Chúng ta

Ba người thầy

Thứ tư, 26/8/2015 | 16:04 GMT+7

Tôi thường kể cho bạn bè và mẹ nghe về anh - người thầy của tôi. Mẹ khuyên tôi phải cố gắng để sống không thẹn lòng, đừng phụ những người đang tin tưởng mình. 

Tóc tém xơ như trái dừa khô bóc vỏ, da đen nhem nhẻm khoác trên mình quần jeans áo thun bụi là hình ảnh của tôi trong ngày đầu cầm hồ sơ tới FPT xin thực tập.

Xuất thân từ con nhà thuần nông nên hơn ai hết tôi biết bản thân mình phải nỗ lực không chỉ gấp 5 mà hơn gấp 10 lần các bạn cùng lứa để thoát khỏi cái nghèo đói đeo bám cha mẹ từng ấy tháng năm.

Suốt một năm thực tập, tôi bỏ qua tất cả con ngõ, quán cóc thường tới lui tán dóc với đám bạn. Ngoài thời gian phải lên giảng đường, tôi đăng ký toàn thời gian còn lại thực tập tại công ty. Mục tiêu của tôi không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành tốt bài luận tốt nghiệp với điểm cao mà còn trở thành nhân viên chính thức của FPT, có mức thu nhập ổn định để phụ giúp cha mẹ.

Càng tìm hiểu văn hóa về công ty tôi càng “khoái” và nung nấu ý chí.

Mỗi sáng đến công ty, trên bàn tôi luôn có tờ báo để sẵn. Sếp tôi làm đấy. Anh luôn đi làm sớm, đọc báo, cà phê… và đặt báo lên bàn tôi.

Anh tỏ ra nghiêm khắc với tôi, luôn là người nói ít và bắt tôi hiểu nhiều. Anh muốn tôi tập trung toàn thời gian vào viết luận và hỗ trợ công việc của phòng nên cấm tôi chat chit mất thời gian vô bổ. Cứ vài ngày anh lại kiểm tra kết quả công việc đã giao và hỗ trợ đúng lúc.

Không hiểu sao hồi đó tôi sợ anh lắm. Anh nói gì tôi cũng nghe, anh kêu tôi đi đâu tôi đi theo anh đó. Anh nói: “Nếu chưa yêu đương gì thì tập trung học hành cho đàng hoàng rồi sau này ra trường khối người tốt để em yêu”. Tôi dạ tuốt để anh yên lòng, kỳ thực hồi đó tôi cũng đang mom men tán tỉnh hẹn hò với một bạn ở cùng khu trọ - giờ bạn ý là anh xã, là ba của thằng nhóc nhà tôi.

Năm đó không có tiền về quê ăn tết, tôi bắt xe lên Lâm Đồng với người bác ruột. Anh gọi điện hỏi thăm, khi hay tin đã chuyển cho tôi số tiền đủ đi tàu xe về quê. Anh nói tiền đó do quỹ phòng hỗ trợ. Tôi hân hoan đón nhận và cảm ơn anh rối rít, thực hư đó là của anh hay của phòng hỗ trợ đến nay tôi vẫn không biết được. Bố mẹ tôi mang ơn anh điều ấy.

Từ một đứa nhí nhảnh, hay ồn ào, mít ướt anh giúp tôi có những tác phong làm việc chuyên nghiệp và ít ồn ào hơn.

Là người cuối cùng trong phòng biết tin anh chuyển công tác sang đơn vị khác, tôi buồn và ngồi khóc ngon lành trên bàn làm việc. Anh nói: “Anh đi rồi em vẫn làm FPT nhé, đừng đi đâu khác để anh còn có thể thấy em trưởng thành, hãy để anh tự hào về em”. Anh vẫn nói ít và bắt tôi hiểu nhiều.

Một đêm ôn bài khó ngủ tôi cầm bút vẽ nguệch ngoạc vài nét về khuôn mặt anh, rồi cả đêm đó tôi thức trắng vẽ vẽ... tôi tặng nó cho anh ngày chia tay.

