẩm Viễn thông FPT (F9) trong tương lai.

Ngày 14/6, hãng điện thoại Phần Lan Nokia chính thức thông báo bán thương hiệu điện thoại siêu sang Vertu cho quỹ đầu tư EQT có trụ sở ở Bắc Âu. Theo đó, EQT nắm giữ khoảng 90% cổ phần của Vertu, chỉ 10% còn lại thuộc sở hữu của Nokia. Việc chuyển giao tiếp quản Vertu sẽ được thực hiện trong vài tháng tới.

Lãnh đạo F9, đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm Vertu tại Việt Nam, khẳng định, sự kiện này không ảnh hưởng đến công ty, mặc dù Vertu là một phần quan trọng của Nokia và thành công của Vertu có đóng góp không nhỏ vào thành công của Nokia.

Đại diện Vertu và lãnh đạo FPT Trading trong lễ khai trương cửa hàng Vertu thứ 4 tại Việt Nam.

Đại diện Vertu và lãnh đạo FPT Trading trong lễ khai trương cửa hàng Vertu thứ 4 tại Việt Nam. Ảnh: S.T.

Phó TGĐ F9 Nguyễn Duy Hưng cho hay, ngay sau khi Nokia chính thức thông báo trên phương tiện truyền thông về việc bán Vertu cho EQT, đại diện Vertu tại Anh đã liên lạc với lãnh đạo đơn vị để xác nhận thông tin và cam kết các chính sách hỗ trợ của Vertu với FPT sẽ không thay đổi. “Vertu đánh giá cao sự hợp tác giữa hai bên. Vì vậy, sự kiện này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ song phương”, anh Hưng nhấn mạnh.

Hiện, các chương trình giữa FPT với Vertu vẫn được triển khai bình thường. Việc kinh doanh hai thị trường Niche (ngách) và Mass (đại chúng) có nhiều điểm rất khác nhau và F9 cũng triển khai hai mảng kinh doanh khá độc lập.

Khoảng năm 2010-2011, sự bùng nổ của iPhone và các sản phẩm điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đã làm thay đổi cục diện của thị trường smartphone, theo đó, Nokia không còn “độc danh”.

Vertu là thương hiệu điện thoại sang trọng thuộc sở hữu của Nokia. Những mẫu điện thoại Vertu đều được chia sẻ công nghệ tốt nhất từ hãng điện thoại Phần Lan cả về phần cứng lẫn phần mềm… Tuy nhiên, trung tâm thiết kế, nghiên cứu, nhà máy sản xuất của Vertu cũng như hệ thống bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng của Vertu thì độc lập với Nokia.

Từ đầu năm 2012, Vertu đã tách nốt phần tài chính ra khỏi Nokia, trở thành công ty độc lập hoàn toàn với tên gọi Vertu Corporation.

Động thái Nokia bán Vertu được nhận định là hãng điện thoại Phần Lan muốn tập trung nguồn lực vào phát triển sản phẩm cốt lõi - Windows Phone.

Việc Vertu tách ra có thể đem lại bối cảnh tốt hơn vì với quy mô nhỏ hơn thì mọi quyết định sẽ nhanh chóng được thực thi. Mặt khác, mấy năm qua, kinh doanh của Vertu Global đều tốt và có lãi. Do đó, bán một doanh nghiệp có lãi sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Giám đốc Kinh doanh F9 Lê Xuân Thủy nhìn nhận, việc Nokia có kế hoạch bán thương hiệu Vertu để tập trung nguồn lực cho những cải tổ của mình sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của F9 bởi EQT Partner AB là quỹ đầu tư chứ không phải một tập đoàn sản xuất.

“Với việc Vertu thông báo sẽ giữ nguyên mọi hoạt động đang xây dựng tại thị trường Việt Nam cùng F9 như lâu nay, nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn, F9 còn có thể có những cơ hội mở rộng kinh doanh trong tương lai nếu EQT có các hoạt động “synergy” một số mảng kinh doanh khác với Vertu để gia tăng hiệu quả đầu tư”, anh Thủy nói.

