Chúng ta

Tiết kiệm tiền tỷ nhờ mã mở và điện toán đám mây

Thứ năm, 22/3/2012 | 17:12 GMT+7

FPT Telecom đã tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD một năm nhờ ứng dụng mã nguồn mở (opensource) và điện toán đám mây trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sắp tới, giải pháp này cũng sẽ được ứng dụng vào một số hoạt động của Tập đoàn FPT.

Sử dụng và mở hóa mã nguồn dường như đã thành xu hướng tất yếu của thế giới. Việt Nam cũng đang từng bước hòa nhập vào dòng chảy công nghệ này. Giám đốc Trung tâm R&D FPT Telecom, Phạm Kim Long, cho biết, từ ba năm trở lại đây, việc ứng dụng mã nguồn mở càng được đẩy mạnh hơn trong công ty.

Theo anh Long, chọn mã nguồn mở làm nền tảng cho các công nghệ của FPT Telecom do công ty ý thức được những lợi ích to lớn mà nó đem lại, đó là làm chủ công nghệ, tối ưu chi phí đầu tư và vận hành hệ thống.

“Một trong những rào cản lớn của doanh nghiệp khi cân nhắc mã nguồn mở là những lo ngại về năng lực kỹ thuật không đủ để vận hành, hỗ trợ kỹ thuật khi áp dụng. FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nên có sẵn đội ngũ kỹ thuật đủ mạnh, am hiểu các giải pháp mã nguồn mở. Vì vậy rào cản về kỹ thuật không còn”, anh phân tích.

Nhờ ứng dụng giải pháp mã nguồn mở và Điện toán đám mây, FPT Telecom đã tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD hàng năm. Ảnh: S.T.

Nhờ ứng dụng giải pháp mã nguồn mở và Điện toán đám mây, FPT Telecom đã tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD hàng năm. Ảnh: S.T.

Mã nguồn mở hiện được đơn vị áp dụng trong rất nhiều hệ thống khác nhau, cả dịch vụ công cộng lẫn hệ thống nội bộ. Cụ thể, dịch vụ chia sẻ dữ liệu trực tuyến Fshare được xây dựng hoàn toàn bằng các giải pháp mã nguồn mở, từ hệ điều hành, web server, cơ sở dữ liệu, hệ thống lưu trữ… Hệ thống máy chủ video cho dịch vụ IPTV cũng áp dụng giải pháp này.

Đối với hệ thống thông tin nội bộ, các hệ thống: Call agent cho Trung tâm Call Center để nhận cuộc gọi và hỗ trợ khách hàng; Hệ thống quản lý thiết bị đầu cuối (ACS - Automatic Configuration Server); Hệ thống thu âm cuộc gọi; Hệ thống quản lý dự án phát triển phần mềm… đều được phát triển trên nền tảng opensource.

“Hiệu quả lớn nhất đối với FPT Telecom là việc làm chủ công nghệ. Nền tảng mở cho phép chúng tôi dễ dàng mở rộng, thay đổi, tích hợp, kết nối với các hệ thống khác, giúp công ty nhanh chóng cung cấp được các dịch vụ và đáp ứng một cách linh hoạt theo nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường viễn thông”, anh Long cho hay.

Thực tế, nhờ ứng dụng giải pháp này, công ty đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Theo đó, một số hệ thống phát triển trên mã nguồn mở (như ACS, hệ thống thu âm, hệ thống giám sát và quản trị dịch vụ với số phần tử đang được quản lý lên tới 30.000) đã thay thế hoàn toàn các sản phẩm thương mại nguồn đóng và tiết kiệm hàng trăm nghìn USD. Giải pháp private cloud (đám mây riêng) cũng đã giúp việc sử dụng tài nguyên máy chủ rất hiệu quả. Thậm chí, một số sản phẩm opensource còn ưu việt hơn sản phẩm thương mại nguồn đóng.

Dự án OneEmail và OnePhone của FPT sẽ ứng dụng giải pháp mã nguồn mở. Ảnh: Thùy Linh.

Dự án OneEmail và OnePhone của FPT sẽ ứng dụng giải pháp mã nguồn mở. Ảnh: Thùy Linh.

Bên cạnh việc áp dụng mã nguồn mở, từ năm 2010, FPT Telecom đã đẩy mạnh phát triển các giải pháp điện toán đám mây. Hệ thống pirvate cloud được công ty phát triển hoàn toàn dựa trên các giải pháp nguồn mở. Hệ thống đã được đưa vào sử dụng để cấp phát máy chủ cho các hệ thống dịch vụ khách hàng cũng như phục vụ các dự án nghiên cứu, phát triển.

Việc dùng private cloud đã giúp công ty sử dụng tài nguyên hệ thống (máy chủ, network, lưu trữ) linh hoạt và hiệu quả hơn nhiều so với mô hình quản lý tài nguyên vật lý truyền thống. Với private cloud, một máy chủ ảo có thể được cấp phát chỉ trong vòng vài phút, thay vì hàng giờ, hàng ngày.

Giai đoạn tiếp theo trong chiến lược điện toán đám mây, FPT Telecom sẽ chú trọng phát triển các dịch vụ đám mây công cộng, hay còn được hiểu là mô hình Software as a Service - SaaS.

Trong mô hình SaaS, người dùng không phải trả tiền cho bản quyền phần mềm, mà dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Đồng thời, cũng không cần phải đầu tư về máy chủ, lưu trữ, hệ thống mạng… nên giúp giảm được cả chi phí đầu tư cũng như vận hành. Hiện FPT Telecom bắt đầu hợp tác với một số đối tác quốc tế hàng đầu thế giới để triển khai dịch vụ SaaS cho khách hàng doanh nghiệp, đồng thời áp dụng cho cả nội bộ công ty.

Để giải quyết nỗi lo về bảo mật khi quyết định “mở”, theo anh Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Mạng FPT Telecom, các ứng dụng opensource của công ty được áp dụng sẽ thống nhất, tiền kiểm soát trước khi ứng dụng thêm các công nghệ xử lý tập trung trên nền tảng điện toán đám mây, đồng thời sẽ cố gắng giảm tối đa các mối nguy hiểm về bảo mật.

Dự kiến, trong tháng 4, khối văn phòng của FPT Telecom và FPT Retail sẽ triển khai giải pháp mã nguồn mở cho các hoạt động của mình.

Trước những ứng dụng thành công của FPT Telecom, Trưởng Ban CNTT FPT Vũ Anh Tú cho biết, FPT cũng sẽ ứng rộng rãi các ứng dụng mở. Bởi tập đoàn đang có một nguồn lực rất lớn về hạ tầng ICT và quan trọng nhất là năng lực IT của cộng đồng người sử dụng rất cao, với 80-90% nhân viên tốt nghiệp các chuyên ngành CNTT.

“Ban CNTT sẽ theo sát việc triển khai tại hai đơn vị trên để học tập kinh nghiệm, trên cơ sở đó chuyển đổi hệ thống thông tin và ứng dụng cho toàn bộ người dùng FPT. Trước mắt, các dự án OneEmail, OnePhone sẽ ứng dụng ngay những giải pháp này”, anh Tú nói.

Theo đó, FPT sẽ dừng dự án OneEmail để nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp mã nguồn mở, Cloud Computing. “Dù làm chậm tiến độ và lộ trình của dự án nhưng FPT sẽ chấp nhận việc này bởi chuyển sang một hệ thống ưu việt hơn, đáp ứng nhu cầu trong dài hạn là điều nên làm”, Trưởng Ban CNTT khẳng định.

Lâm Thao

Ý kiến

()