Chúng ta

Điều gì nhà tuyển dụng cần: bằng cấp hay năng lực?

Thứ sáu, 1/5/2015 | 16:06 GMT+7

Tôi còn nhớ thời cấp 3, cô giáo chủ nhiệm nói: "Có bằng cấp 3 vứt bằng cấp 2, có bằng cao đẳng vứt bằng cấp 3... cứ tiến lần lên. Người ta chỉ quan tâm hiện tại bằng cấp của mình thôi? Còn quá khứ thế nào không cần biết".

Đó là một lý do khiến tôi cố gắng đạt được nhiều thành tích để cơ hội đến với mình rộng lớn hơn. Khác hẳn một sinh viên bình thường, tôi được bố mẹ định hướng đi bộ đội và ở lại phục vụ lâu dài. Sau hơn hai năm rưỡi trong quân ngũ tôi cũng đã đủ chín chắn để thuyết phục gia đình cho mình đi theo con đường của riêng.

Nói chung so với một sinh viên bình thường thì tôi thiệt thòi nhiều thứ, đặc biệt là thời gian và những kiến thức nền tảng CNTT trước khi đi học. Tương lai học tập của tôi chỉ được quyết định khi xem một clip "Nói về giáo dục Việt Nam" của một cậu học sinh có biệt hiệu Châu chấu, điều làm tôi nhớ nhất là "Thử hỏi xem những người đã học xong kiến thức 12 năm học, rồi tự đặt ra mình câu hỏi kiến thức 12 năm để làm gì? giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư đi theo một chuyên ngành riêng mình không nhất thiết dùng hết".

Một phần vì điều đó khiến tôi không thi đại học mà quyết định chọn FPT Polytechnic. Khi còn ghế nhà trường, tôi học khá tốt và gặp nhiều bạn sinh viên xuất sắc. Nhiều lúc tôi luôn bình luận về chuyện bằng cấp và năng lực, và số đông bạn bè tôi chọn năng lực nhiều hơn. Bản thân tôi có vẻ hơi ham một tí chọn cả hai, vì tôi nhận thấy rằng: nếu có hai người cũng như nhau mà cái bằng giỏi người ta thì nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên hơn.

Đến bây giờ quan niệm của tôi có vẻ đúng đắn, đúng với những điều mà nhà tuyển dụng cần, vì tôi biết nhà tuyển dụng khi tiếp xúc với mình điều đầu tiên người ta không biết gì về mình cả ngoài hồ sơ và bằng cấp. Ví dụ bản thân tôi đã tự lực xin thực tập một công ty khá có tiếng và trúng tuyển vào FPT Software chỉ với một lần đầu tiên nộp hồ sơ, một lần phỏng vấn. Ngay cả khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng đâu có nhắc đến vấn đề có tính học lên đại học hay không.

Nhắc đến vấn đề bằng cấp và năng lực thì không thể thiếu yếu tố khác là điểm đánh giá cá nhân. Chuyện này có nhiều thứ để bàn luận, nhiều người họ quan niệm rằng: "Điểm không đánh giá đúng khả năng". Tôi nghĩ câu nói đó phải nói thế này mới đúng: "Điểm không đánh giá hết khả năng của mình”. Nói thật, tôi nghĩ một nhà tuyển dụng người ta cần cả hai cái đi kèm là năng lực và bằng cấp, bởi anh nói mình giỏi trong khi anh không có thành tích gì thì ai mà tin cơ chứ, và nếu thật sự người ta quan tâm năng lực thì cần gì làm bài thi, bài test, bài kiểm tra… đủ thể loại.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao các công ty vẫn khuyến khích tăng lương cho nhân viên nếu bằng cấp cao hơn, không phải vì họ xem trọng bằng cấp mà họ muốn nhân viên có năng lực nhiều hơn. Có rất nhiều những thiên tài, không cần học gì nhiều vẫn rất thành công. Nhưng xin thưa, đừng có lấy số ít đem đi áp dụng số đông. 

Lê Nguyễn Như Hoàng

Ý kiến

()