Nhấn mạnh điều này, Phó TGĐ F9 cho rằng, thực tế, cơ hội kinh doanh các mặt hàng sang trọng tại Việt Nam vẫn còn tiềm năng trong những năm tới. Bằng chứng là nhiều thương hiệu cao cấp tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam và sự xuất hiện của các Luxury Shopping Mall ngày một nhiều với quy mô ngày càng lớn tại thị trường nội địa, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM.

Anh Hưng chia sẻ thêm, trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo FPT với Chủ tịch Vertu toàn cầu, FPT cũng đã đề xuất Vertu giới thiệu các thương hiệu hạng sang mới để FPT mở rộng phạm vi kinh doanh sang các ngành hàng phục vụ thị trường cao cấp và họ cũng hứa sẽ tìm kiếm giúp.

Kể từ khi FPT bắt đầu mối lương duyên với Vertu năm 2007 đến nay, mảng kinh doanh Vertu đều phát triển tốt qua các năm. FPT hiện mở 4 cửa hàng bán điện thoại Vertu tại Hà Nội và TP HCM. “Mặc dù nửa đầu năm 2012, tất cả lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam đều gặp khó khăn, doanh số giảm, nhưng Vertu vẫn đạt lợi nhuận tốt”, anh Hưng cho biết.

Cuối tháng 6 vừa qua, hãng này đã tiếp tục ra mắt điện thoại di động từ thiện đầu tiên trên thế giới - Vertu Constellation Smile. Đây là sản phẩm hợp tác giữa hãng Vertu và tổ chức Smile Train (thực hiện phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em sứt môi, hở hàm ếch) dựa trên niềm tin mọi người đều có quyền giao tiếp một cách rõ ràng và bình thường.

Theo đó, với mỗi sản phẩm bán ra, Vertu sẽ quyên góp 200 Euro cho quỹ từ thiện, tài trợ cuộc phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ em. Hãng đã cam kết quyên góp ít nhất 1 triệu Euro cho tổ chức Smile Train từ doanh thu của Constellation Smile. Tại Việt Nam, sản phẩm sẽ có mặt trong tháng 7 qua các cửa hàng của FPT.

Chia sẻ kế hoạch phát triển của đơn vị trong thời gian tới, anh Hưng hy vọng, mọi khó khăn chung sẽ sớm qua, bên cạnh đó FPT cũng sẽ hoàn thiện quy trình và bộ máy để phát triển nhanh khi có điều kiện thuận lợi.

Ngày 19/1/2006, FPT trở thành đại diện phân phối chính thức sản phẩm Vertu tại Việt Nam.

Vertu là tên thương hiệu điện thoại di động được đánh giá là đắt và sang trọng trên thế giới hiện nay, do một bộ phận độc lập của Nokia sản xuất. Các điện thoại hiệu Vertu đều được chế tác thủ công, và có giá từ 4.500 USD đến trên 60.000 USD.

Vertu được thành lập vào năm 1998 bởi Nokia, đặt trụ sở tại Anh. Hiện tại, có hơn 1.000 công nhân làm việc trong các nhà máy của Vertu tại Anh. 

Vertu sử dụng những chất liệu của các dòng đồng hồ sang trọng và xe hơi cao cấp. Ngoài ra, điện thoại Vertu được làm từ nhiều chất liệu quý như thép không gỉ, da thuộc, vàng, platin và kim cương, mặt kính của Vertu là mặt đá Pha lê, Saphia.

Tất cả các máy Vertu đều được chế tác bằng tay bởi những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm. Trong quá trình sản xuất điện thoại Vertu, tổng cộng có hơn 74 bằng sáng chế đã được cấp - đây là điều đặc biệt chưa từng có trong ngành điện thoại di động.

Ba bộ sưu tập huyền thoại của Vertu: Signature, Ascent và Constellation, mỗi chiếc điện thoại là một tác phẩm của tay nghề thủ công khéo léo của cơ sở nghệ thuật ở Hampshire, Anh. Hiện nay, điện thoại Vertu được bày bán tại hơn 600 boutique trên khắp thế giới.

Tại Việt Nam, FPT có 4 cửa hàng chính hãng phân phối sản phẩm Vertu, gồm:

- Khách sạn Metropole, 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

- Sảnh khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

- Sảnh khách sạn Sheraton, 88 Đồng Khởi, quận 1, TP HCM.

- Sảnh khách sạn Rex, 141 đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM.

Thanh Nga

Ý kiến

()