Chúng ta

Thời thanh niên sôi nổi

Thứ sáu, 20/11/2015 | 14:06 GMT+7

“Còn chân, còn nhịp bước, còn tiến lên. Còn đôi mắt sáng ta đâu chiu hèn…” Đó là câu hát trong ca khúc Thời thanh niên sôi nổi của nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova được thầy giáo tôi truyền lại cho mỗi thế hệ học sinh.

Thế hệ học sinh trường Chu niên khóa 2003 - 2006 trở về trước vẫn lưu truyền nhau câu: “Nhất Đại - Nhì Phong - Tam Mai - Tứ Tú” - đó là 4 thầy cô giáo nổi tiếng khó tính nhất trường. Và tôi có vinh dự được học thầy giáo nằm trong “Big Four” đó – thầy Phong. Trong suốt hai năm học (lớp 11 tôi mới chuyển vào lớp thầy chủ nhiệm), chúng tôi không biết bao nhiêu lần bị thầy mắng. Giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ - trong khi các lớp khác rộn vang tiếng cười nói - thì lớp chúng tôi luôn đóng chặt cửa. Trong lớp chỉ có tiếng quạt trần quay và tiếng thầy mắng.

Thầy mắng chúng tôi khi chúng tôi làm sai. Mới đầu nghe thì thấy khó chịu. Nghe riết rồi quen. Những sau này ngẫm lại thấy thầy mắng đúng. Đúng như các cụ nói: “thương cho roi cho vọt”. Thời cấp 3, tôi đã nhận rất nhiều “roi vọt”.

Thầy cấm chúng tôi quay cóp, trao đổi bài trong giờ kiểm tra. Dù không có tiết dạy, nhưng mỗi lần có kiểm tra môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh là thầy đứng ngoài cửa lớp, trông cùng với giáo viên bộ môn. Nhiều người nói thầy làm vậy là không tôn trọng giáo viên bộ môn nhưng thầy chỉ nói lại rằng: “Tôi làm vậy vì học sinh của tôi”.

Bài hát truyền thống của lớp tôi là bài Thời thanh niên sôi nổi. Thầy kể rằng: hồi học đại học, khi đất nước có chiến tranh, thầy là một trong số hàng nghìn sinh viên theo tiếng gọi của Tổ quốc, bỏ giảng đường đi nhập ngũ. Những ca khúc đầy lí tưởng của Liên Xô (nước Nga ngày nay) đã giúp thầy giác ngộ và trở thành chân lý sống trong suốt cuộc đời.

Thầy dạy nói với chúng tôi: Thầy giống như người bán vàng. Bố mẹ các em là người mua vàng. Tích lũy bao công sức, đi mua phải vàng giả thì rất đau đớn. Vì thế, các em phải là vàng mười để không phụ công sức của bố mẹ.

Thầy dạy chúng tôi: dù có khó khăn đến mấy cũng không được chùn bước, phải làm theo lẽ phải, không được thỏa hiệp với cái xấu.

Thầy dạy chúng tôi: Làm người, phải biết tự trọng, không được tự ái. Tự trọng làm người ta lớn lên. Còn tự ái sẽ chỉ kéo chúng ta thụt lùi.

Sau ngày ra trường, chúng tôi như bầy chim non, lớn lên mỗi người mỗi ngả. Nhưng chúng tôi vẫn tự nhớ ngày 19/8 là ngày sinh nhật lớp, ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày mùng 3 Tết là ngày “Tết Thầy” để quay về ngôi nhà nhỏ của thầy trên phố Kim Mã.

Thầy yên tâm, những lời dạy của thầy vẫn văng vẳng trong suy nghĩ của em. Em và các bạn sẽ không bao giờ quên những lời thầy dạy đâu ạ…

Bùi Minh Tuấn

Ý kiến

()