Chúng ta

ĐH FPT sắp xuất khẩu giáo dục sang Campuchia

Thứ năm, 8/12/2016 | 15:35 GMT+7

Buổi gặp gỡ giữa đại diện ĐH FPT và Thứ trưởng Bộ kinh tế và tài chính Campuchia Hean Sahib đã mở ra cơ hội hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ giữa trường và đất nước chùa tháp. 

Ấn tượng với Tổ chức giáo dục FPT ngay khi nghe giới thiệu chung về tập đoàn trong buổi làm việc tại FPT Tân Thuận, ông Hean Sahib đã có cuộc gặp với Trưởng phòng Hợp tác quốc tế ĐH FPT Phạm Lê Đức Ngân và Trưởng phòng Tuyển sinh Lê Bình Trung vào ngày 2/12. 

Ông Hean Sahib bày tỏ sự tin tưởng và quan tâm đến tập đoàn FPT, đặc biệt là chương trình đào tạo của Đại học FPT và mong muốn tìm hiểu sâu về mô hình này.

Ông Hean Sahib bày tỏ sự tin tưởng và quan tâm đến tập đoàn FPT, đặc biệt là chương trình đào tạo của Đại học FPT và mong muốn tìm hiểu sâu về mô hình này. Ảnh: FE.

Tại buổi gặp gỡ, anh Phạm Lê Đức Ngân đã giới thiệu quy mô ĐH FPT, chương trình đào tạo và những đặc trưng nổi bật của sinh viên FPT. Bên cạnh các nhóm ngành công nghệ thông tin vốn là đặc trưng của trường, anh Ngân cũng giới thiệu các nhóm ngành kinh tế đang là điểm sáng trong đào tạo của ĐH FPT cơ sở TP HCM.

Ông Hean Sahib đặt nhiều câu hỏi về các chuyên ngành đang được đào tạo chuyên sâu tại ĐH FPT, phái đoàn Campuchia cũng đặc biệt chú ý đến các số liệu ấn tượng mà ĐH FPT đạt được trong hợp tác giáo dục quốc tế và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giáo dục với vương quốc Campuchia và mong muốn tìm hiểu mô hình giáo dục của của ông Hean Sahib ngay trong lần đầu tiên sang thăm Việt Nam, anh Ngân cho biết: “Vương quốc Campuchia đang có nhu cầu cao về nhân lực CNTT, do đó cơ hội để xuất khẩu chương trình của ĐH FPT là rất khả quan". 

Trong chuyến thăm lần này, Thứ trưởng Hean Sahib mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đại học FPT để triển khai các hoạt động liên kết về đào tạo. Trước mắt, hai bên có thể là hợp tác phát triển chương trình, đào tạo chuyển tiếp theo mô hình 2+2 (2 năm đào tạo tại Việt Nam, 2 năm đào tạo ở nước ngoài) hoặc 3+1 (một năm đào tạo tại Việt Nam, một năm đào tạo ở nước ngoài).

Ngọc Dung tổng hợp

Ý kiến

()