Sau khi hoàn tất bài luận văn, tôi được giới thiệu về làm cho FPT Telecom. Nhân sự công ty tôi mới về làm liên tục thay đổi, cứ phòng nào thiếu người, Ban giám đốc lại đưa tôi vào lấp trống, thậm chí cả những vị trí không cần trình độ và bằng cấp.

Chưa đầy một năm tôi đã được làm việc 4 vị trí khác nhau. Tôi nhiều lần đề xuất lãnh đạo cho tôi được làm đúng vị trí công việc chuyên môn nhưng đều bị từ chối. Sau mỗi ngày làm việc tôi luôn thấy uể oải, mệt mỏi cả về tinh thần lẫn  thể xác. Tôi bắt đầu than vãn về FPT, về lãnh đạo FPT, về tình người FPT.

Bạn bè khuyên tôi từ bỏ FPT.

Tôi không dám gọi cho anh để nói suy nghĩ của mình. Sợ anh chê cười là người yếu đuối, mít ướt, không chịu khó chịu khổ. Tôi đã tự hứa với lòng mình sẽ không ra khỏi FPT cho đến khi nào anh nói anh tự hào về tôi. 

Rồi FDC gọi tôi về làm. Ở đây, tôi được làm công việc đúng sở trường. Tôi bắt đầu lấy lại tinh thần và phong độ. Nhưng, tại đây có một anh kế toán trưởng khét tiếng “bựa”. Tân binh mới vào nghề như tôi non cả về kinh nghiệm công việc và kỹ năng  toàn bị anh chửi có văn có vần. Lạ ở chỗ, thay vì ghét cay ghét đắng mấy câu nói “đanh đá” đó, tôi lại rất quý anh.

Tôi biết, mỗi câu anh nói là một sự khích lệ, động viên, là trải nghiệm trong cuộc sống mà tôi chưa có cơ hội va chạm, là những kiến thức anh tích lũy từng ấy năm lăn lộn.

Hồi đó khái niệm QA (Quality Assurance: Đảm bảo Chất lượng) đối với các phòng ban chỉ dừng lại ở việc viết quy trình, triển khai cải tiến và “vạch lá tìm sâu” và... vân vân. Đại loại, không quan tâm, có cũng được, không có cũng chả sao, mà không có càng tốt. Anh muốn tôi thay đổi nhận thức của mọi người về QA. Bài tập đầu anh giao tôi là trả lời câu hỏi: “Tại sao cần có QA/hoặc có QA để làm gì ?”. Bắt đầu từ việc thay đổi cách làm, anh nói: “Hãy sâu sát thực tế” thay vì chỉ ngồi ì trên bàn rồi email tới email lui làm phiền người khác.

“Mày cứ xuống kho ngồi, quan sát, học hỏi… rồi hẵng tính đến việc cải tiến, sửa đổi quy trình”. Anh nói, và tôi làm thật. 3 tháng trời tôi tới lui cái kho đầy bụi, nóng nực để “sâu sát công việc”. Tôi rất tiếc khi vừa triển khai xong dự án, kho chuyển về địa điểm mới với quy mô cực kỳ hoành tráng.

Những lúc bị áp lực công việc, thiếu ý tưởng... tôi lại tìm đến anh. Nghe anh chửi, nghe anh “chém”, nghe anh “giảng” các khái niệm “trừu tượng” và quan trọng là xin ý kiến anh về những cái tôi định làm.

Tự nhiên tôi gọi anh là thầy.

Thật lạ, hai công việc thuộc hai chuyên ngành khác nhau nhưng tôi toàn kiếm lý do này nọ để được gặp anh nghe anh “chửi”. Tự nhiên tôi buột miệng gọi anh là thầy, rồi thành thói quen, rồi tôi nằn nỉ anh cho phép tôi gọi anh là thầy. Anh đồng ý và nhận tôi là học trò khi đọc được mẩu chuyện tôi đã đi làm osin kiếm tiền phụ cha mẹ khi tuổi đời mới bước sang 16.

