Chúng ta

Đừng để cảm xúc chi phối công việc

Thứ năm, 7/8/2014 | 12:07 GMT+7

Các bạn từng bị ngắt lời trong cuộc họp chưa? Phản ứng của bạn lúc đó thế nào? Có lẽ cảm xúc giận dữ và ức chế trào dâng trong bạn.
> Sống thật với cảm xúc

Công sở gắn bó với chúng ta hằng ngày nhưng cũng chính là môi trường rất khắc nghiệt với tính cạnh tranh không ngừng nghỉ. Nơi mà chỉ một sự lỡ lời có thể “dìm chết” cả hình ảnh và sự nghiệp của bạn. Vậy, làm thế nào để tồn tại và sống tốt với nó, chính là điều bạn cần phải học.

Chúng ta đều có 24 giờ trong ngày nhưng thời gian dành cho công việc mỗi người lại hoàn toàn khác nhau. Người bình thường thì mỗi ngày 8 tiếng là đủ nhưng kẻ si mê công việc thì 10-12 tiếng không phải là điều hiếm gặp. Với mong muốn biến công sở thành một ngôi nhà thứ hai là khát khao của không riêng nhà quản lý mà chắc bạn và tôi cũng đều hy vọng.

Cuộc sống của chúng ta luôn tràn ngập cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Sự việc dù nhỏ hay to đều có những tác động đến cảm xúc của chúng ta. Gặp chuyện vui thì ta mừng rỡ, hớn hở nhưng mỗi khi có chuyện buồn sẽ khiến ta giận dữ, bất an. Đã là con người thì đương nhiên khó tránh khỏi việc bộc lộ bản thân nhưng đừng để cho cảm xúc chi phối công việc, và đôi khi chỉ một biểu hiện nhỏ có thể biến thành những sai lầm không cần thiết.

Đã ai trong số các bạn từng bị ngắt lời trong cuộc họp chưa? Phản ứng của bạn lúc đó thế nào? Có lẽ cảm xúc giận dữ và ức chế đang trào dâng trong bạn. Bạn cho rằng kẻ đó đang “chơi” mình, muốn làm xấu mặt mình trước các phòng ban và sếp chăng? Thay vì ấm ức hoặc âm mưu trả thù, bạn hãy bình tĩnh, nhìn nhận lại xem phần trình bày của mình đã hấp dẫn và đúng trọng tâm hay chưa.

Vượt lên cảm giác ấm ức có thể là một điều không dễ nhưng nó là điều cần thiết để bạn nhìn nhận mọi việc một cách toàn diện và khách quan hơn. Khi cảm xúc bị "thương", bản năng của chúng ta là bảo vệ ý kiến và phản ứng để phòng vệ bản thân. Tuy nhiên, khi đó cuộc tranh luận sẽ chẳng mang lại lợi ích gì. Nếu cuộc thảo luận là cần thiết, hãy trao đổi khi mọi người đã bình tâm trở lại.

Tôi có cô bạn đồng nghiệp là một người làm việc rất xuất sắc, năng suất bán hàng lúc nào cũng vượt trội so với mọi người. Tuy nhiên, với tính cách thẳng thắn, nóng nảy đã rất nhiều lần cô khiến cho mọi người “đứng tim”. Cô từng đập bàn, mắng lớn khi công ty có sự thay đổi về chính sách bán hàng, có thể gây ảnh hưởng đến thu nhập của mình. Mỗi lần như vậy, cô đều khiến cho không khí trong phòng rất căng thẳng. Một số người thì a dua, hùa theo gây kích động nhưng đôi khi mọi người không để ý đến cảm giác của những nhân sự đang trong thời gian thử việc bất an như thế nào. Đứng dưới góc độ quản lý, một người có năng lực nhưng hiếu chiến, hay kết bè, kết phái trong văn phòng, suy nghĩ tiêu cực đôi khi cần phải loại bỏ để tránh những hệ lụy.

Trong cuộc cạnh tranh một mất một còn, nếu bạn không tỉnh táo, đôi khi sẽ rơi vào bẫy của đối thủ. Một ngày đẹp trời nào đó, bỗng nhiên bạn thấy đối phương có thái độ, lời nói tiêu cực rất khó chịu. Nếu bạn phản ứng, đồng nghĩa với việc bạn đã thỏa mãn mong đợi của họ. Và trò chơi vòng xoáy tiêu cực bắt đầu. Bạn sẽ dần dần để lộ "gót chân Asin" của mình trước tất cả mọi người. Hãy hít thở sâu, bình tâm, thả lỏng cơ thể. Đừng để mình phản ứng thiếu kiềm chế.

Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn có một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc. Nếu người khác làm bạn tổn thương, hãy cho họ có cơ hội để thay đổi điều đó. Hãy để tình yêu thương sưởi ấm những tâm hồn.

Hoàng Lương Duyên

Ý kiến

()