Tôi thường kể cho bạn bè và mẹ nghe về anh - người thầy của mình. Mẹ khuyên tôi phải cố gắng để sống không thẹn lòng, đừng phụ những người đang tin tưởng mình.

Tôi vẫn giữ thói quen khi nào nhớ thầy sẽ gọi ngay. Nếu thầy có hỏi: “Mày gọi cho anh có việc gì không”,tôi cứ thản nhiên: “Em nhớ thầy nên gọi có được không”, rồi cười hì hì một cái.

Có những lúc rơi vào bế tắc, có những lúc thấy mình bị tổn thương, tôi thường gọi cho thầy để nghe thầy chửi: “Việc gì mày phải xoắn”.

Có một số mẩu chuyện thầy viết về cuộc đời thầy đã trải qua, tôi thuộc vài đoạn. Tôi lấy câu chuyện đó kể cho bạn bè và người thân nghe. Tôi thích cái nhìn của thầy về con người quê tôi, quê người (thầy và tôi là đồng hương), điều mà chưa ai nói với tôi hay dạy tôi. Tôi kính trọng thầy từ những điều giản dị như thế.

Cũng là người cuối cùng hay tin thầy chuyển công tác sang đơn vị khác. Tôi nhìn thầy với ánh mắt “hờn dỗi” ầng ậc nước.

Tập đoàn tổ chức cuộc thi tìm Trạng nghề chất lượng. Ban đầu tôi chỉ tham dự cho đủ số lượng rồi về quê nghỉ hè 5 hôm. Nghỉ được 2 bữa, sếp gọi điện vào báo tôi chuẩn bị thi tiếp vòng 2. Sếp đã nhường suất của mình để cho tôi thi tiếp. Còn 4 ngày nữa phải nộp bài luận mà tôi đang nghỉ hè với người thân. Tôi có ý định từ bỏ, thực sự không có tâm trạng thi thố. Sếp gọi điện động viên tôi thi tiếp, anh nghĩ tôi sẽ làm tốt.

Tôi gọi cho anh, cho thầy, cho sếp xin ý kiến về chủ đề tôi định viết luận. Tôi nhận được cả 3 phiếu đồng ý. Tôi phải thú nhận một điều nếu không có anh, có thầy, có sếp, tôi không thể có một bài luận với số điểm nằm trong top 5 đi tiếp vào vòng 3 rồi cuối cùng là người chiến thắng. Anh chỉ cho tôi cách tư duy đúng về đề tài; sếp chỉ cho tôi cái cách dẫn chứng một nhận định bằng các con số thực tế/khách quan và thuyết phục chứ không phải cứ nói thao thao bất tuyệt; thầy giảng cho tôi nghe bản chất các khái niệm… và sự tự tin/mạnh mẽ khi thể hiện luận điểm.

Tôi gọi báo tin “đỗ Trạng”. Tôi đã bật khóc khi nghe anh nói: “Anh tự hào về em”. Không phải vì danh, không phải vì thành tích, không phải vì giá trị giải thưởng… bởi đơn giản tôi muốn anh tự hào về tôi, bởi tôi là học trò của thầy, bởi vì niềm tin của sếp.

Đợt tổng kết cuối năm, các anh/chị ngành dọc cũng kêu sếp chia sẻ bí quyết “Từng ấy người sao có thể hoàn thành nhiêu đó công việc và được tập đoàn đánh giá cao”. Sếp tôi thành thật chia sẻ không có bí quyết gì hết, chỉ là anh coi nhân viên như người nhà, sự chân thành và sẻ chia mọi khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống giúp anh và nhóm có kết quả như hôm nay. Điều sếp tôi nói không sai dù là một chữ. Tôi thấy mình may mắn khi được làm việc với anh.

Những người anh, người sếp, người thầy đã truyền lửa cho tôi có đủ nghị lực, niềm tin và vững bước trên con đường mình đã chọn.       

>> Đứng đường xin việc sao phải nhục

Phượng Thạch    

Ý kiến

()